Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024

Đi tìm sự gian trá trong kinh doanh thực phẩm

Ngọc Trung

Ở siêu thị, trên những kệ hàng người mua chỉ nhìn thấy các mặt hàng thực phẩm nhưng Mansour Samadpour, Giám đ ốc điều hành Viện Sức khỏe và Môi trường (IEH), lại nhìn thấy được sự bí ẩn, nói thẳng ra là sự gian trá.

Người tiêu dùng buộc phải đánh cược sức khỏe

Samadpour chậm rãi đi một vòng quanh siêu thị. Ông cẩn thận quan sát từng kệ hàng, tựa như viên thám tử đang xem xét hiện trường vụ án. Một nhân viên tưởng lầm ông cần giúp đỡ nhưng Samadpour lắc đầu. Ông biết chính xác mình muốn gì.

Ông chọn quả mâm xôi hữu cơ, loại có thể cho kết quả dương tính với thuốc trừ sâu, và miếng phi lê cá đánh bắt ngoài tự nhiên (có thể chẳng tự nhiên), cũng không đúng loại được ghi trên nhãn. Ông mua thêm thịt bò và thịt heo xay. Ông thất vọng vì không thấy bán trứng cá hồi caviar muối – một loại rất dễ phát hiện nó có thể được làm bằng loại trứng cá rẻ tiền hơn là trứng cá tầm.

Các nhà cung cấp, sản xuất và siêu thị phụ thuộc vào hệ thống phòng thí nghiệm của Samadpour để kiểm định sản phẩm có bị nhiễm khuẩn do vô ý hay cố tình gian lận, hoặc để xác định đó có phải thực phẩm hữu cơ hoặc không biến đổi gen.

Người tiêu dùng, mắt xích cuối cùng trong chuỗi sản xuất-phân phối-tiêu thụ thực phẩm, chỉ biết đánh cược sức khỏe của mình vào trách nhiệm của các bên liên quan.

Kiểm tra mẫu trứng cá hồi ở một phòng thí nghiệm của IEH tại Seattle.
Kiểm tra mẫu trứng cá hồi ở một phòng thí nghiệm của IEH tại Seattle.

Theo phân tích năm 2013 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, mỗi năm ngộ độc thực phẩm khiến nước Mỹ tiêu tốn 14,1-16,3 tỉ đô la. Chính phủ liên bang đã kêu gọi phải thay đổi, từ đối phó sang chủ động phòng tránh để giảm thiểu các trường hợp bị bệnh hoặc tử vong do ngộ độc thực phẩm. Người tiêu dùng kỹ tính muốn thực phẩm được an toàn và đảm bảo chất lượng. Các nhà bán lẻ, vốn phải dựa vào hàng loạt nhà cung cấp toàn cầu, thì tìm cách bảo vệ thương hiệu của mình.

Phòng thí nghiệm đầu tiên của Samadpour được thành lập năm 2001 với vỏn vẹn sáu nhân viên. Hiện nay, có hơn 1.500 người làm việc trong 116 phòng thí nghiệm của IEH tại Mỹ và châu Âu. Ông cho rằng công ty mình, một trong những doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ trong lĩnh vực này, là “một tổ chức y tế hoạt động theo cơ chế tài chính tư”.

Hoạt động của công ty tiến triển rất tốt - một phần vì khách hàng của IEH coi việc kiểm định như một hàng rào bảo vệ trong kinh doanh thực phẩm đa tầng không biên giới. Samadpour cho biết, công ty ông quan tâm nhiều tới thực phẩm nhập khẩu do thiếu độ tin cậy, thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu văn hóa ẩm thực an toàn bởi theo ông những vụ việc như hóa chất độc hại melamine trong sữa trẻ em của Trung Quốc năm 2008 đã góp phần thay đổi dần quan điểm của các nhà sản xuất thực phẩm Mỹ đối với hàng nhập khẩu.

 Sự giám sát chặt chẽ, liệu đã đủ?

Khách hàng của IEH chủ yếu là doanh nghiệp cung cấp hàng cho nhà bán lẻ và đơn vị sản xuất. Họ thường thích giữ kín danh tính vì sợ việc đến gặp IEH là một bằng chứng cho người tiêu dùng thấy họ lo ngại về độ an toàn của thực phẩm do mình sản xuất. Nhưng Cosco, một nhà bán lẻ, đã công khai việc mình sử dụng dịch vụ của IEH.

Từ năm 2003, Bộ Nông nghiệp Mỹ yêu cầu kiểm định thịt bò dùng làm bò xay, dẫn tới lượng tiêu thụ thịt bò giảm tới 40% do phát hiện có vi khuẩn E-coli trong mặt hàng này. Craig Wilson, Phó giám đốc Cosco, cho biết mỗi ngày Cosco chế biến khoảng 300.000 kg thịt bò xay, và đã liên tục lấy mẫu vi sinh tại nhà máy ở California.

Không phải ai cũng hoan nghênh sự thay đổi. Một vài nhà sản xuất lo lắng về việc sản phẩm hết thời hạn sử dụng nếu phải chờ đợi kết quả. Wilson không hề nao núng. Ông nói: “Nếu các anh có thể xét nghiệm và kiểm tra độ an toàn vi sinh, việc gì tôi phải lo lắng về thời gian sử dụng?”.

Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) hiện chỉ dừng lại ở mức yêu cầu kiểm định sản phẩm, mặc dù theo bà Juli Putnam, một phát ngôn viên của FDA, cơ quan này vẫn tự tiến hành “giám sát việc lấy mẫu”.

FDA đã nhận ra hai hạn chế trong kiểm tra bắt buộc. “Một mẫu sản phẩm cho kết quả âm tính không có nghĩa mặt hàng đó an toàn”, bà Putnam viết trong thư điện tử gửi phóng viên như vậy, bởi các mẫu khác vẫn có thể bị nhiễm khuẩn. Và nếu tiến hành lấy thêm mẫu xét nghiệm thì chi phí lại dồn lên vai người tiêu dùng.

Do đó, FDA chú trọng vào việc xác định tiêu chuẩn an toàn tối thiểu đối với “các nguồn tiềm ẩn nhiễm vi sinh như nước tưới tiêu, sức khỏe và vệ sinh người lao động, và động vật tại khu vực nuôi trồng”, bà Putnam cho biết (mặc dù một vài xét nghiệm phòng ngừa được tiến hành trên các mầm cây).

David Gombas, Phó chủ tịch cấp cao về an toàn và công nghệ thực phẩm của Hiệp hội Sản xuất thực phẩm tươi sống, phản bác quan điểm của FDA rằng kiểm định không phải là một câu trả lời đầy đủ cho các thành viên hiệp hội liên quan tới kinh doanh hàng tươi sống, bởi từ những người ươm giống đến nuôi trồng, vận chuyển, chế biến, nhà hàng và siêu thị, tất cả mọi người từ khâu đầu cho tới khâu cuối được kết nối với nhau bởi cam kết về an toàn thực phẩm. Ông Wilson cho biết hướng dẫn của chính phủ chỉ là “tiêu chuẩn tối thiểu, và tôi luôn luôn cố gắng làm tốt hơn thế”.

An toàn thực phẩm là một mệnh đề có hoặc không – tức có nhiễm khuẩn hoặc không. Gian lận thực phẩm, một phần nhỏ trong vấn đề thực phẩm toàn cầu, thì khó phát hiện hơn vì nó rất đa dạng. Vì vậy, Samadpour khuyến cáo người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác. Đó là phương thức tự vệ tốt nhất để đối phó với việc bán hàng dưới mức tiêu chuẩn một cách trắng trợn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối