Dịch sốt xuất huyết đang vào giai đoạn cao điểm khi số ca mắc, số ca diễn biến nặng đều tăng. Theo đại diện Bộ Y tế, từ ngày 6-8 đến 13-8, cả nước đã ghi nhận 3.095 ca mắc sốt xuất huyết, tăng nhẹ so với tuần trước đó. Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 52.957 trường hợp mắc sốt xuất huyết, có 6 ca tử vong.
- Bạch hầu, sốt xuất huyết xuất hiện tại nhiều địa phương
- Chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết khi mùa mưa đến
Theo Sở Y tế Hải Phòng, tính từ đầu năm đến ngày 14-8, trên địa bàn toàn thành phố ghi nhận 9.799 ca mắc sốt xuất huyết. Một số quận nội thành như: Lê Chân, Hải An, Ngô Quyền, Hồng Bàng, Kiến An tiếp tục ghi nhận số ca mắc cao.
Tại Hà Nội, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết vẫn đang tăng theo tuần, đơn cử như trong tuần từ ngày 2-8 đến 9-8, toàn thành phố ghi nhận 188 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 17 ca so với tuần trước đó.
Nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội cũng xuất hiện các ca sốt xuất huyết sớm và nặng hơn mọi năm. Nhiều bệnh nhân còn trẻ nhưng có tình trạng suy gan nặng, tiểu cầu tụt nhanh, máu cô đặc, có trường hợp phải đặt ống nội khí quản, thở máy, lọc máu liên tục, suy đa tạng…
Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1.759 trường hợp mắc sốt xuất huyết. CDC Hà Nội nhận định, số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng tăng, một số ổ dịch kéo dài. Đáng lo ngại, cùng với số ca mắc tăng cao, số ca sốt xuất huyết diễn biến nặng cũng tăng lên.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, tính từ ngày 5-8 đến ngày 11-8, tại TPHCM ghi nhận 272 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 18,8% so với trung bình 4 tuần trước. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận 1, TP Thủ Đức và quận 7.
Đắk Lắk đã ghi nhận trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết, xuất hiện nhiều điểm nóng, ổ dịch sốt xuất huyết. Tại Hà Tĩnh, Thừa Thiên- Huế dịch cũng đang diễn biến phức tạp.
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên qua đường muỗi truyền. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn, xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa.
Sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Người bệnh có thể uống thuốc Paracetamol để hạ sốt và làm dịu cơn đau, tuyệt đối không uống Aspirin hoặc Ibuprofen vì hai thuốc này có thể tăng nguy cơ xuất huyết. Hiện Việt Nam chưa có vaccine và thuốc đặc trị cho sốt xuất huyết Dengue. Do đó, khi nghi ngờ hoặc bị sốt xuất huyết, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khoẻ, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi sinh hoạt, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè.
Bên cạnh đó, tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước với thông điệp "mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng/ bọ gậy" tại hộ gia đình, thực hiện thông thoáng nơi ở, nơi làm việc...
Theo Sức khoẻ và Đời sống, TTXVN