Thứ ba, Tháng hai 4, 2025

Định hình phân khúc cho xuất khẩu gạo

TRUNG CHÁNH -

Tại hội thảo “Giải pháp tài chính cho doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng lúa gạo, vật tư nông nghiệp và vật tư thủy sản” được tổ chức tại Cần Thơ cuối tuần rồi, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần tìm cho mình một phân khúc thị trường phù hợp khi làm ăn với đối tác nước ngoài.

Tránh đối đầu

Theo ông Năng, đối với những dòng gạo như basmati của Ấn Độ hay hommali của Thái Lan hiện có giá giao dịch thấp nhất cũng từ 800 đô la Mỹ/tấn trở lên, và nếu Việt Nam đi theo hướng cạnh tranh trực tiếp ở phân khúc này sẽ thất bại. Vì vậy, ông cho biết định hướng của VFA là sẽ lấy dòng gạo thơm jasmine gắn với mức giá bán trên dưới 600 đô la Mỹ/tấn để cạnh tranh. “Phân khúc này không đụng với ai trên thế giới cả”, ông Năng nói về dòng gạo thơm jasmine.

Xuất khẩu gạo thơm Việt Nam đang có triển vọng phát triển nhưng phải chọn được phân khúc phù hợp. Trong ảnh là nông dân đang thu hoạch lúa thơm tại Tiền Giang.
Xuất khẩu gạo thơm Việt Nam đang có triển vọng phát triển nhưng phải chọn được phân khúc phù hợp. Trong ảnh là nông dân đang thu hoạch lúa thơm tại Tiền Giang.

Lý do VFA chọn phân khúc này là để tránh cạnh tranh trực tiếp với dòng gạo cao cấp vốn là sở trường của Thái Lan, Ấn Độ. Kế đến, nếu tiếp tục duy trì phân khúc gạo trắng thông dụng sẽ bị cạnh tranh quyết liệt về giá, đồng thời mức độ rủi ro ở nhiều thị trường sẽ ngày càng lớn hơn. “Hôm rồi tôi có đi châu Phi gặp một số đối tác ở Ghana và Bờ Biển Ngà để tìm hiểu tình hình xuất khẩu gạo sang đây vì sao sụt giảm mạnh. Tôi thấy, đi vào phân khúc gạo trắng thông dụng, ở đây bị Thái Lan chiếm lĩnh rồi, ngay tại thời điểm đó, gạo 25% tấm của Thái Lan bán sang đây chỉ có 305 đô la Mỹ/tấn, còn gạo 25% của mình đến trên 330 đô la Mỹ/tấn, như vậy làm sao mình nhập vào châu Phi được!”, ông Năng nhận xét.

Tuy nhiên, với phân khúc gạo thơm mà VFA định ra, theo một chuyên gia về lúa gạo, muốn làm được phân khúc này thì ngoài việc tổ chức lại sản xuất còn phải kiểm soát tốt được dư lượng chất cấm trong sản phẩm cũng như gian lận thương mại.

Về vấn đề này, ông Năng cho rằng phải có cơ chế kiểm soát tốt, loại ra những đơn vị có sản phẩm không đạt tiêu chuẩn để tránh ảnh hưởng đến những đơn vị khác.

Kỳ vọng vào gạo thơm

Ngoài việc tránh cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của đối thủ, ông Năng cũng cho rằng phân khúc gạo thơm gắn với giá bán trên dưới 600 đô la Mỹ/tấn đang có sự tăng trưởng tốt, trong khi gạo trắng thông dụng lại mất khả năng cạnh tranh ở nhiều thị trường.

Cụ thể, đối với thị trường châu Phi, theo ông Năng, vào năm 2008 xuất gạo trắng thông dụng vào thị trường này chiếm đến 20% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành nhưng đến năm 2014 con số này đã sụt giảm xuống chỉ còn 12%. Ngược lại, thị trường gạo thơm có sự tăng trưởng khá ấn tượng, chẳng hạn năm 2008 gạo thơm vào châu Phi chỉ chiếm 3,49% tỷ trọng toàn ngành nhưng đến năm 2014 đã chiếm đến 20,6%.

Trong tám tháng đầu năm 2015, trong khi dòng gạo trắng thông dụng không thể cạnh tranh được với Thái Lan ở thị trường này thì dòng gạo thơm vẫn bán được đến 665.000 tấn so với con số 480.000 tấn của cả năm 2014. Theo ông Năng, gạo thơm Việt Nam xâm nhập được vào thị trường châu Phi là nhờ đi vào phân khúc không cạnh tranh trực tiếp với lợi thế của đối thủ. “Với việc chọn đi theo phân khúc này, tôi tin xuất khẩu gạo thơm Việt Nam sắp tới sẽ còn khởi sắc hơn”, ông Năng nhận định.

Tuy nhiên, nhận xét về hướng đi mà đại diện VFA vạch ra, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, cho rằng nếu tập trung đi theo phân khúc gạo thơm có thể sẽ gây ra thiếu hụt nguồn nguyên liệu phục vụ cho các ngành công nghiệp khác. Đó có thể là nguồn cám phục vụ cho công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, chiết xuất tinh dầu cám hoặc nguồn trấu để sản xuất củi trấu đáp ứng cho ngành công nghiệp nhiệt điện…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối