Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024

“Định mức khuây khỏa” cho thương mại điện tử xuyên biên giới

(SGTT) - Tạo dựng một hành lang pháp lý ở mức phù hợp để phát triển TMĐT xuyên biên giới còn non trẻ ở Việt Nam và bịt những lỗ hổng không đáng có.

Tuy độ rủi ro khi dùng phương thức COD là cao nhưng nhiều sàn TMĐT sẵn sàng chấp nhận để đưa hàng đến tay người tiêu dùng.

Hiện nay, số tiền mua hàng xuyên biên giới được miễn thuế tại Việt Nam là 1 triệu đồng (khoảng 43 đô la Mỹ), thấp hơn so với các quốc gia khác trong khu vực. Điển hình con số này ở Indonesia là 75 đô la, Thái Lan là 49,5 đô la, Philippines là 194 đô la, Brunei là 293 đô la, Singapore là 293 đô la Mỹ, Malaysia là 119 đô la, Trung Quốc là 706 đô la.

“Tiền trao cháo múc” và những hạn chế

Những con số này được ông Yee Meng Kum, Giám đốc Thương mại Quốc tế Cấp cao của Tiki Global, chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị. Ông Yee Meng Kum cho biết TMĐT xuyên biên giới luôn là một trong những chiến lược thâm nhập thị trường tốt nhất cho các công ty, thương hiệu và sản phẩm mới vào Việt Nam. Người bán có thể kiểm tra nhu cầu thị trường cho sản phẩm trước khi đầu tư như thành lập văn phòng, sản xuất, kênh phân phối và vận chuyển hàng tồn kho vào Việt Nam…

“Dù có tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây nhưng thị trường TMĐT Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức khi các sản phẩm xách tay có nguồn gốc không rõ ràng hoặc sản phẩm lậu vẫn còn xuất hiện. Điều này khiến chính phủ khó theo dõi tất cả hàng hóa nhập vào Việt Nam và đồng thời gây thất thoát thuế”, ông nói.

Những phân tích của ông Yee phần nào “khớp” với khảo sát sơ bộ của Hiệp hội Thương mại Việt Nam (Vecom) trong Bảng Chỉ số TMĐT 2019. Theo đó, các món hàng có giá dưới 30 đô la Mỹ chiếm đến 80% trong các giao dịch. Do đó, chi phí để xuất trình chứng từ giấy để mua ngoại tệ và thanh toán theo quy định rất cao so với giá trị sản phẩm.

Bên cạnh đó, cho tới hết năm 2018 hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới còn gặp nhiều khó khăn ở cả chiều xuất khẩu và nhập khẩu. Chẳng hạn, một số sàn TMĐT tại Việt Nam cung cấp dịch vụ cho người bán hàng nước ngoài. Người mua có thể trả lại hàng nếu hàng hóa không đúng như quảng cáo và không bị tính tiền vận chuyển món hàng trả ngược lại người bán ở nước ngoài. Nói chung, người mua có khuynh hướng thanh toán khi nhận hàng (COD).

Tuy độ rủi ro khi dùng phương thức COD là cao nhưng nhiều sàn TMĐT sẵn sàng chấp nhận để đưa hàng đến tay người tiêu dùng, với hy vọng lòng tin của người tiêu dùng sẽ được củng cố theo thời gian. Tuy nhiên, khi hàng hóa đã được người tiêu dùng chấp nhận, thì đơn vị quản lý sàn phải đối mặt với khó khăn mua ngoại tệ và thanh toán lại cho nhà bán hàng xuyên biên giới. Việc này gần như bất khả thi vì theo quy định tại Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 và Nghị định 70/2014/NĐ-CP, sàn TMĐT cần xuất trình nhiều loại giấy tờ mới được mua ngoại tệ chuyển ra nước ngoài.

Việc pháp luật không chấp nhận hình thức thanh toán rút gọn với các dữ liệu điện tử thay vì chứng từ giấy đã tạo ra nhiều trở ngại cho sự phát triển TMĐT xuyên biên giới, đồng thời tạo nên sự thiếu minh bạch trong quy trình thanh toán. Đối với người tiêu dùng, họ không được tiếp cận những sản phẩm tương xứng với giá tiền và quyền được trả hàng khi hàng hóa không đúng như quảng cáo.

Hơn nữa, việc chỉ cho phép ngân hàng chấp nhận chứng từ giấy theo kiểu truyền thống trong thanh toán quốc tế và không có kết nối dữ liệu là không phù hợp với quy trình hiện đại hóa và tự động hóa trong dịch vụ ngân hàng, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.

Tìm định mức phù hợp trong quản lý

Vì vậy, có sàn TMĐT lâm vào tình cảnh thu được tiền nhưng không chuyển trả người bán được, dẫn đến tình trạng phải dùng biện pháp tình thế là nhờ công ty mẹ ở nước ngoài thanh toán giúp, sau đó bù trừ bằng những giao dịch khác. Một số doanh nghiệp TMĐT đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép mua ngoại tệ từ nguồn tiền mặt, thay cho việc xuất trình tờ khai hải quan bằng kết nối dữ liệu hải quan, thay hợp đồng bằng các bản “Điều khoản & Điều kiện” giao kết giữa các bên và thay hóa đơn bằng thông tin đơn hàng.

Ông Yee Meng Kum đưa ra giải pháp: “Nếu được phép tăng giới hạn mua hàng xuyên biên giới miễn thuế, sẽ giúp chuyển đổi thành nhiều giao dịch hơn tại các kênh hợp pháp, cho phép cơ quan có thẩm quyền theo dõi hàng hóa nhập vào Việt Nam tốt hơn và tăng doanh thu thuế thông qua thuế thu nhập doanh nghiệp”.

“Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu” với mục tiêu tìm được những giải pháp tốt nhất trong việc quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là giải pháp về lâu về dài.

Mục tiêu của đề án là đưa ra các giải pháp quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhằm: Đảm bảo việc quản lý toàn diện của nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đảm bảo việc kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định pháp luật tránh việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để trốn thuế, vi phạm các chính sách mặt hàng, sở hữu trí tuệ, xuất xứ, vận chuyển hàng cấm vào Việt Nam và ngược lại.

Cùng với sự hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu, TMĐT xuyên biên giới cũng phát triển mạnh mẽ đòi hỏi nhà nước cần có các chính sách và giải pháp linh hoạt nhằm phát huy những lợi ích và giảm thiểu những tác động tiêu cực của hình thức thương mại tiên tiến này. Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016 – 2020 đề ra mục tiêu phát triển nhanh kênh này, phục vụ thiết thực hoạt động xuất nhập khẩu, giao dịch thương mại điện tử loại hình doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) chiếm 30% kim ngạch xuất nhập khẩu vào năm 2020.

Nhân Tâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối