Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Đi trong mây, sương mù Tây Bắc

Thực hiện một chuyến phượt trên cung đường Tây Bắc bằng xe máy trong tiết trời mùa xuân là một sự trải nghiệm thú vị.

Xe Cào Cào - loại phương tiện di chuyển phù hợp ở những vùng đèo, núi.

Với những người thích Tây Bắc thì từ tháng 10 đến tháng 12 là thời điểm lý tưởng để khám phá vẻ đẹp của các địa danh vùng núi phía Bắc. Vì đó là thời điểm của mùa lúa chín trên những cánh đồng bậc thang, mùa hoa tam giác mạch nở, mùa “săn” mây, tuyết, băng giá trên đỉnh Fansipan hay đơn giản là vì muốn được ngồi trong nhà một nhà sàn, bên bếp lửa hồng và thưởng thức ly rượu nóng trong cái lạnh 0 độ C.

Với những người không chịu được cái lạnh “đến run người” này nhưng vẫn muốn khám phá vẻ đẹp Tây Bắc trong tiết trời se lạnh thì mùa xuân (tháng Giêng và tháng Hai âm lịch) sẽ là thời điểm thích hợp. Thời tiết mùa này không quá lạnh (10-17 độ C), phù hợp cho những ai đi phượt lần đầu. Mùa này vẫn có sương mù và mây dày đặc ở những con đèo, núi cao nhưng hiếm có mưa và băng giá. Tuy mùa này không còn những cánh đồng lúa chín hay hoa tam giác mạch nhưng vẫn còn nhiều cảnh đẹp để ngắm, chụp hình cũng như tham gia một số lễ hội mùa xuân của các dân tộc.

Những thử thách thú vị

Chúng tôi hẹn gặp nhau tại sân bay Nội Bài, Hà Nội để cùng nhau du xuân vùng núi Tây Bắc bằng xe máy đã đặt thuê trước đó tại một địa điểm tại quận Long Biên. Sau khi thưởng thức tô phở Bắc gia truyền, chúng tôi đi trên quốc lộ 14, sau đó rẽ vào đại lộ Thăng Long (tên đường Láng-Hòa Lạc xưa) và là con đường song song với đường Cao tốc 08. Hết đường cao tốc, đoàn chúng tôi ghé vào một siêu thị mua bánh kẹo (tặng các em ở các bản làng khi cần chụp hình), thức uống và nghỉ ngơi trước khi tiếp tục hành trình trên Quốc lộ 21A và ĐT 446 để vào tỉnh Hòa Bình.

Vừa ra khỏi tỉnh Hòa Bình, đi trên Quốc lộ 6 để đến thị trấn Mộc Châu (tỉnh Sơn La), chúng tôi có cảm giác thoát khỏi phố thị và bắt đầu thưởng thức không khí Tây Bắc với những đường đèo quanh co và không khí cũng bắt đầu se lạnh hơn. Chúng tôi di chuyển khá chậm để bảo đảm sự an toàn và có thể ngắm những cánh đồng ruộng bao la dưới đồng bằng và những ngọn núi nối dài liên tiếp nhau. Chúng tôi đến thị trấn Mộc Châu lúc 5 giờ chiều sau khi trải qua đoạn đường gần 200 km. Mộc Châu có nhiều nhà nghỉ với giá thuê phòng dao động 250.000-300.000 đồng/đêm/phòng 2 giường. Chúng tôi thưởng thức lẩu gà và một ít rượu táo mèo (đặc sản của Mộc Châu và vùng Tây Bắc). Ngày thứ 2, chúng tôi dành hơn nửa ngày để khám phá một số điểm xung quanh Mộc Châu như thung lũng mận, thác Dải Yếm và đến cửa khẩu Lóng Sập, giáp với nước Lào.

Chiều ngày thứ 2, chúng tôi quyết định rời Mộc Châu đi đỉnh Tà Xùa (thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) để “săn” mây theo lời khuyên của các phượt thủ chuyên nghiệp. Từ chân núi lên đỉnh núi Tà Xùa dài gần 60 km với phân nửa đường đi khá xấu do tình trạng sạt lở là thử thách đầu tiên mà chúng tôi thực sự trải qua. Thử thách này càng đáng nhớ khi chúng tôi lên tới khu vực gần đỉnh Tà Xùa, nơi tập trung nhiều nhà nghỉ lúc 7 giờ 30 tối với sương mù bao phủ dày đặc cả thị trấn. Cuối cùng, đoàn chúng tôi cũng tìm thuê được phòng ở với giá 80.000 đồng/người/đêm/giường tầng hoặc nằm sàn.

Xương sống khủng long - Tà Xùa.

Mọi người trong khu nghỉ trọ, kể cả chúng tôi, đều thức dậy lúc 5 giờ sáng ngày thứ 3 để lên đỉnh Tà Xùa “săn” mây. Có hai điểm để mọi người tìm kiếm những tảng mây trôi dưới chân mình và lững lờ trôi dọc núi là Xím Vàng (cách thị trấn khoảng 5 km) và Xương sống khủng long (cách thị trấn 12 km). Đi trong mây trên đường đèo ở một đoạn đường dài là cảm giác không phải lúc nào cũng có được và với tôi đây thực sự là sự một sự trải nghiệm khá thú vị. Đặc biệt, tại khu vực Xương sống khủng long (tên gọi người dân đặc cho mỏm núi dài khoảng 3 km, nhô ra từ khu vực đèo, vào lúc sáng sớm như một bức tường trắng tạo thành bởi nhiều lớp mây dày đặc). Từ khoảng 9 giờ trở đi, mây bắt đầu tan ra, và khu vực Xương sống khủng long xuất hiện rõ nét hơn. Chúng tôi quyết định đi bộ ra khu vực này để ngắm nhìn thiên nhiên hùng vĩ xung quanh.

Tuy nhiên, theo ông chủ nhà trọ, cảnh “săn mây” không phải vậy. Cảnh này phải là: “Gió lớn thổi ở trên làm mây bay xuống thấp ngang tầm hoặc thấp hơn bàn chân, làm mình có cảm giác như đi trên mây chứ không phải trong mây. Tuy nhiên, cảnh này không phải lúc nào cũng có vì phải có duyên”. Vì vậy, chúng tôi quyết định ở lại Tà Xùa thêm 1 ngày để “săn mây” nhưng vẫn không được. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn có những cảm giác thích thú của riêng mình khi đi trong mây và nhìn thấy mây bay trên đỉnh núi khi mây bay lên cao.

Nghĩ chưa có duyên với mây, ngày thứ 4, chúng tôi rời Tà Xùa và điểm đến là Mù Cang Chải nổi tiếng. Tuy nhiên, trước khi đến được với những cánh đồng ruộng bậc thang, chúng tôi phải trải qua những đoạn đường đèo khúc khuỷu, khó khăn, có cả lội suối để đến tỉnh Yên Bái. Cảnh đẹp hùng vĩ của núi đồi và cảm giác se lạnh là động lực để chúng tôi vượt qua khó khăn. Chúng tôi dành khá nhiều thời gian để chụp hình nơi đây. Vì vậy, đoàn đã quyết định nghỉ đêm tại thị trấn Nghĩa Lộ để hôm sau đi Mù Cang Chải và tiến thẳng lên Sa Pa.

Ngày thứ 5 có lẽ là ngày tuyệt vời nhất trong hành trình khi cả đoàn được ngắm nhìn vẻ đẹp ngất ngây Mù Cang Chải từ trên cao, đèo Khau Phạ với cảnh núi non hùng vĩ và đặc biệt là hai đèo nổi tiếng nối tiếp nhau từ Lai Châu lên Lào Cai (đèo Hoàng Liên và đèo Ô Quý Hồ). Tuy đã qua mùa lúa chín, nhưng những ruộng bậc thang mùa này tại Mù Cang Chải có vẻ đẹp riêng của nó khi người dân đang cho nước vào những bậc thang để chuẩn bị xuống giống cho vụ mùa sau. Trong khi đó, trên đỉnh đèo Ô Quý Hồ là cảm giác như được vươn tới trời mây.

Đèo Ô Quý Hồ.

Chúng tôi đến Sa Pa vào chiều tối nên quyết định khám phá thị trấn này ngày hôm sau. Sa Pa bây giờ khá giống với Đà Lạt khi trở thành một thị tứ sầm uất với rất đông khách du lịch và cũng nhiều nhà nghỉ, khách sạn. Vì vậy, chúng tôi quyết định ra ngoại ô Sa Pa, đến với bản Sầu Chua (cách Sa Pa 10 km), nơi đa số người Mông và Thái sinh sống để tìm hiểu nhiều hơn về những nét văn hóa ở địa phương này.

Ngày thứ 7, chúng tôi quyết định đến Cửa khẩu của thành phố Lào Cai với huyện Hà Khẩu (Trung Quốc) trước khi về lại Hà Nội trên một cung đường khác qua Quốc lộ 70 đến thành phố Yên Bái và sau đó qua Quốc lộ 32 đến tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc để về lại Hà Nội. Đi trên con đường này, chúng tôi mới có dịp ghé thăm đền Hùng nổi tiếng tại Phú Thọ.

Duyên đến, duyên đi

Quay lại câu chuyện “săn” mây trên đỉnh Tà Xùa. Theo những người có kinh nghiệm thì chúng tôi chưa có duyên cho dù dành hai buổi sáng ở đây. Nhưng khi duyên này mất đi, duyên khác lại đến. Đó là chúng tôi có được duyên để có cảm giác như “ở trên mây” khi bắt gặp cảnh này trên một điểm dừng chân trên đèo Khau Phạ - một trong những cung đường đèo quanh co và dốc đứng, nằm trong một vùng cao nguyên được bao quanh bởi những dãy núi điệp trùng, từ đây có thể thấy những triền ruộng bậc thang của các dân tộc thiểu số. Nhiều người cho biết, chúng tôi có duyên với mây Khau Phạ hơn mây Tà Xùa. Và không có nhiều người săn được mây Khau Phạ.

Đèo Khau Phạ

Duyên thứ hai là duyên với biên giới khi chúng tôi đến với biên giới với hai nước (Lào và Trung Quốc) trên cùng một cung đường đi. Tại Mộc Châu, chúng tôi hơi thất vọng vì cảnh tại Thung lũng mận và Thác Dải Yếm không đẹp có lẽ vì đã qua mùa rực rỡ (mùa đông). Nhưng bù lại chúng tôi lại có cảm giác khá thú vị khi đến biên giới Mộc Châu, giáp với thị trấn Pahang, huyện Samtay của Lào. Với chi phí 20.000 đồng, chúng tôi được phép qua cửa khẩu, vào thị trấn Pahang, tham qua thị trấn vùng núi của nước Lào, tìm hiểu đời sống người dân tộc ở Lào và thưởng thức đặc sản Lào. Trong khi đó, thành phố Lào Cai và huyện Hà Khẩu (Trung Quốc) chỉ cách nhau một cái cầu, bắc ngang một con sông. Cuộc sống ở đây rất nhộn nhịp khi hàng hóa được chở liên tục qua cầu sang hai nước.

Cung đường Tây Bắc với những phượt thủ nghiệp dư như chúng tôi có thể không hấp dẫn bằng những phượt thủ chuyên nghiệp nhưng cũng là trải nghiệm để đời và có thêm kinh nghiệm cho những lần du lịch sau. Và một trong những trải nghiệm đáng nhớ là duyên gặp những cảnh đẹp.

Lộ trình khám phá Tây Bắc dành cho xe máy

  • Ngày 1: Hà Nội - Hòa Bình – thị trấn Mộc Châu (Sơn La): 195 km
  • Ngày 2: Mộc Châu - Cửa khẩu Lóng Sập (Giáp với Lào): 33 km và Mộc Châu - đỉnh núi Tà Xùa (Sơn La): 133 km
  • Ngày 3: Ở lại Tà Xùa
  • Ngày 4: Tà Xùa - Trạm Tấu – thị trấn Nghĩa Lộ (Yên Bái): 93 km
  • Ngày 5: Nghĩa Lộ - Mù Cang Chải (Yên Bái) – Đèo Ô Quý Hồ (Lai Châu) - Sa Pa: 232 km
  • Ngày 6: Ở lại Sa Pa
  • Ngày 7: Sa Pa – Cửa khẩu Lào Cai (giáp với Trung Quốc) - thành phố Yên Bái: 239 km
  • Ngày 8: Thành phố Yên Bái - Phú Thọ - Vĩnh Phúc - Hà Nội: 148 km
  • Ngày 9: Ở lại Hà Nội
  • (Lưu ý: Lịch trình có thể thay đổi tùy theo thời gian ở lại các điểm đến)

Một số lưu ý cho chuyến phượt Tây Bắc bằng xe máy

  • Chuẩn bị loại xe máy có động cơ đủ mạnh để đi đường xa, trèo đèo, vượt suối.
  • Bên cạnh trang phục và đồ dùng cá nhân, cần chuẩn bị găng tay, khăn bịt mặt, khăn quấn cổ, giày thể thao, áo quần đi mưa…
  • Luôn bật đèn khi đi qua những đoạn đèo cao, có nhiều sương mù và mây.
  • Thường xuyên bấm còi khi vào những khúc ngoặc, cua trên đèo.
  • Luôn dừng lại tại các điểm giao lộ để kiểm tra lại đường đi (có thể tham khảo Google Map hoặc hỏi người dân địa phương).
  • Hành lý sẽ được cột sau xe và mang theo suốt chuyến đi vì vậy hạn chế mang theo vật dụng, hành lý cồng kềnh.
  • Luôn đổ đầy bình xăng tại các thị trấn trong bất cứ trường hợp nào để an tâm đi những đoạn đường đèo dài.
  •  Tính toán thời gian hợp lý trước điểm đến tiếp theo để hạn chế đi vào ban đêm vì vùng đồi núi trời sẽ mau tối nhanh.

Cách thuê xe máy

  • Phương án tốt nhất là đi xe máy của chính mình để đảm bảo an toàn. Du khách ở miền Nam có thể gửi xe máy bằng đường tàu hỏa ra Hà Nội.
  • Thuê xe tại Hà Nội với giá thuê: 100.000-150.000 đồng/ngày cho xe máy thông thường và 300.000-400.000 đồng/ngày cho xe máy đi đèo (hay còn gọi là Cào cào). Khách thuê xe trả tiền cọc hoặc hết tiền và thế chấp giấy tờ của mình (thường là giấy tờ xe).

Một số trang thuê xe máy:

Nhân Tâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối