Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Đi tìm ý nghĩa công việc

(SGTT) - Ngày càng nhiều người đi làm không chỉ để mưu sinh. Hơn thế, họ mong muốn theo đuổi một công việc có thể đáp ứng cả nhu cầu vật chất lẫn tinh thần, thỏa mãn khát khao cống hiến và cho phép tạo ra giá trị cho xã hội.

Đầu tháng 5, kết quả báo cáo “Tìm kiếm ý nghĩa trong công việc” do Jobs_that_makesense Asia và Manpower thực hiện tại sáu quốc gia Đông Nam Á cho thấy một xu hướng đáng chú ý: Hầu như tất cả người lao động đều đánh giá cao tầm quan trọng của việc tìm kiếm ý nghĩa trong công việc. Ở cấp độ khu vực, quan điểm nói trên nhận được sự tán thành của 98% trong số 2.000 người khảo sát. Đối với nhóm 274 người Việt Nam, con số này là 99%.

Theo các nhà phân tích, trong khi nhấn mạnh về vai trò không thể thay thế của yếu tố ổn định tài chính, ngày càng nhiều người lao động kỳ vọng những gì họ làm hàng ngày có thể giúp bản thân tiến bộ hơn, lan toả tác động tích cực cho xã hội, hay phần nào giải quyết các thách thức mà toàn cầu đang phải đối mặt, nổi bật là vấn đề môi trường.

Thay vì chỉ tập trung vào khía cạnh tiền bạc như trước đây, khát khao tạo ra thay đổi tích cực và đóng góp vào các nỗ lực chung đang trở nên phổ biến hơn trong hành trang tìm việc của nhiều người. Như thống kê đã chỉ ra, khoảng 85% người tham gia khảo sát tại Việt Nam xem uy tín của doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội (Corporate Social Responsibility – CSR), góp phần đáng kể vào quyết định chọn chỗ làm. Với năm quốc gia còn lại ở Đông Nam Á, tỉ lệ này là 77%.

Công việc ý nghĩa

Theo Harvard Business Review, tìm được một công việc có “ý nghĩa”, vốn đảm bảo sự hài hòa giữa các yếu tố riêng và chung, giữa mong muốn cá nhân và nhu cầu tập thể, không phải là việc dễ dàng. Nỗ lực này đòi hỏi ở người lao động một quá trình tự nhận thức liên tục và lâu dài. Trong đó, động lực nghề nghiệp và các giá trị sống mà họ theo đuổi cần phải được làm rõ(1).

Với người tuyển dụng, ngoài giải quyết yếu tố thu nhập, xu hướng mới đặt ra yêu cầu tạo dựng mối quan hệ khăng khít với người lao động dựa trên những giá trị chung về công việc, lan toả niềm tin về sự tiến bộ, từ đó bồi đắp trong họ thứ cảm thức thuộc về (sense of belonging), nơi nhân viên cảm thấy mình được tôn trọng, gắn bó với đồng nghiệp và tin tưởng mạnh mẽ vào công việc mình làm.

Nhìn rộng ra, giá trị của một công việc “ý nghĩa” vượt lên trên mục tiêu theo đuổi các lợi ích vật chất đơn thuần để bao hàm những khía cạnh liên quan đến sự hòa nhập xã hội, sức chống chịu của nền kinh tế và khả năng tạo ra chuyển biến tích cực. Về mặt xã hội, người lao động mong muốn cống hiến trong một môi trường đảm bảo sự phát triển bình đẳng và trao cơ hội công bằng cho mọi tầng lớp.

Trên khía cạnh kinh tế, họ nỗ lực trở thành một lực lượng sản xuất sử dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có để thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo khả năng phục hồi nhanh của thị trường sau những chu kỳ suy thoái. Cùng với doanh nghiệp và xã hội, họ khát khao cải thiện đời sống, hướng đến một tương lai hài hoà hơn cho chính họ và cho các thế hệ mai sau.

Trong khảo sát của Jobs_that_makesense Asia và Manpower, có 86% ý kiến tin tưởng vào khả năng các doanh nghiệp và tổ chức, không phân biệt loại hình, công hay tư, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung. Khoảng 40% ý kiến cho rằng các công ty cần có hành động cụ thể để hiện thực hoá cam kết về môi trường và xã hội, đặc biệt là đề cao tính trung thực và minh bạch khi triển khai các chiến lược phát triển bền vững.

Các yếu tố nói trên trở nên quan trọng một phần là bởi những thách thức mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt, bao gồm tình trạng bất ổn địa chính trị và tác động ngày càng rõ nét của biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, các quốc gia cũng tự đặt mình vào quá trình chuyển đổi chiến lược nhằm xây dựng nền kinh tế xanh và bền vững hơn, nổi bật là nỗ lực giảm mức phát thải khí nhà kính. Bối cảnh hiện tại đặt ra những đòi hỏi lớn cho việc duy trì đà tăng trưởng và củng cố sự hài hoà xã hội, kéo theo sự thay đổi tất yếu của những lĩnh vực then chốt như thị trường việc làm. Khi đó, hoạt động kinh doanh có trách nhiệm nhất thiết phải song hành với lợi ích cộng đồng.

Kỳ vọng và cơ hội

Với góc nhìn trên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra người lao động sẵn sàng thay đổi các vị trí việc làm để đảm bảo những nhu cầu vật chất và tinh thần của họ được đáp ứng. Trong cuộc khảo sát với quy mô 19.500 người ở châu Á – Thái Bình Dương vào tháng 6-2023, PwC cho biết hơn một nửa người tham gia nghi ngờ về khả năng đơn vị công tác có thể tạo điều kiện để họ phát huy tối đa năng lực trong năm năm tiếp theo. Tại Việt Nam, con số này là 59%(2).

Trên LinkedIn, các chuyên gia cho rằng sự thay đổi công việc ở người lao động đang diễn ra thường xuyên hơn, như một cách để họ tìm kiếm mức thu nhập tốt hơn, tự tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp và tăng khả năng thích ứng với những xu hướng mới của nền kinh tế. Không chỉ với các doanh nghiệp, người lao động xem việc nâng cao kỹ năng đóng vai trò quan trọng trong thời điểm khoa học – công nghệ trở thành hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng. Bằng cách tiếp thu các kiến thức mới, họ muốn nâng cao mức độ linh hoạt để đảm bảo khả năng cạnh tranh của chính mình trong thị trường(3).

Tuy nhiên, số lượng công việc chuyên môn có thể trực tiếp giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường hiện còn ít ỏi, chưa thể đáp ứng nhu cầu của người lao động ở thời điểm này. Thực tế nói trên càng trở nên rõ ràng xét điều kiện hạn chế của các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, nơi nguồn lực xã hội cần được dành để ưu tiên cho hệ thống y tế, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao chất lượng nguồn nước và phát triển giáo dục.

Trong khi quá trình này cần nhiều thời gian, người lao động đang tự định nghĩa lại vai trò của mình trong nền kinh tế, và họ cũng đặt ra những kỳ vọng mới đối với người sử dụng lao động về giá trị của một công việc ý nghĩa. Do đó, các doanh nghiệp có thể xem xét thực hiện các chương trình nhằm nâng cao nhận thức nội bộ về sự đa dạng, yếu tố công bằng và khả năng hòa nhập (DEI) của con người trong văn hóa doanh nghiệp, như một cách để thu hút lao động lành nghề, nâng cao uy tín và đảm bảo sức cạnh tranh.

Nhìn chung, chiến lược DEI được kỳ vọng sẽ hạn chế khả năng những thành kiến xã hội trở thành rào cản trong nhận thức giữa những nhóm cá nhân khác nhau, tạo cơ hội để thắt chặt tình đồng nghiệp và cải thiện mối quan hệ giữa con người với con người dựa trên sự tôn trọng về phẩm giá. Bằng cách này, các công ty có thể tạo ra một môi trường làm việc cởi mở và gắn bó, khuyến khích người lao động cống hiến cả về năng lực tư duy và kinh nghiệm chuyên môn.

Các chuyên gia tại Michael Page tin rằng sự tham gia của nhân viên trong các hoạt động chung tại doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường mức độ gắn kết và khơi dậy động lực làm việc ở người lao động(4). Khi đó, đối thoại giữa nhóm quản lý cấp cao và người lao động phổ thông có thể là chìa khoá để nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau. Quan trọng hơn, các hoạt động này cần đi kèm lộ trình phát triển rõ ràng, bao gồm cơ hội học tập và khả năng thăng tiến cho người lao động, hướng họ đến những mục tiêu cụ thể trong chiến lược kinh doanh, gắn với cam kết và hành động về xã hội và môi trường.

Khi xu hướng của thị trường lao động thay đổi, người ta tin rằng các biện pháp nâng cao nhận thức về ý nghĩa công việc và thúc đẩy gắn kết nội bộ nên trở thành một phần cốt lõi trong hoạt động của các tổ chức từ những ngày đầu, được cụ thể hoá thành nhiều cách tiếp cận từ mọi cấp độ. Người lao động mong muốn tìm thấy giá trị trong những gì mình làm, còn doanh nghiệp trông đợi những thành quả đó đóng góp vào sự phát triển bền vững của công ty, góp phần bảo vệ môi trường và giải quyết các vấn đề xã hội cấp bách.

(1) https://hbr.org/2023/07/what-makes-work-meaningful

(2) https://www.pwc.com/vn/vn/publications/2023/230705-pwc-vietnam-publication-workforce-hopes-and-fears-vn.pdf

(3) https://www.linkedin.com/pulse/how-often-should-you-change-jobs-increase-pay-8ogzc

(4) https://www.michaelpage.com.vn/advice/management-advice/engagement-and-retention/how-prevent-employees-from-job-hopping

Dạ Lê

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối