Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Địa phương có chất lượng không khí trong lành nhất thứ 3 Đông Nam Á hút hàng triệu du khách

(SGTT) -  Trong 6 tháng đầu năm 2024, Trà Vinh – địa phương xếp thứ 3 trong top 15 nơi có chất lượng không khí trong lành nhất tại Đông Nam Á, đón trên 1,5 triệu lượt khách du lịch, tổng doanh thu đạt trên 1.000 tỉ đồng.
Chùa Vàm Ray ở Trà Vinh được bao phủ bởi những tán cây xanh. Ảnh: Henry Dương

Theo công bố của cơ quan theo dõi chất lượng không khí toàn cầu IQAir tại Thụy Sỹ, thành phố Trà Vinh xếp thứ 3 trong top 15 thành phố có chất lượng không khí trong lành nhất tại Đông Nam Á. Đây là thông tin được ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh chia sẻ tại Hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Trà Vinh năm 2024 diễn ra ngày 18-8.

Cũng theo ông Sum, Trà Vinh có nhiều tiềm năng du lịch, trong đó du lịch văn hóa gắn với du lịch tâm linh là những sản phẩm khác biệt so với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Nơi đây cũng là điểm đến có nhiều cù lao, cồn nổi ven sông, ven biển với những vườn cây ăn trái chuyên canh đã tạo lợi thế để phát triển các loại hình du lịch biển, du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và du lịch nghỉ dưỡng. Ngoài ra, môi trường tự nhiên còn hoang sơ rất thích hợp cho khách du lịch quốc tế khám phá, trải nghiệm nét đặc trưng của vùng đất Tây Nam bộ.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, địa phương đón trên 1,5 triệu lượt khách du lịch, tăng 42,23% so với cùng kỳ, tổng doanh thu du lịch đạt trên 1.000 tỉ đồng.

Dù vậy, du lịch của tỉnh Trà Vinh vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lượng khách và doanh thu du lịch còn khiêm tốn. Do đó, Trà Vinh đang đẩy mạnh xây dựng và đưa vào khai thác các tuyến điểm du lịch được các doanh nghiệp lữ hành chọn là điểm đến khi đến với ĐBSCL như Cồn Chim, Cồn Hô, Cồn Ông…

Theo TS Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch, du lịch Trà Vinh rất nhiều tiềm năng để phát triển theo hướng du lịch thuận thiên, dựa vào thiên nhiên tạo ra những giá trị cho cộng đồng và giá trị bền vững, gắn mới môi trường tự nhiên. Địa phương có lợi thế để xây dựng những sản phẩm du lịch chủ lực riêng, đồng thời kết nối với các tỉnh, thành khác trong khu vực để xây dựng điểm đến ấn tượng và độc đáo. Khi có điểm đến sẽ kết nối thành tuyến, tạo sự bền vững, gia tăng giá trị cho địa phương, cộng đồng làm du lịch.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết tỉnh đã xây dựng và đưa vào khai thác các tuyến điểm du lịch được các doanh nghiệp lữ hành chọn là điểm đến khi đến với đồng bằng sông Cửu Long như tuyến du lịch văn hóa, cộng đồng “TP.Trà Vinh – Làng Văn hóa, Du lịch Khmer – Cồn Chim”; tuyến du lịch sinh thái “TP.Trà Vinh – Làng Văn hóa, Du lịch Khmer – Cồn Hô”; tuyến du lịch văn hóa – sinh thái “Tiểu Cần – Cầu Kè – Trà Cú”; tuyến du lịch “TP.Trà Vinh – Cầu Ngang – Cồn Ông – biển Ba Động”.

Dự kiến vào năm 2027, cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu, nối liền tỉnh Trà Vinh và tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau. Sau khi cầu hoàn thành sẽ rút ngắn được khoảng 80 km từ Cà Mau đi qua Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu đến TPHCM, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch Trà Vinh đột phá phát triển trong thời gian tới.

Minh Anh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối