(SGTT) – Với sự “bắt tay” giữa nghề làm muối truyền thống và phát triển du lịch cộng đồng, năm 2023, ấp đảo Thiềng Liềng (huyện Cần Giờ, TPHCM) đã đón hàng ngàn lượt khách du lịch, góp phần cải thiện thu nhập cho bà con nơi đây. Tuy nhiên, việc tổ chức du lịch một cách bài bản tại đây vẫn còn một chặng đường dài phải đi.
- Về Cần Giờ xem người dân làm ‘khô một nắng’
- Về ấp Thiềng Liềng, săn ảnh đồng muối và trải nghiệm du lịch cộng đồng
Ấp đảo Thiềng Liềng cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 70km về hướng Đông Nam. Hiện nay, ấp có khoảng 211 hộ dân, sinh sống chủ yếu bằng nghề làm muối và đánh bắt thủy hải sản, nuôi hàu ở cửa sông.
Nghề làm muối đã xuất hiện từ rất lâu tại ấp đảo Thiềng Liềng. Từ bao đời nay, những cánh đồng muối đã là nguồn sinh kế nuôi sống các thế hệ gia đình nơi ấp đảo xa xôi.
Mỗi vụ muối kéo dài trong 6 tháng, thường bắt đầu vào tháng 10 Âm lịch. Theo ông Trương Văn Cưng, diêm dân làm muối, những năm gần đây, giá muối giảm sâu, khoảng 1000 đồng/kg. Ba tháng đầu vụ hầu như diêm dân không có lãi. Những năm mưa lớn hoặc các trận bão dày đặc, cánh đồng muối gần như ngập trong biển nước, khiến diêm dân mất trắng trước khi thu hoạch.
Điệp khúc được mùa - mất giá cộng với thời tiết bất thường do biến đổi khí hậu khiến cuộc sống của diêm dân nơi ấp đảo còn nhiều khó khăn. “Vào mùa mưa, một số diêm dân lại rời đảo đến các khu công nghiệp trong thành phố để làm việc, chăm lo gia đình. Đến mùa làm muối, có người trở về và có người chọn ở lại thành phố. Cứ thế mỗi mùa trôi qua, số lượng diêm dân tại đảo cũng vơi dần đi”, ông Cưng tâm sự.
Ông Cưng nhiều lần chia sẻ mong muốn nghề làm muối có thể giúp người dân Thiềng Liềng ổn định thu nhập. Hiện, người dân còn bám ruộng đa phần là người lớn tuổi và điển hình là ông Cưng - người diêm dân đã ngoài 70.
Diêm dân “bắt tay” làm du lịch
Tháng 12-2022, Sở Du lịch TPHCM công bố ấp Thiềng Liềng là điểm đến Du lịch cộng đồng điển hình đầu tiên của TPHCM. Chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp thương mại dịch vụ du lịch cộng đồng Thiềng Liềng, cho biết từ khi có các đoàn du khách về Thiềng Liềng tham quan, không khí ở ấp đảo trở nên nhộn nhịp và vui tươi hơn rất nhiều. Các hộ gia đình tại đảo cũng đã tận dụng không gian vốn có để mở cơ sở lưu trú tại nhà, quán ăn, nơi dừng chân nghỉ dưỡng cho du khách.
“Từ công việc hướng dẫn du khách cào muối, diêm dân cũng có thêm thù lao để trang trải cuộc sống. Không chỉ vậy, việc bán các sản phẩm lưu niệm cũng giúp cải thiện thu nhập, giá muối bán ra cao hơn so với bán cho thương lái như trước kia. Đời sống của diêm dân được cải thiện đôi chút, giúp họ có thêm niềm tin tiếp tục giữ nghề và phát triển làng nghề truyền thống”, bà Tuyết nói.
Chị Ngọc Sương, một diêm dân làm du lịch, chia sẻ để thu hút du khách, gia đình chị không chỉ tiếp tục làm nghề muối mà còn phải nghĩ ra nhiều hoạt động hơn, như cho khách trải nghiệm một ngày là diêm dân, một ngày thu hoạch muối thay vì chỉ là trải nghiệm cào muối tại ruộng.
“Từ một diêm dân, giờ đây, chúng tôi đã có thêm nghề là hướng dẫn viên du lịch tại chỗ. Công việc này phần nào đó giúp chúng tôi tăng thêm thu nhập mà cuộc sống cũng trở nên vui tươi, nhộn nhịp hơn”, chị Sương nói.
Trên đảo Thiềng Liềng, tất cả ẩm thực, thức uống phục vụ du khách đều do chính người dân địa phương tự tay làm, nấu, chế biến với cách làm thủ công, nguyên liệu có sẵn trong vườn. Trong đó có các món như sâm sâm, bánh lọt, nước nha đam, hay các ẩm thực vùng biển như cá kèo bông đỏ, hàu...
Anh Lê Quang Huy, du khách đến từ Bình Dương, chia sẻ phải tận mắt chứng kiến và trải nghiệm một ngày làm diêm dân cào muối, gánh muối giữa trưa mới thấu được nỗi vất vả của người dân làm muối nơi ấp đảo. Bên cạnh đó, khi đến Thiềng Liềng, anh Huy cũng có dịp đạp xe khám phá ấp đảo, check-in núi Giồng Chùa - ngọn núi duy nhất ở TPHCM.
“Đã có một thời, những người trẻ ở đây rời bỏ ấp đảo, ruộng muối để tìm kiếm những công việc tốt hơn. Bởi lẽ, nghề làm muối truyền thống này thu nhập bấp bênh lại cực khổ muôn phần, khó giữ chân những lao động trẻ. Thế nhưng, từ khi kết hợp nghề làm muối với làm du lịch cộng đồng, cuộc sống của diêm dân nơi đây đã bắt đầu khởi sắc hơn”, bà Tuyết nói.
Còn đó những khó khăn…
Mặc dù có những khởi sắc về du lịch, nhưng việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại đảo vẫn gặp không ít khó khăn. Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp thương mại dịch vụ du lịch cộng đồng Thiềng Liềng, chia sẻ ấp đảo nằm cách biệt thành phố, du khách khi đến Thiềng Liềng phải mất nhiều thời gian để đi đò hoặc xuồng máy sang đảo.
Thời gian di chuyển gần 60 phút, mỗi lần di chuyển lại hạn chế số người (dưới 10 người) nên rất nhiều du khách đắn đo khi lựa chọn tham quan Thiềng Liềng. Trong khi đó, tính tất cả các sơ sở lưu trú do hộ dân tận dụng không gian nhà mình mở ra chỉ đáp ứng được tối đa 70 người.
Theo chia sẻ của một diêm dân tại Thiềng Liềng, lượng muối dùng làm quà lưu niệm được du khách mua với giá tốt hơn, nhưng số lượng rất ít, không đáng kể so với lượng muối bán cho thương lái. Ngoài ra, vì đây là nghề đặc thù phụ thuộc vào thời tiết nên những tháng mưa bão cũng rất khó để tổ chức cho du khách trải nghiệm, tham quan…
Theo Cổng Thông tin Điện tử huyện Cần Giờ, qua hơn 1 năm đi vào hoạt động, điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng đã đón trên 3.000 lượt khách đến tham quan, du lịch; doanh thu đạt trên 600 triệu đồng. Điểm du lịch cộng đồng Thiềng Liềng cũng được bình chọn là 1 trong 100 điều thú vị của TPHCM tại hạng mục điểm đến thú vị.