Thứ năm, Tháng mười hai 5, 2024

Đi tìm căn cước Sài Gòn

NGUYỄN HUỆ NGHI -

Gần đây, trên giá sách xuất hiện ba cuốn khảo cứu khá công phu và dày dặn về lịch sử Sài Gòn của tác giả Nguyễn Đức Hiệp, một người sinh trưởng ở Sài Gòn, hiện là chuyên gia khoa học về khí quyển ở Bộ Môi trường và Di sản bang New South Wales, Úc.

Tßc-gi_-Nguy_n--_c-Hi_p---_nh-NVTác giả Nguyễn Đức Hiệp. Ảnh: N.V.

Với bộ ba cuốn: Sài Gòn-Chợ Lớn Ký ức đô thị và con người, Sài Gòn-Chợ Lớn qua những tư liệu quý trước 1945 và Sài Gòn-Chợ Lớn Thể thao và báo chí trước 1945 (đều do NXB Văn hóa-Văn nghệ ấn hành, 2016), có thể nói, tác giả Nguyễn Đức Hiệp đã mang đến cho người yêu Sài Gòn một kho tàng tài liệu phong phú, một góc tiếp cận Sài Gòn vừa khoa học, vừa dễ gần.

Trong cuộc giao lưu ra mắt quyển thứ ba, Sài Gòn-Chợ Lớn Thể thao và báo chí trước 1945 vào sáng 22-7 vừa qua tại đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1, TPHCM, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp cho rằng, ba công trình trên được ông thực hiện trong hơn 10 năm. “Tôi không đặt mục tiêu gì quá lớn lao, chỉ muốn thu thập, hệ thống lại các tài liệu quan trọng có trong các tàng thư, văn khố, thư viện viết về lịch sử Sài Gòn để đưa ra một bức tranh phát triển của thành phố trong quá khứ. May mắn cho tôi, đó là trong thời đại Internet, có thể ngồi ở Úc tiếp cận với nguồn tài liệu tại các thư viện ở Việt Nam, Singapore hay Pháp khá dễ dàng”, ông nói.

Việc tập hợp và hệ thống những tri thức đô thị học Sài Gòn đã được Nguyễn Đức Hiệp thực hiện khá bài bản, có phương pháp và công phu. Chính điều này làm nên sự khác biệt của bộ sách giữa một rừng sách viết về Sài Gòn trong thời gian qua. Có thể dẫn chứng ngay trong cuốn Sài Gòn-Chợ Lớn Ký ức đô thị và con người dày 461 trang, tác giả trình bày chi tiết từ hệ thống xe lửa, xe điện công cộng Sài Gòn-Chợ Lớn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, con đường trung tâm Catinat (nay là Đồng Khởi), đại lộ Charner, Bonard hay mạng lưới thương mại người Hoa giữa Singapore-Sài Gòn-Hồng Kông đầu thế kỷ 20… Những chuyện kỳ thú của một thành phố quốc tế trong quá khứ như hoàng tử Myanmar Myingun lưu vong ở Sài Gòn như thế nào, cộng đồng người Đức sống ở Sài Gòn trong thời điểm bùng nổ thế chiến thứ nhất ra sao hay thi hào R. Tagor đến Sài Gòn năm 1929 ra làm sao… được kể bằng một văn phong cuốn hút, đơn giản.

T_-ph_i-sang---tßc-gi_-Nguy_n--_c-Hi_p-va-(ng-Tim-Doling-trong-bu_i-ra-m_t-sßch---_nh-Nguy_n-VinhTừ phải sang – tác giả Nguyễn Đức Hiệp và ông Tim Doling trong buổi ra mắt sách. Ảnh: Nguyễn Vinh

Trong buổi giao lưu nói trên, ông Nguyễn Đức Hiệp cho rằng: “Ký ức đô thị – những tiểu tự sự, là di sản phi vật thể, đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển văn hóa của một thành phố. Một thành phố không thể đánh mất ký ức của mình”.

Hay trong cuốn Sài Gòn-Chợ Lớn qua những tư liệu quý trước 1945, tác giả đi từ những dữ liệu tiền đô thị của Sài Gòn rồi xuyên qua các sử liệu, ghi chép của Trịnh Hoài Đức, John Barrow, P. Purefoy, John White, George Finlayson, Trương Vĩnh Ký để mô tả điều gì đã kiến tạo nên nền tảng một đô thị giao thương về kinh tế và là vùng đất quan trọng về địa văn hóa và địa chính trị. Cũng có nhiều dữ liệu kiến giải cho mối quan hệ hai trung tâm Chợ Lớn và Bến Nghé Sài Gòn thông qua kỹ nghệ lúa gạo, lưu chuyển hàng hóa…

Tác giả đã làm một công việc quan trọng: kết nối sử liệu để người đọc qua đó có thể hình dung từng bước đi của một đô thị, từ đó có cái nhìn tổng quan, có thể tự trả lời được một số câu hỏi như: điều gì làm nên tính cách hay căn cước Sài Gòn?; vì sao nói tới Sài Gòn là nói tới sự cởi mở, bao dung?

Ông Tim Doling, một người Anh sống tại Sài Gòn, tác giả của nhiều công trình viết về lịch sử Sài Gòn, nhận định về bộ ba cuốn sách của Nguyễn Đức Hiệp: “Những cuốn sách của Nguyễn Đức Hiệp giúp tăng cường hiểu biết của chúng ta về một giai đoạn lịch sử quan trọng, trong đó có những kiến thức bị bỏ sót trong môi trường nghiên cứu chính thống bấy lâu… Điều đó có ý nghĩa lớn, giúp người đọc, đặc biệt người đọc trẻ hiểu để giữ gìn những di sản của đô thị Sài Gòn tốt hơn”.

Ông Doling qua nhiều năm sống và nghiên cứu, quan sát sự phát triển của TPHCM hiện tại, cho rằng, di sản ở thành phố này thì lớn nhưng không so sánh được với việc phá hủy và xây mới; nhiều di sản cộng đồng thành tài sản cá nhân. Chính vì vậy, theo ông, đây là lúc sự tăng cường hiểu biết sẽ rất quan trọng đối với cư dân thành phố để không chỉ giữ gìn những di sản vật thể mà còn phải bảo tồn ký ức đô thị trong cộng đồng.

Đồng ý với quan điểm trên, tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu cho rằng: “Căn cước Sài Gòn thiên về yếu tố con người, tính cách thị dân”.

Một điều nữa có thể thấy ở bộ sách của Nguyễn Đức Hiệp, đó chính là sự chuyên tâm. Rõ ràng người ta sẽ có nhiều cách lên tiếng về những vấn đề thời sự liên quan đến bảo tồn di sản. Có thể xem đây là một cách “lên tiếng” đầy lợi hại của một nhà nghiên cứu người Sài Gòn sống xa Sài Gòn và ưu tư với những giá trị đô thị Sài Gòn trước thách thức phát triển của đô thị thời toàn cầu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối