Minh An-
Nếu như cách đây 10 năm, các phòng khám và bệnh viện tư ăn nên làm ra khi tham gia thị trường khám sức khỏe cho doanh nghiệp, thì nay thị trường này ngày càng bị chia nhỏ.
Cách đây khoảng 10 năm, nhiều bệnh viện tư ra đời nhưng khó tồn tại, một số đã phá sản. Lãnh đạo một bệnh viện tư nhân tại quận Bình Tân, TPHCM cho biết khi bệnh viện của ông đi vào hoạt động, rất ít người bệnh tìm đến. Bệnh viện phải nhắm đến mảng khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên doanh nghiệp. Ban giám đốc phải gõ cửa từng doanh nghiệp trên địa bàn, và để có hợp đồng, bệnh viện phải kết hợp các chế độ chiết khấu, giảm giá. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở một số bệnh viện và phòng khám tư nhân khác.
Từ năm 2007, các cơ sở y tế tư nhân chính thức tham gia thị trường khám sức khỏe định kỳ, sau khi Bộ Y tế ban hành Thông tư 13 cho phép điều này. Nhiều bệnh viện và phòng khám tư bắt đầu phát triển nhờ thị trường này. Chỉ tính riêng khu vực quận Bình Tân, có nhiều doanh nghiệp sản xuất lớn, nếu mỗi tháng khám sức khỏe định kỳ và bệnh nghề nghiệp cho công nhân ba doanh nghiệp, sẽ đảm bảo sự tồn tại của bệnh viện.
Ông Đinh Chế Linh, Giám đốc Công ty TNHH Sức khỏe Việt Nam, cho rằng doanh thu từ khám sức khỏe định kỳ chiếm thị phần lớn trong doanh thu của các đơn vị y tế tư nhân. Riêng công ty ông, nhiều doanh nghiệp và các đơn vị sự nghiệp nhà nước đã tìm đến để khám sức khỏe cho nhân viên. Chỉ cần phòng khám đầy đủ máy móc, dịch vụ nhanh và bác sĩ chuyên nghiệp, thì các doanh nghiệp sẵn sàng ký hợp đồng khám sức khỏe cho nhân viên trong 3-4 năm liền. Thị trường thời điểm này theo ông cũng không nhiều đối thủ cạnh tranh.
Hiện nay, các đơn vị y tế tư nhân ra đời ngày càng nhiều và tình trạng cạnh tranh gay gắt hơn, trong khi nhu cầu doanh nghiệp là có hạn. Vì vậy, “miếng bánh” khám sức khỏe định kỳ dần nhỏ lại
Nhân viên của một công ty đang chờ khám sức khỏe. Ảnh: Minh An
Cách đây 10 năm, các cơ sở y tế tư nhân có thể dễ dàng kể tên các đối thủ cạnh tranh. Thế nhưng hiện nay, theo một số nhà quản lý y tế, khó có thể kể hết tên đơn vị y tế tư nhân được cấp phép. Điều này dẫn đến hàng chục nhà cung cấp tiếp thị dịch vụ khám sức khỏe cho một đơn vị, thay vì đơn vị tự tìm đến họ. Ông Linh cho biết, sự cạnh tranh này giúp khách hàng chọn được dịch vụ với giá cả phù hợp hơn, nhưng nguồn cung thì vất vả hơn.
Để tồn tại trong thị trường khám sức khỏe doanh nghiệp, các đơn vị cung cấp dịch vụ này phải tìm nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, các đơn vị sẽ kết hợp với các công ty cung cấp phần mềm khám sức khỏe để nhận đặt hàng hoặc tư vấn sức khỏe trực tuyến. Khách hàng nhờ vậy sẽ thuận tiện hơn trong quy trình khám, được lấy mẫu xét nghiệm miễn phí ngay tại cơ quan, xét nghiệm máu và nước tiểu tại trung tâm y khoa uy tín. Sau đó, khách hàng sẽ khám tại phòng khám đa khoa gần nơi làm việc. Một số hình thức hậu mãi như tư vấn chăm sóc sức khỏe sau khi khám cũng được các đơn vị này chú trọng.
Bên cạnh áp dụng công nghệ và tăng sự thuận tiện cho khách hàng, các đơn vị y tế cũng cần tạo lợi thế cạnh tranh từ việc thay đổi cách tiếp cận thị trường. Nếu chỉ thuyết phục khách hàng bằng những điểm nổi bật mà hầu như đơn vị y tế nào cũng có, hoặc đưa ra mức giá thấp, thì lợi thế cạnh tranh sẽ không rõ rệt. Các đơn vị này cần tạo giá trị cộng thêm, đem lại cho khách hàng sự hài lòng và gắn bó lâu dài.