Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Điểm tham quan xanh sẽ quyết định độ hấp dẫn của điểm đến xanh

(SGTTO) -  Tiêu chí du lịch bền vững áp dụng cho các điểm tham quan vừa và nhỏ để khuyến khích những nơi này bảo vệ môi trường thông qua việc quản lý chất thải, nước thải, tiếng ồn và ô nhiễm không khí tại điểm tham quan, cũng như bộ quy tắc ứng xử cho khách du lịch.

Quảng Nam có nhiều điểm tham quan đa dạng, từ văn hóa tại phổ cố Hội An...

Du lịch bao gồm 4 yếu tố chính là giao thông (lữ hành), cơ sở lưu trú, điểm tham quan và tiện ích. Do vậy, các điểm tham quan là một phần thiết yếu của điểm đến du lịch. Hiểu theo nghĩa rộng, một điểm đến du lịch thường có những điểm tham quan tự nhiên và nhân tạo, thuộc nhiều loại hình khác nhau, như các khu rừng tự nhiên, công viên quốc gia, các tòa nhà lịch sử và di tích; khu nghỉ dưỡng ở biển và vùng núi, cũng như trung tâm mua sắm hoặc các sự kiện như lễ hội tôn giáo, hội chợ thương mại, triển lãm và các loại hình thể thao. Các điểm tham quan có thể thuộc về nhà nước hoặc sở hữu tư nhân.

Điểm tham quan: vai trò và thách thức

Việt Nam có nhiều điểm tham quan thu hút hàng triệu du khách mỗi năm, như đền thờ Vua Hùng, thành nội Huế, Ngũ Hành Sơn hay phố cổ Hội An và rất nhiều các lễ hội địa phương, các phiên chợ của người dân tộc thiểu số…

Các điểm tham quan trở thành điều kiện tiên quyết để phát triển du lịch, có thể hấp dẫn khách nội địa tham quan trong ngày và giữ chân khách quốc tế lưu trú qua đêm. Các điểm tham quan đem đến niềm vui, thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm và cả những sự kiện vô giá như một phần của trải nghiệm du lịch và sự thỏa mãn các nhu cầu tổng thể.

Đối với nhiều khách du lịch, các điểm tham quan độc đáo là lý do chính để đến thăm một quốc gia hoặc khu vực. Điểm tham quan tạo ra việc làm và cơ hội có thu nhập bổ sung cho người dân địa phương. Bên cạnh đó là quảng bá di sản văn hóa và tự nhiên của một quốc gia hoặc điểm đến du lịch, góp phần khôi phục phát triển các giá trị văn hóa, thủ công truyền thống và có thể góp phần bảo tồn tự nhiên.

Tuy nhiên, công viên quốc gia, di sản thế giới, lễ hội, làng thủ công và trung tâm mua sắm thu hút hàng triệu khách du lịch, từ đó đem đến những tác động tiêu cực đến môi trường nguyên sơ và cộng đồng bản địa.

Hiện tượng quá tải trong mùa cao điểm hoặc ngày cao điểm, đặc biệt là tại các địa điểm tôn giáo, sự quản lý yếu kém các điểm tham quan du lịch, các vấn đề quản lý chất thải tại nhiều điểm tham quan, đặc biệt là các điểm nóng du lịch như Sa Pa, vịnh Hạ Long, Cù Lao Chàm, Hội An, sự thương mại hóa quá mức các lễ hội và quá nhiều lễ hội địa phương được lên kế hoạch không đồng đều trong suốt năm là những thách thức đối với các điểm tham quan trện đường phát triển bền vững.

Điểm tham quan cũng cần xanh

Vì vậy, thực hành du lịch có trách nhiệm mang lại nhiều lợi ích cho các điểm tham quan, như giảm chi phí, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với du lịch xanh. Qua đó xây dựng uy tín và thương hiệu du lịch bền vững cho doanh nghiệp, khuyến khích khách tham quan quay trở lại, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của các điểm tham quan.

Các điểm tham quan có thể giảm chi phí bằng cách sử dụng điện, nước hiệu quả hơn và tiết kiệm đáng kể chi phí bằng cách quản lý hợp lý chất thải. Ngoài ra, các điểm tham quan cũng thu được nhiều lợi ích từ nguồn nhân lực có trách nhiệm và hiệu quả, đặc biệt là bằng cách sử dụng lao động địa phương phù hợp với luật Lao động và đưa ra các điều kiện lao động hấp dẫn.

Hơn nữa, các điểm tham quan có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với dịch vụ và trải nghiệm xanh của khách du lịch bằng cách sử dụng các sản phẩm địa phương, các thương hiệu thân thiện với môi trường, hoạt động giải trí địa phương. Đồng thời du khách sẽ đánh giá cao khi thấy điểm tham quan áp dụng các biện pháp thân thiện với môi trường.

...đến thiên nhiên tại huyện miền múi Tây Giang. Ảnh: Nhân Tâm

Nếu các điểm tham quan cũng quan tâm đến các khía cạnh xã hội như điều kiện lao động, không sử dụng lao động trẻ em, hỗ trợ cộng đồng và thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, thì các điểm tham quan đã giải quyết và cân bằng ba trụ cột của du lịch bền vững, trở nên hấp dẫn hơn đối với khách du lịch có trách nhiệm để họ quay trở lại.

Hơn nữa, trách nhiệm với xã hội của điểm tham quan sẽ nâng cao khả năng “truyền miệng” của khách du lịch. Điều này sẽ tác động đến thái độ của người lao động, khiến họ tự hào về điểm tham quan mà họ đang làm việc, từ đó tăng thêm sự trung thành, gắn bó của họ và tăng năng suất lao động.

Áp dụng tiêu chí xanh cho điểm tham quan

Khách tham quan du lịch sẽ sử dụng sản phẩm và dịch vụ của điểm tham quan, đồng thời cũng có thể sử dụng các dịch vụ lưu trú, thực phẩm và đồ uống, mua sắm và giải trí địa phương. Nghĩa là từ quan điểm “điểm tham quan bền vững”, tất cả các nhà cung cấp dịch vụ cho điểm tham quan sẽ cùng tạo ra chuỗi giá trị, tạo điều kiện cho điểm tham quan cung cấp sản phẩm và dịch vụ xanh cho khách du lịch.

Hiểu được điều này, Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sỹ (SSTP) xây dựng bộ tiêu chí và chỉ số du lịch bền vững áp dụng cho điểm tham quan. Đây là cơ sở để điểm tham quan xây dựng du lịch có trách nhiệm, tối đa hóa lợi ích kinh tế và xã hội cho cộng đồng địa phương, phát huy di sản văn hóa và giảm tác động tiêu cực đến môi trường.

Với bộ tiêu chí và chỉ số du lịch bền vững này, các điểm tham quan có thể tự đánh giá mức độ bền vững của chính mình, dựa vào đó đổi mới và cải thiện tính bền vững của điểm đến du lịch.

Bộ này áp dụng cho các điểm tham quan được chia thành 4 chủ đề bền vững chính, mỗi chủ đề bao gồm một số tiêu chí du lịch bền vững được chỉ định, cùng với các chỉ số du lịch phù hợp, có thể định lượng được.

Bốn chủ đề du lịch bền vững chính cho các điểm tham quan là chính sách và quản lý du lịch bền vững, bền vững về kinh tế, bền vững về xã hội và bền vững về môi trường.

Điểm tham quan khác nhau rất lớn về phạm vi, đặc điểm và loại hình hoạt động, như điểm tham quan có thể là một ngôi chùa, mà cũng có thể là vườn quốc gia. Do đó, mỗi điểm tham quan du lịch sẽ có các ưu tiên quản lý và phát triển khác nhau. Việc ưu tiên các chủ đề cũng khách nhau.

Thông thường điểm tham quan nhỏ chỉ cho phép một số hoạt động hạn chế như hoạt động tôn giáo kết hợp với tham quan, hoặc chỉ tham quan. Trong trường hợp đó, việc áp dụng các tiêu chí để phát triển du lịch bền vững sẽ tương đối đơn giản.

Mặt khác, các điểm tham quan trung bình chiếm diện tích lớn, như chùa Hương Tích thì điểm tham quan bao gồm nhiều hoạt động như dịch vụ đi đò, cáp treo, đi bộ đường dài, hoạt động tôn giáo, ăn uống, lưu trú qua đêm, hàng hóa... Việc thực hiện du lịch bền vững trong trường hợp này phức tạp hơn và phải được áp dụng từng bước, do vậy sẽ mất nhiều thời gian hơn để đạt hiệu quả.

Tuy nhiên, cho dù là các điểm tham quan nhỏ, vừa hoặc thậm chí lớn, việc áp dụng các nguyên tắc của du lịch bền vững vẫn giống nhau. Việc phát triển du lịch bền vững luôn phải dựa trên ba trụ cột về tính bền vững: kinh tế, xã hội và môi trường.

Quảng Nam cam kết thực thi 6 bộ tiêu chí du lịch bền vữngBộ tiêu chí và chỉ số du lịch bền vững bao gồm 6 bộ tiêu chí riêng dành cho điểm tham quan, du lịch cộng đồng, homestay (lưu trú tại nhà dân), eco lodge (nhà nghỉ sinh thái), khách sạn vừa và nhỏ và lữ hành.Ông Hà Thanh Hải, chuyên gia cao cấp phát triển doanh nghiệp du lịch của SSTP, cho biết con người, trái đất và lợi ích là 3 cột chính của bộ tiêu chính này với mục tiêu cuối cùng là tăng tăng lợi ích các bên liên quan trong du lịch nhưng hạn chế tối đa tác hại đến môi trường.“Bộ tiêu chí phải sống động, không phải bộ tiêu chí chết. Nó sẽ được cập nhật và triển khai theo tình hình thực tế”, ông Hải nói và chia sẻ Hiệp hội Du lịch Quảng Nam (QTA) tham khảo và áp dụng phù hợp tại Quảng Nam và SSTP sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngành du lịch Quảng Nam thực hiện bộ tiêu chí này theo nguyên tắc “địa phương hóa”.Theo ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch QTA, đây là một hướng đi rất hay trong tương lai. Các doanh nghiệp thành viên trong hiệp hội cũng thống nhất rằng ngành du lịch Quảng Nam cần theo hướng xanh và bền vững.“Sau hơn một năm làm việc thì QTA nhận bàn giao bộ tiêu chí này để triển khai trong thực tế trong những năm tới”, ông Thanh nói và chia sẻ thêm dựa trên bộ tiêu chí này, ngành du lịch Quảng Nam sẽ “chế biến” để có một bộ tiêu chí phù hợp cho mình, áp dụng cho các doanh nghiệp.

Nhân Tâm

Nhiều người quan tâm