Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, du khách đến thủ đô Hà Nội có thể tham gia lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, lễ hội Gióng đền Sóc hay lễ hội đền Hai Bà Trưng.
- Hà Nội: 2.024 drone trình diễn, bắn pháo hoa tại 32 điểm trong đêm giao thừa
- Về thăm Khu Di tích Phủ Chủ tịch tại Hà Nội
- Rộn ràng không khí Tết cổ truyền trên phố Hàng Lược
Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa
Năm nay, lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm nay sẽ diễn ra từ ngày 14 đến 16-2 (mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng).
Các nghi lễ như lễ rước kiệu, nghi thức tế lễ của các đoàn tế lễ địa phương đảm bảo tính truyền thống; phần hội diễn ra với các hoạt động văn nghệ của các đoàn nghệ thuật, cờ tướng, cờ người, các trò chơi dân gian. Đến nay, công tác chuẩn bị cho các hoạt động lễ hội, công tác chỉnh trang đô thị đã hoàn thiện.
Sau phần nghi lễ trang nghiêm vào ngày mùng 5, phần hội sẽ diễn ra hai ngày, trong đó thành phố sẽ tổ chức thêm một đêm nghệ thuật của Nhà hát Cải lương Hà Nội.
Lễ hội đền Hai Bà Trưng
Lễ kỷ niệm 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40-43 sau Công nguyên) và khai hội đền Hai Bà Trưng Xuân Giáp Thìn 2024 sẽ diễn ra vào ngày 15-2-2024 (mùng 6 tháng Giêng) tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội.
Ngoài các hoạt động rước kiệu, tế lễ theo nghi thức truyền thống địa phương, huyện Mê Linh tổ chức lễ kỷ niệm và khai hội vào tối mùng 6 tháng Giêng thay vì ban ngày như mọi năm.
Đặc biệt, buổi lễ năm nay sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật trình diễn âm thanh, ánh sáng đặc sắc theo công nghệ hiện đại “Âm vang Mê Linh.”
Đây là chương trình nghệ thuật bán thực cảnh, kết hợp công nghệ 3D mapping hiện đại, kể lại câu chuyện lịch sử theo một cách thức hiện đại, mới mẻ, với các chương hồi, cảnh diễn nối tiếp, được biến chuyển tinh tế bằng kỹ xảo ánh sáng, âm nhạc hấp dẫn và đa dạng hình thức thể hiện như ca hát, xiếc, múa, đồng diễn trống…
Lễ hội Gióng đền Sóc, huyện Sóc Sơn
Lễ hội Gióng đền Sóc, huyện Sóc Sơn sẽ diễn ra từ mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng. Năm nay, lễ hội sẽ dành phần nhiều cho sự tham gia của người dân và du khách.
Do đó, công tác chuẩn bị về mặt bằng đã được lên kế hoạch, toàn bộ khu vực 2 của đền Gióng sẽ trở thành nơi tổ chức các hoạt động của lễ hội, nơi diễn ra các trò chơi dân gian và trải nghiệm văn hóa, hoạt động văn nghệ hát dân ca với sự tham gia của người dân các thôn làng, các xã. Dự kiến, lễ hội năm nay có 9 đoàn rước với sự tham gia của khoảng 1.000 người.
Hội vật cầu làng Thúy Lĩnh
Mỗi dịp Tết đến, dân làng Thúy Lĩnh, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai và du khách thập phương lại có dịp hòa mình với hội vật cầu làng Thúy Lĩnh, một phong tục đẹp góp phần làm nên bức tranh văn hóa truyền thống của vùng đất Thăng Long văn hiến.
Hội vật cầu Thúy Lĩnh được tổ chức vào các ngày mùng 4, 5 và 6 tháng Giêng, theo nghi thức cổ truyền, tại sân đình làng Thúy Lĩnh. Trong Lễ hội có các nghi thức tế lễ, tưởng nhớ tới bậc tiền nhân đậm sắc màu văn hóa cổ truyền.
Theo các nhà nghiên cứu, hội vật cầu làng Thúy Lĩnh có từ thời vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072), gắn với huyền tích về thái tử Linh Lang, con trai thứ tư của vua Lý Thánh Tông. Tương truyền, ông thường tổ chức hội vật cầu để quân sĩ vui chơi dịp Tết đến xuân về và rèn luyện sức khỏe.
Để tưởng nhớ tới công lao của Linh Lang Đại vương và thể hiện truyền thống thượng võ, hằng năm nhân dân địa phương lại tổ chức hội vật cầu tại sân đình làng Thúy Lĩnh.
Đăng Huy tổng hợp
Theo TTXVN, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam