Hải Dương -
Ngày con đỗ đại học, tuy chỉ là một trường dân lập nhưng bố mẹ đều vui vì con đã bước sang một trang mới của cuộc đời. Ngay sau đó nỗi lo ập tới gia đình chúng ta khi bố chỉ là một thợ nghề tự do, còn mẹ con bao năm nay vẫn làm công nhân quèn với đồng lương ít ỏi.
Lúc con mới nhập học, bố muốn con đi xe đạp một thời gian để thông thạo đường xá Hà Nội, rèn luyện thể lực vì con vốn sức khỏe không tốt. Sau hai tuần con bỏ chiếc xe đạp ấy, buồn chán về quê kể lể: “Con phải đi học nhiều chỗ đạp xe thế mệt lắm, mà bọn nó có xe máy hết cả rồi”. Bố hiểu cái vế thứ hai thực sự mới là lý do quan trọng trong lời ca thán của con.
Thế rồi con cũng được mang xe máy ra Hà Nội kèm theo chiếc máy tính xách tay mới cứng để phục vụ học tập, đúng như ý con muốn. Chiếc điện thoại cũ thỉnh thoảng chập chờn, rồi con nói “Con muốn lên đời điện thoại, nhưng đời cao chút chứ không thì nhanh lỗi thời lắm”. Bố mẹ lại nén nỗi lo vào lòng, gật đầu với con một lần nữa.
Ngày qua ngày, bố vẫn thấy nỗi buồn chán thường xuyên xuất hiện trên gương mặt con mỗi khi về quê, hay qua những cuộc điện thoại kể lể ngắn ngủi.
Con ơi! Bố nghĩ rằng con đang chỉ biết ngước mắt nhìn lên trong cuộc đời này. Ngày ngày con đến học một ngôi trường thừa nhà giàu, thiếu những gia cảnh như chúng ta. Đập vào mắt con là nhà gửi xe bát ngát các chiếc Vespa, SH… đắt tiền. Thậm chí nhiều cô cậu sinh viên được phụ huynh đón rước trên những chiếc ô tô bóng loáng. Đến lớp các bạn sinh viên sành điệu lôi những chiếc smartphone đắt tiền ra để tự sướng “up lên Facebook”, chơi game, soi gương ngắm nghía dung nhan. Với họ chức năng quan trọng nhất của một chiếc điện thoại là nghe-gọi đã trở thành thứ yếu. Thỉnh thoảng những đứa cùng cảnh ngộ lại túm tụm với nhau ăn uống ở các nhà hàng, quán bar sang trọng rồi không quên khoe khoang chiến tích lên mạng xã hội Facebook.
Nhiều hôm giữa tuần phải đi học, lớp đột ngột vắng đi một vài thành viên. Cứ ngỡ tưởng các chàng, nàng sinh viên ấy nhà có chuyện như trong tin nhắn xin phép nghỉ học gửi tới lớp trưởng. Nhưng ngày hôm đó, mọi người tá hỏa thấy các cô, cậu ấy đang ăn chơi trên bãi biển xanh biếc và buổi tối ẩn mình trong khu resort đắt đỏ.
Bố hiểu những khung cảnh, lối sống ấy ngày ngày đập vào mắt, ngấm vào đầu của con dù vô tình hay là cố ý.
Nhưng con ơi, có bao giờ con thử một lần suy nghĩ, những đồng tiền để chúng ăn chơi, mua sắm sành điệu ấy từ đâu ra không? Chúng mới chỉ mười tám, đôi mươi nếu tự tay, bằng trí óc kiếm được nhiều tiền thế thì chính bố cũng phải phục sát đất. Và chắc chắn họ là cái đích, là tâm gương để con học tập. Nhưng bố khẳng định rằng trường hợp cá biệt thế chỉ một phần ngàn, thậm chí chỉ là một phần triệu ở trên đời này. Còn lại tất cả chúng đều ăn tiêu bằng đồng tiền từ bố mẹ. Bố không nói đến nguồn gốc của những đồng tiền ấy, nhưng bố biết nhiều gia đình có chút của cải là chiều con một cách vô lối và đáp ứng mọi yêu sách.
Con đã bao giờ nhìn xuống để có một cái thế giới quan công bằng cho cuộc đời này chưa. Con có biết không, sáng sáng chiều chiều ở những điểm xe buýt có bao sinh viên vẫn phải chen chúc nhau để có được một chỗ đứng chật chội, nồng nặc mùi hôi. Có nhiều bạn phải thuê nhà ở ghép trong những căn phòng cấp bốn, mái lợp tôn lụp sụp, nóng bức ở mạn ngoại thành. Ngày ngày các bạn phải đạp chiếc xe cà tàng 8-10 km, rồi khi tan học đứa lại đi gia sư, thằng khác lại ôm tập tờ rơi giang dưới nắng ở ngã tư, vỉa hè.
Có bao nhiêu người đàn ông tầm tuổi bố đang ngày ngày mài đũng quần ở những chợ lao động tự do nơi chân cầu, góc công viên. Còn những người cũng tầm tuổi như mẹ con, đang lang thang với tiếng rao “ai đồng nát, sắt vụn đây”… cứ vang lên trong ngõ cùng, hẻm cụt. Đêm xuống, những người đàn ông, đàn bà ngoại tỉnh ấy lại tìm về khu xóm trọ ổ chuột, vật vạ trong bóng tối. Họ mong trời sáng thật nhanh để lại được đi làm, có tiền gửi về cho gia đình dưới quê. So với họ, bố mẹ của con vẫn còn may mắn, bởi được làm công nhân hoặc có việc ở quê chứ chưa đến mức tha phương cầu thực.
Một ngày nào đó, như cậu sinh viên nọ, sáng tất tả đến lớp, chiều đổ mồ hôi, sôi nước mắt, bơ phờ với chân bưng bê ở nhà hàng cùng cái giá 16.000 đồng mỗi giờ. Tối về cậu sinh viên ấy lại phải tự tính toán thu-chi, đi chợ, nấu ăn… Chỉ khi con hóa thân thành cậu ấy, con của bố mới hiểu thực sự giá trị của đồng tiền, biết quý sức lao động bản thân và người khác.
Bố nói với con những điều này có lẽ chỉ 1-2 giờ là hết. Nhưng có thể con phải đánh đổi rất nhiều thời gian, qua năm tháng để thực sự ngộ ra bài học về cuộc đời, về giá trị của sức lao động được kết tinh trong những đồng tiền đẫm mồ hôi, nước mắt. Con phải tự bước đi, trải nghiệm và suy ngẫm và chỉ có trường đời mới thực sự dạy cho các con những bài học không có trong sách vở.