Thứ sáu, Tháng Một 24, 2025

Đi suối cá thần, mua đặc sản rừng

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG - 

Đến Thanh Hóa, rất nhiều du khách thường ghé xã Cẩm Lương để ngắm suối cá thần. Dòng suối rất cạn, với độ sâu chừng nửa mét và chiều rộng chừng ba mét, nước chảy ra từ một khe đá ngầm và ở đó là cả ngàn con cá bơi lội tung tăng, có con dễ chừng nặng vài ký. Cá ở đây nhiều nhất là giống cá dốc, môi cá màu đỏ. Ngoài ra, suối cũng có các giống cá trôi, chép, chày, leo hoa... Tên gọi “suối cá thần” xuất phát từ niềm tin rất lâu của người địa phương cho rằng cá ở đây linh thiêng, và không ai dám bắt để ăn thịt.

suoi-ca-thanSuối cá thần rất cạn, nước chảy ra từ khe đá, có cả ngàn con cá bơi lội tung tăng.

Suối cá thần nằm dưới chân núi Trường Sinh, thu hút nhiều du khách tới tham quan, vui chơi. Cũng vì thế nên tại đây hình thành một chợ đặc sản miền núi, mà nếu bạn không mua, quay về lại ngay cả ở Thanh Hóa cũng không thể nào tìm ra những thứ hàng độc đáo như ở ngôi chợ đặc biệt này.

Thật ra thì đi suối cá thần, nếu chỉ ngắm đàn cá thì cũng không chiếm bao nhiêu thời gian, sự hấp dẫn chính là khu chợ như đã nói ở trên. Ngay cổng vào suối cá thần, chợ được bày dọc theo hai bên dài khoảng 500 m, có người ngồi bán dưới đất, có người bán trên sạp với đủ loại hàng hóa có thể là rất lạ. Theo chị Hòa, một người bán hàng, hàng hóa ở đây chủ yếu là khai thác trên rừng, một số là hàng thủ công mỹ nghệ rất riêng của miền đất Thanh Hóa. Vì xã Cẩm Lương có rất nhiều người Mường sinh sống và họ ra chợ với những gì mình có được nên thường thì hàng của họ khá lạ lẫm khiến du khách tò mò, thích thú; giá cả lại cũng rất bình dân.

bap-nuongBắp nướng, bắp luộc bán dọc hai bên đường.

Một loại hàng ở chợ thu hút những người ưa thích cây cảnh chính là các loại lan rừng. Đây là loại lan rừng nhiệt đới, đa dạng chủng loại, gần như sau khi khai thác xong là người bán đem ra chợ, để trơ cả rễ, không cần phải chăm sóc. Giá một giò phong lan chỉ vài chục ngàn đồng.

hang-ban-chimHàng bán chim sáo khá thu hút du khách.

Ngoài lan, tại đây còn bán nhiều thứ rất lạ cũng thuộc loại “của rừng”. Ngay cả cây mấu khô, một loại cây không hiếm hoi gì, thường người đi rừng lấy cây tươi xé vỏ dùng làm dây buộc, nhưng vậy cũng được bày bán. Anh bạn đi cùng tôi đã mua một khúc cây mấu như thế với giá 25.000 đồng. Rồi đến dưa đắng hái trên rừng. Trái dưa đắng gần giống như trái dưa leo bày bán ở các chợ, khác chăng là màu xanh sọc đậm và màu trắng nhiều hơn, được người bán bảo rằng trị bệnh mất ngủ. Đây đó là những bó rau với đủ loại rau rừng, trong đó có những loại mà khách phương xa có thể chưa từng được nghe nói đến. Trái cây thì có mít rừng, quít rừng, bưởi rừng… nói chung là có loại cây trái nào thì người Mường đem ra chợ thứ đấy, kể cả những buồng chuối được trồng trên rẫy.

hang-luu-niemTại các quầy hàng lưu niệm có nhiều sản phẩm độc đáo.

Những đồng bào dân tộc thiểu số vùng này còn bán cả… thuốc trị bệnh. Đó là các loại rễ cây, vỏ cây phơi khô được cho là trị bách bệnh, cứ gói trong những bao nhựa, bày bán la liệt. Công hiệu trị bệnh không rõ thế nào, nhưng giá cả thì khá rẻ, chỉ từ 10.000 đến 20.000 đồng một gói thuốc, và nhiều người vẫn tin tưởng hay tò mò mà mua về.

Hôm chúng tôi đến đây, nhận thấy hàng bán chim sáo khá thu hút khách. Mỗi con chim mà khách định chọn mua, chủ nhân sẽ dỗ nó hót cho khách nghe thử xem có vừa ý. Giá mỗi lồng có chim biết hót là 150.000 đồng.

Tại các quầy hàng lưu niệm cũng có nhiều sản phẩm độc đáo. Người bán dao giới thiệu đủ loại dao mà theo họ là được rèn theo cách rèn truyền thống của người Mường. Tùy theo loại mà có giá từ 30.000 đồng đến 100.000 đồng/chiếc, được “khuyến mãi” một chiếc bao bảo vệ bằng vỏ cây cho an toàn. Rồi đến loại sản phẩm khá đặc trưng của địa phương là ống hút thuốc lào, được chạm trỗ khá tinh vi. Nhiều người không biết hút thuốc lào cũng mua một chiếc về làm vật lưu niệm. Hàng lưu niệm còn có các loại nỏ lớn nhỏ, phong linh bằng tre nứa, các giỏ đựng kim chỉ bằng mây đan, cho đến các trang phục của dân tộc Mường…

Phần ẩm thực thì khá đơn giản. Các chiếc bánh gai nhỏ được bán 2.000 đồng/cái thu hút khách mua ăn thử; các ống cơm lam bé tí ti, xé ra nhón hai miếng là hết, giá cũng chỉ 2.000 đồng/ống; bắp nướng, bắp luộc bán dọc hai bên đường với giá bình dân tương tự...

Đi chơi ở suối cá thần Cẩm Lương, nếu chỉ xem cá thì thời gian chiếm không bao nhiêu. Nhưng cái thú đi chợ ở suối cá thần này thật là vui. Như anh Hoàng, quê ở tận miền Nam, đã dừng chân hết gian hàng này đến gian hàng khác, lựa mua những món đồ rất lạ ở chợ suối cá thần này. Anh nói: “Thật là một ngôi chợ cực kỳ thú vị”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối