Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Đi lại tăng cao dịp Tết, nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm

(SGTT) – Cận Tết, chất lượng không khí tại TPHCM giảm cùng với thời tiết thay đổi liên tục là điều kiện để các loại virus, vi khuẩn phát triển, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Cùng với đó, nhu cầu đi lại, du lịch tăng cao cũng là một trong những yếu tố làm cho các bệnh truyền nhiễm, trong đó có Covid-19, nhanh chóng lây lan.

Bụi mịn vượt ngưỡng cho phép

Trong những ngày qua, nhiều khu vực tại TPHCM, nhất là ở vùng ven các sông, kênh rạch bị chìm trong sương mù. Chỉ số ô nhiễm không khí cũng được nhiều cảnh báo ở mức nguy hại cho sức khỏe.

Cụ thể, ghi nhận trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual (thuộc Tổ chức đo chất lượng không khí thế giới) vào sáng ngày 7-2 (nhằm 28 Tết) cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho những người nhạy cảm có nguy cơ bị kích ứng và gặp các vấn đề về hô hấp.

Theo ứng dụng này, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại TPHCM đạt khoảng 40.5µg/m³ (mức giới hạn theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là khoảng 5 µg/m³). Đáng nói hơn, “nồng độ PM2.5 tại TPHCM hiện cao gấp 8.1 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO”, ứng dụng Air Visual hiển thị cảnh báo.

Với chất lượng không khí tại TPHCM không tốt những ngày qua, một số bệnh viện trên địa bàn thành phố ghi nhận nhiều ca mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp nhiều hơn các thời điểm trong năm. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cũng cảnh báo các bệnh lây truyền qua đường hô hấp có thể tăng cao vào dịp này.

Khu vực có nhiều sương mù nhất là vùng ven các sông, kênh rạch trên địa bàn TPHCM. Ảnh: L.N

Nói về nguy hại của bụi mịn đối với sức khoẻ, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh của Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), cho biết ô nhiễm không khí, nhất là nồng độ bụi mịn tăng cao, dễ gây viêm nhiễm đường hô hấp. Bụi mịn có kích thước siêu nhỏ nên có thể xâm nhập sâu vào phổi, có thể trở thành tác nhân khởi phát bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc các bệnh lý viêm mũi xoang dị ứng… Một số trường hợp còn có thể ảnh hưởng đến mạch vành.

Bác sĩ Khanh cho rằng bụi mịn xuất hiện theo giờ, theo khu vực như lúc sáng sớm, chủ yếu do các phương tiện giao thông gây ra nên người dân cần tránh những khu vực quá đông đúc xe cộ. Ngoài ra, nếu đi ra đường vào giờ cao điểm, mọi người cần chú ý đeo khẩu trang để bảo vệ đường hô hấp.

Ứng phó dịch bệnh trong kỳ nghỉ Tết

Không chỉ có nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp do bụi mịn gây ra, bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc HCDC, cho biết cận Tết, thời tiết thay đổi liên tục là điều kiện để các loại virus, vi khuẩn lây lan và phát triển. Cùng với đó, việc giao lưu, du lịch, đi lại nhiều hơn cũng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ gây ra các bệnh lây qua đường hô hấp, trong đó có Covid-19.

Liên quan đến biến thể JN.1 của virus SARS-CoV-2 đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay, bà Nga cho biết sự gia tăng liên tục của biến thể JN.1 tại một số quốc gia cho thấy, biến thể này có khả năng lây truyền cao hơn hoặc lẩn tránh hệ thống miễn dịch của con người tốt hơn. JN.1 xuất phát từ biến thể phụ của omicron thuộc biến thể BA2.86. Theo phân loại của WHO, JN.1 thuộc nhóm biến thể đang được quan tâm.

Cho đến nay chưa có đủ bằng chứng cho thấy biến thể này làm tăng mức độ bệnh nặng. Tuy nhiên, do biến thể JN.1 có khả năng lẩn trốn miễn dịch và lây lan nhanh nên có thể dẫn đến số ca mắc Covid-19 sẽ tăng, bà Nga thông tin.

Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại tăng cao cùng thời tiết thay đổi thất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan. Ảnh minh hoạ: Minh Thảo

Trước nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm, cũng như làm thế nào phòng chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, cho biết ngay từ đầu năm 2024, Bộ Y tế đã có những chỉ đạo chặt chẽ về phòng chống dịch bệnh. Trong đó, ngành y tế nhấn mạnh việc kiểm soát, phát hiện sớm các dịch bệnh có thể phát sinh dịp Tết Nguyên đán năm 2024

Là đơn vị được có nhiệm vụ phụ trách công tác phòng chống dịch tại 20 tỉnh thành khu vực phía Nam, Viện Pasteur TPHCM đang phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn thành phố để đánh giá, dự báo tình hình dịch. Đặc biệt, “Viện Pasteur thành phố cũng thành lập các đội đáp ứng nhanh và trực xuyên Tết 24/24 giờ để khi có bất kỳ những phát hiện sớm, có vấn đề gì là chúng tôi đáp ứng ngay. Ngoài ra, các địa phương của 20 tỉnh thành phía Nam cũng có các đội đáp ứng nhanh và trực Tết”, ông Thượng nói.

Để người dân được đón xuân mạnh khỏe và an toàn, lãnh đạo Viện Pasteur TPHCM cho rằng mỗi cá nhân vẫn nên thực hiện theo hướng dẫn phòng chống dịch của ngành y tế như tiêm vaccine đúng và đủ liều vaccine phòng Covid-19 để tránh diễn tiến bệnh nặng nếu mắc phải.

Bên cạnh đó, nếu người tiêm đủ mũi vaccine bị bệnh hoặc có triệu chứng của cúm như sốt, ho đau họng, đau nhức cơ khớp thì cần đến cơ sở y tế khám để được bác sĩ chẩn đoán, điều trị hiệu quả; đồng thời động phòng ngừa lây bệnh cho những người xung quanh bằng cách đeo khẩu trang nơi đông người, rửa tay, khử khuẩn. “Nếu thực hiện tất cả các biện pháp dự phòng, dù có biến thể mới của virus SARS-CoV-2, chúng ta cũng giảm được tác động lây lan dịch bệnh, giảm gánh nặng cho các bệnh viện”, bác sĩ Thượng khuyến cáo.

Trước nhiều dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập và lây lan trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, vừa qua, Bộ Y tế đã yêu cầu ngành y tế các địa phương có cửa khẩu đẩy mạnh kiểm dịch y tế biên giới, giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, cách ly, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Minh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối