Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

“Điểm mù” dự báo thị trường

Minh Duy - 

Trong lĩnh vực du lịch-khách sạn, nhiều ý kiến nhận xét rằng, nếu như doanh nghiệp nước ngoài có đủ số liệu, báo cáo để đánh giá thị trường nhằm đưa ra những biện pháp quảng bá và chính sách giá hợp lý trong từng giai đoạn thì doanh nghiệp trong nước còn rất yếu trong khâu dự báo, dẫn đến bị động khi xử lý tình huống và gặp khó trong kinh doanh.

Câu chuyện giá sàn ở Nha Trang

dsc08057 Khách du lịch Trung Quốc tại một khách sạn 5 sao ở Nha Trang.

Mới đây, nhiều thành viên là chủ khách sạn thuộc Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa đã thỏa thuận áp dụng giá sàn cho phòng khách sạn 4 sao là 1 triệu đồng/ngày đêm/phòng, với biên độ 10-15%. Biện pháp này được cho là giải pháp tình thế nhằm chống phá giá, ngăn chặn kiểu giảm giá kéo theo giảm chất lượng dịch vụ làm xấu hình ảnh điểm đến.

Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng biện pháp này chưa hẳn là hay, nên để cho mỗi doanh nghiệp tự định giá bán còn quyền mua hay không là tùy thuộc vào khách hàng. Chuyện áp giá sàn là chuyện chẳng đặng đừng, và chỉ áp dụng để giải quyết tình thế, nhưng qua đó có thể thấy một số doanh nghiệp còn yếu kém trong việc đánh giá, dự báo thị trường dẫn đến tình trạng thừa phòng, thiếu khách.

Từ giữa năm 2014, khi căng thẳng trên biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc nổ ra, du khách từ Trung Quốc đến Khánh Hòa đã sụt giảm trầm trọng. Đến cuối năm 2014, thị trường Nga cũng bắt đầu khó khăn và lượng khách bắt đầu giảm từ đầu năm 2015.

Lúc đó, các chủ khách sạn từ chỗ đang ăn nên làm ra, phòng ốc lúc nào cũng chật khách bỗng rơi vào thế khó khăn. Doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt là doanh nghiệp Trung Quốc, vốn nắm gần hết các đầu mối đưa khách du lịch từ nước này sang Nha Trang bắt đầu ép giá, buộc khách sạn phải bán phòng thấp hơn vài chục phần trăm so với trước. Giá phòng tiêu chuẩn 5 sao chỉ trên 1 triệu đồng thậm chí có khách sạn 5 sao do doanh nghiệp trong nước quản lý chấp nhận bán dưới giá 1 triệu đồng.

“Giá quá thấp khiến nhiều nơi lỗ, không đủ tiền để trả lương cho nhân viên, trả tiền bảo dưỡng cơ sở vật chất. Hiện nay, dù lượng khách đã tăng trở lại, thậm chí thị trường Trung Quốc tăng gần ba lần so với trước nhưng tại nhiều khách sạn, khó khăn này mới chỉ hết trong khoảng 3-4 tháng nay do hợp đồng thường phải ký theo năm”, ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa nói.

Tại sao doanh nghiệp phải bán phòng với mức giá quá thấp trong thời gian dài như thế? Theo ông Thành, đó là do không lường trước được khủng hoảng này sẽ kéo dài trong bao lâu, thị trường sắp tới sẽ như thế nào, xu hướng của thị trường Trung Quốc, một thị trường du lịch lớn hàng đầu của thế giới đang như thế nào để đàm phán giá bán.

“Vì thế, đến khi thị trường phục hồi thì nhiều doanh nghiệp vẫn ngậm ngùi bán giá rẻ, không lời, nên hiệp hội phải vào cuộc để hạn chế việc ép giá”, ông nói và cũng cho rằng do thiếu hiểu biết về thị trường, công tác dự báo biến động của thị trường yếu cũng như việc chủ động để kéo khách đến còn kém nên khi đối tác không đưa khách sang là doanh nghiệp trong nước khó khăn.

Thông tin thị trường đến từ đâu?

Theo một số doanh nghiệp, từ trước đến nay việc dự báo thị trường của doanh nghiệp trong nước thường yếu do thiếu thông tin. Vì thế, có rất nhiều nơi chỉ dựa vào sự tăng trưởng hay sụt giảm của năm trước đó mà cộng vào hay bớt đi một ít là có kế hoạch kinh doanh cho năm sau. Điều này đã làm cho doanh nghiệp bị động trước sự thay đổi của thị trường, không kịp điều chỉnh chính sách giá hay tìm những thị trường, sản phẩm thay thế phù hợp với từng giai đoạn. Thiếu thông tin là do cơ quan quản lý chưa thực hiện đủ vai trò là nơi tham vấn, tư vấn cho doanh nghiệp nhưng cũng do sự thiếu chủ động của nhiều công ty.

Ở nhiều nước, những số liệu về thị trường mà doanh nghiệp tự tìm hiểu có phần quan trọng đến từ cơ quan quản lý.

Ông Nhan Phương, đại diện Tổng cục Du lịch Nhật Bản (JNTO) tại Việt Nam, cho biết cơ quan quản lý du lịch nước này làm rất tốt công tác tham vấn, tư vấn cho doanh nghiệp hoạch định chiến lược làm ăn. Thường đến ngày 25 mỗi tháng là đại diện của JNTO ở khắp nơi phải gửi số liệu báo cáo thị trường để cơ quan này tổng hợp, đánh giá, thông tin cho doanh nghiệp biết về số lượng khách, xu hướng xu lịch, chi tiêu, ăn ở, những tác động có thể có… theo định kỳ hàng tháng, ba tháng, nửa năm và một năm.

“Doanh nghiệp có thể dựa vào đó để có những chương trình hành động kịp thời trong ngắn hạn cũng như kế hoạch dài hạn cho việc kinh doanh”, ông nói.

Tại Việt Nam, cơ quan quản lý du lịch mới chỉ làm được công đoạn ban đầu là đưa thông tin thô, chưa có sự phân tích, tổng hợp về thị trường. Vào mỗi cuối tháng, Tổng cục Du lịch thường dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết về số lượng khách quốc tế đến, tăng giảm ra sao, đến bằng đường nào và số lượng khách của một số thị trường. Vì thế, doanh nghiệp không đủ dữ liệu để dự đoán thị trường, trừ một số doanh nghiệp lớn có bộ phận nghiên cứu thị trường bài bản cũng như có những mối quan hệ lớn, quốc tế để lấy thông tin.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng còn thụ động trong việc tự tìm kiếm thông tin và ngại khi chia sẻ thông tin với đơn vị khác để có dữ liệu về thị trường. Tại TPHCM, từ nhiều năm qua, cứ mỗi ngày các tổng giám đốc của một số khách sạn quốc tế tiêu chuẩn 4-5 sao lại chia sẻ thông tin về giá phòng, công suất… để người điều hành biết thị trường đang như thế nào. Trong khi đó, việc này lại rất khó với những khách sạn trong nước, thậm chí ngay cả các khách sạn trong cùng một hệ thống cũng khó tập hợp thông tin bán hàng của mỗi ngày.

Một doanh nhân, hiện đang làm công việc tư vấn cho một tập đoàn khách sạn, căn hộ tại TPHCM cho rằng, giấu thông tin hoặc lười tổng hợp, báo cáo việc bán hàng cũng là một điểm yếu khiến nhiều doanh nghiệp trong nước yếu thế, vì khó đánh giá khâu nào đang yếu, thị trường đang ra sao để nhanh chóng chỉnh đốn những điểm yếu kém.

Ông Thành, Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa, cho biết sau đợt khủng hoảng lớn vừa qua, nhiều doanh nghiệp bắt đầu thay đổi. Doanh nghiệp đã tự ra ngoài tìm hiểu thị trường, đối tác mới để không phải quá lệ thuộc vào một số nguồn. “Chẳng hạn, với thị trường Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp đã sang thị trường lớn này để tìm khách tại nguồn và hiểu rõ nhu cầu của khách hàng. Nếu không chủ động thì chúng ta sẽ rất thiệt thòi vì không dự báo được thị trường và phải lệ thuộc vào đối tác”, ông nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối