Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Địa phương nào để vắc-xin hết hạn, Giám đốc Sở Y tế phải chịu trách nhiệm

(SGTT) -  Theo công văn mới nhất của Bộ Y tế, địa phương nào để vắc-xin hết hạn do không sử dụng, phải tiêu hủy thì Giám đốc Sở Y tế phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Theo báo Sức khỏe và Đời sống, ngày 20-12, Bộ Y tế cho biết đã gửi công văn về việc tăng hạn dùng của vắc-xin Comirnaty của Pfizer/BioNTech đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong đó, Bộ Y tế khẳng định, việc tăng hạn dùng đối với vắc-xin Comirnaty được áp dụng chung trên toàn cầu, không làm thay đổi chất lượng, an toàn, hiệu quả của vắc-xin, được sử dụng cho tất cả các đối tượng từ 12 tuổi trở lên.

Bộ đề nghị UBND các tỉnh/thành phố chỉ đạo các đơn vị khẩn trương triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 năm 2021-2022 theo đúng hướng dẫn của Bộ. Các lô vắc-xin Comirnaty của Pfizer/BioNTech tăng hạn được sử dụng cho tất cả các đối tượng từ 12 tuổi trở lên.

Các địa phương cần đẩy mạnh truyền thông, tư vấn cho các đối tượng tiêm chủng, cha mẹ trẻ những thông tin đầy đủ về hạn dùng của vắc-xin nêu trên. Địa phương nào để vắc-xin hết hạn do không sử dụng, phải tiêu hủy thì Giám đốc Sở Y tế phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Theo Bộ Y tế tại Việt Nam, việc tăng hạn dùng đối với vắc-xin phòng Covid-19 Pfizer không làm thay đổi chất lượng, an toàn, hiệu quả của vắc-xin. Ảnh: vnexpress.net
Ngày 20-12: Hà Nội tiếp tục có số mắc cao nhất cả nước với 1.612 ca

Theo bản tin dịch Covid-19, tính từ 16:00 ngày 19-12 đến 16:00 ngày 20-12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.977 ca nhiễm mới, trong đó 11 ca nhập cảnh và 14.966 ca ghi nhận trong nước tại 61 tỉnh, thành phố.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Bình Phước giảm 481 ca, Cà Mau giảm 378 ca và Huế giảm 342 ca.

Ngoài ra, những địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Hậu Giang tăng 339 ca, Hà Nội tăng 207 ca và Hưng Yên tăng 196 ca. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.450 ca/ngày. Hà Nội là địa phương có số ca mắc mới cao nhất cả nước với 1.612 ca.

Biểu đồ số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam tính đến tối ngày 20-12. Nguồn: Bộ Y tế
Vụ “thổi giá” kit test Covid-19: Bộ Khoa học và Công nghệ có sơ suất?

Theo VTC News, trên website của Bộ Khoa học và Công nghệ, thông tin công bố đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế Anh cấp chứng nhận đạt chuẩn châu Âu cho bộ kit test của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á đã bị gỡ bỏ.

Ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các khối ngành Kinh tế - Kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết "Bộ chưa xem xét kỹ lưỡng thông tin phản hồi của WHO về bộ kit test của Công ty Việt Á. Thực chất WHO mới chỉ 'chấp thuận đưa kit test này vào quy trình đánh giá xem xét sử dụng' không phải 'chấp thuận sử dụng'".

"Đây là sơ suất của Bộ Khoa học và Công nghệ", ông Hùng nói.

Song theo ông Hùng, việc WHO chấp nhận hay không chấp nhận độc lập với quyết định cấp phép sử dụng của Bộ Y tế.

CDC Quảng Ngãi lên tiếng việc mua kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Á

Theo báo Dân trí, ngày 20-12, ông Hồ Minh Nên, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ngãi, xác nhận đơn vị đã ký hợp đồng mua 3 lô kit xét nghiệm Covid-19 của công ty Việt Á. Tổng giá trị mua hơn 5,1 tỉ đồng.

Về mức giá, ông Nên thông tin, mỗi đợt mua có mức giá khác nhau. Mức giá cao nhất là 509.000 đồng/bộ, tiếp đó là 470.000 đồng/bộ và giá thấp nhất là 367.000 đồng.

Nói về mức giá này, ông Nên cho biết, tại từng thời điểm mua hàng của Việt Á, CDC Quảng Ngãi đã tham khảo, đối chiếu giá từ nhiều nguồn.

"Chúng tôi đối chiếu, đảm bảo không vượt giá trần của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, đơn vị còn tham khảo giá trúng thầu của nhiều tỉnh, thành trước khi đưa ra quyết định", ông Nên nói.

Minh Thảo tổng hợp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối