Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Đi đường địa hình bằng Hilux

Nguyễn Khoa -

Ở phiên bản mới, dòng bán tải Hilux của Toyota có vài điểm thay đổi về thiết kế và nâng cấp động cơ, hộp số. Bên cạnh đó, nhiều công nghệ, chức năng mới cũng được đưa vào dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc này.

hilux1Một năm trước, Toyota mang về Việt Nam dòng xe bán tải Hilux mới nhưng động cơ và hộp số là loại dùng cho phiên bản trước đó nữa. Sau một năm, khi các đối thủ của dòng xe này như Ranger (Ford), Colorado (Chevrolet), Navara (Nissan)… có nhiều thay đổi về động cơ, công nghệ và cả thiết kế thì Toyota cũng mang về dòng xe mới hơn để đủ khả năng “so găng”.

Trên các phiên bản mới nhất, Hilux có một phiên bản dùng động cơ 1KD-FTV 3.0 L cũ đã được thay bằng động cơ 1GD-FTV 2.8 L, DOHC, công suất 174 mã lực tại 3.400 vòng/phút (tăng 13 mã lực so với động cơ của phiên bản trước), mô men xoắn cực đại 450 Nm tại dãy vòng tua 1.600-2.400 vòng/phút (tăng 90 Nm so với phiên bản trước). Trong khi đó, các phiên bản động cơ 2KD-FTV của phiên bản 2.5 L trước được thay thế bằng động cơ 2GD-FTV 2.4 L, DOHC, công suất cực đại 147 mã lực tại 3.400 vòng/phút (tăng 5 mã lực so với động cơ của phiên bản trước), mô men xoắn tối đa 400 Nm tại dãy vòng tua 1.600-2.000 vòng/ phút (tăng 57 Nm so với phiên bản trước). Và qua những thông số này, điểm dễ nhận ra nhất chính là Hilux dùng động cơ có dung tích nhỏ hơn nhưng lại mạnh mẽ hơn.

hilux

Chúng tôi đã lái thử các phiên bản mới này tại khu Làng văn hóa-du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), nơi có những bãi thử của các cuộc đua xe địa hình thuộc hàng “khó nhằn” nhất tại Việt Nam hiện nay. Ở cung đường có dốc dựng đứng trên 35 độ, chúng tôi thử chế độ truyền động hai cầu chậm, hộp số tự động sáu cấp sẽ lựa chọn các cấp số thấp tạo lực kéo cho xe, giúp người lái đưa xe vượt qua con dốc.

Tiếp theo, ở đoạn đường có sườn dốc nghiêng 20 độ được thiết kế như một chiếc lòng chảo, độ nghiêng của xe rất lớn và chúng tôi đã cho xe chạy một vòng rồi thoát lên bên trên. Ở địa hình này, chiếc xe vận hành tốt đỏi hỏi phải có khung gầm vững chắc cũng như độ bám đường và hệ thống truyền động vận hành ổn định. Ở những cung đường gập ghềnh quanh co, trong trường hợp một trong bốn bánh xe không thể bám đường, hệ thống kiểm soát lực kéo chủ động A-TRC sẽ ngay lập tức tác động để duy trì lực kéo trên tất cả bánh xe.

Ngoài ra, ở thử thách cuối cùng của bài offroad, khi điều khiển Hilux trên địa hình đồi dốc phức tạp, sự hỗ trợ của hệ thống khởi hành ngang dốc HAC giúp người lái đủ khả năng xử lý các thao tác khi xe tự dừng vài giây, tránh trôi ngược ra sau. Chức năng này không phải là quá mới trên các dòng xe hiện nay, nó giúp cho người lái (nhất là những người mới lái) có đủ thời gian để chuyển từ chân thắng sang chân ga khi buộc phải dừng ở những đường có dốc cao như cầu, leo đèo…

Ở các cung đường trường, cao tốc, phiên bản mới của Hilux có độ vọt tốt hơn bản cũ rất rõ. Đối với các khúc cua gắt, hệ thống cân bằng điện tử (VSC) giúp xe qua cua “ngọt” hơn phiên bản cũ khá tốt và người lái dễ nhận thấy cảm giác “mượt mà” khi ôm vô lăng, đánh lái nhanh qua cua. Ngoài ra, với việc bổ sung camera lùi hiển thị trên màn hình DVD, người lái sẽ cảm thấy tiện dụng khi lùi xe, đi lại trong phố đông đúc.

Trong lần ra mắt thị trường này, Toyota Việt Nam công bố giá bán cho các phiên bản Hilux 2.8 G số tự động (bản cao nhất) là 870 triệu đồng/chiếc (giảm 44 triệu đồng so với bản 3.0G AT cũ). Hiện tại, giá bán ở phiên bản cao nhất của Ford Ranger (Wildtrak 3.2 L) là 918 triệu đồng/chiếc, Chevrolet Colorado (High Country 2.8 L) có giá 839 triệu đồng/chiếc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối