Chánh Tài -
Hãng kinh doanh đồ chơi trẻ em Hamleys (Anh) dự báo doanh số đồ chơi trẻ em công nghệ cao có thể tương tác sẽ bùng nổ trong dịp Giáng sinh sắp tới, theo hãng tin BBC.
Hứa hẹn thắng lớn
Với món đồ chơi Siggy Robot, các bé gái có thể dùng máy tính bảng hoặc smartphone để di chuyển các xe scooter chở các cô nàng búp bê. Ảnh: Smart Gurlz
Trước đây, khi mở các món quà dịp Giáng sinh, trẻ em sẽ reo mừng khi phát hiện bên trong là một búp bê hay một siêu anh hùng như người nhện hoặc người dơi. Thế nhưng ngày nay, trẻ em lớn lên trong một thế giới công nghệ đang lên ngôi, chúng mong chờ những món đồ chơi thông minh hơn.
Reyne Rice, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn xu hướng đồ chơi ToyTrends (Mỹ), dự báo các đồ chơi công nghệ đơn giản, mang tính giáo dục, giúp trẻ tư duy giải quyết vấn đề, sẽ thắng lớn trong mùa Giáng sinh này. Bà Rice cho rằng nét hấp dẫn của thị trường đồ chơi năm nay là có nhiều nhà sản xuất đồ chơi sử dụng công nghệ để nâng cao giá trị giải trí và giáo dục của sản phẩm mà họ giới thiệu ra thị trường.
Chẳng hạn, Công ty Đồ chơi SmartGurlz (Đan Mạch) muốn khuyến khích các bé gái lập trình. Công ty này đang ra mắt món đồ chơi Siggy Robot, một cô nàng búp bê xinh xắn, sành điệu đứng trên các xe scooter. Siggy Robot có thể được lập trình thông qua một ứng dụng trên smartphone hay máy tính bảng. Những bé gái 6-12 tuổi có thể sử dụng ứng dụng này để điều khiển xe scooter chạy vòng tròn, di chuyển zíc zắc hay chạy nhanh theo một đường thẳng
“Tôi đang tìm kiếm các đồ chơi truyền cảm hứng cho con gái tôi và giúp nó có được sự tự tin về toán học và khả năng suy luận về không gian”, Sharmi Albrechtsen, Giám đốc điều hành kiêm người sáng lập SmartGurlz, giải thích lý do tung ra món đồ chơi Siggy Robot. “Không giống như cậu bé em họ có thể thoải mái tìm kiếm hàng trăm đồ chơi xếp hình, robot, máy bay trực thăng và máy bay không người lái, con gái tôi có rất ít sự lựa chọn đồ chơi có tính giáo dục trong các cửa hàng ngoài chủ đề thời trang, trang điểm, công chúa”, Albrechtsen nói.
Thông qua ứng dụng SugarCode của SmartGurlz, các bé gái có thể học cách lập trình để điều khiển Siggy Robot di chuyển theo các lộ trình mong muốn. Các bé gái phải đọc các bản đồ và xác định những điểm ảo trên đó để giúp các búp bê hoàn thành “các chuyến phiêu lưu”.
Ngay cả những trẻ nhỏ tuổi hơn cũng có thể dễ dàng học những điểm cơ bản của lập trình với món đồ chơi Code-a-pillar của Công ty Đồ chơi Fisher Price, có trụ sở tại New York (Mỹ).
Code-a-pillar là một con sâu bướm có phần đầu và tám khúc thân có thể tháo rời và kết nối lại với nhau theo nhiều trình tự khác nhau. Phần đầu là nơi chứa pin và nhận tín hiệu lệnh từ các khúc thân. Trong số tám khúc thân có hai khúc truyền lệnh để sâu rẽ phải, hai khúc điều khiển sâu rẽ trái, ba khúc điều khiển sâu chạy thẳng và một khúc phát âm thanh. Khi lắp ghép các thân sâu bướm xong và bấm nút “start”, sâu bướm sẽ di chuyển theo trình tự truyền lệnh của các phần thân.
Trẻ từ ba tuổi trở lên có thể gắn các khúc thân sâu bướm theo trình tự khác nhau để chúng di chuyển theo các lộ trình và phương hướng khác nhau. Điều này sẽ huấn luyện cho trẻ cách giải quyết vấn đề, vạch kế hoạch, tư duy phản biện và xâu chuỗi vấn đề.
Hãng kinh doanh đồ chơi trẻ Hamleys kỳ vọng Code-a-pillar sẽ là một trong những món đồ chơi bán chạy nhất trong dịp Giáng sinh tới.
Kết hợp truyền thống
Trẻ có thể lắp ráp các phần thân của con sâu bướm này theo các trình tự khác nhau để nó di chuyển theo các lộ trình khác nhau. Ảnh: Tech With Kids
Bethany Koby, người sáng lập Technology Will Save Us (Anh), một tổ chức khuyến khích học hành thông qua những trò chơi sáng tạo, cho biết ngành đồ chơi trị giá khoảng 25 tỉ đô la Mỹ tại thị trường Mỹ và 3,2 tỉ bảng tại thị trường Anh vẫn còn một chặng đường dài phía trước khi thích nghi với công nghệ mới.
“Ngành công nghiệp đồ chơi là một trong những ngành quyền lực nhất thế giới. Nó định hình tư duy cho trẻ ở một số năm quan trọng đầu đời thông qua giáo dục, chơi các trò chơi và những trải nghiệm mới. Thật ngạc nhiên khi thấy rằng nhiều đồ chơi ngày nay vẫn không sử dụng công nghệ một cách sáng tạo và hiệu quả. Đồ chơi cần phải chuẩn bị và trang bị năng lực cho trẻ. Chúng phải hỗ trợ định hình tương lai của trẻ em”, bà Koby nói.
Bà Rice của Công ty ToyTrends cũng lưu ý rằng, cần kiểm soát thời lượng trẻ em chơi đồ chơi công nghệ mang tính giáo dục. “Các bậc cha mẹ có trách nhiệm và bảo đảm trẻ em cũng phải chơi các đồ chơi truyền thống. Đồ chơi truyền thống giúp trẻ nhận thức xã hội và giúp xây dựng mối quan hệ. Chúng ta không được quên điều này”, bà nói.
Đó là lý do để một bộ đồ chơi có tên gọi Yibu ra đời nhằm lấp đi khoảng cách giữa thế giới thực và thế giới ảo.
Bộ đồ chơi Yibu, được phát triển bởi Công ty Đồ chơi Frog (Hà Lan), có năm mẩu đồ chơi nhỏ bằng gỗ có gắn bên trong các bộ cảm ứng âm thanh, ánh sáng, nhiệt độ, phương hướng và xoay vòng. Bằng cách di chuyển các đồ chơi này và đặt chúng ở các vị trí khác nhau, trẻ em có thể nắm được âm thanh, nhiệt độ, ánh sáng... tác động như thế nào đến nhân vật ảo là một chú gấu Bắc cực đang tìm đường về nhà trên màn hình smartphone hoặc máy tính bảng. Chẳng hạn, nếu trẻ đặt mẩu đồ chơi có gắn cảm ứng nhiệt độ bên ngoài trời đang nắng, chú gấu trên màn hình sẽ toát mồ hôi. Để giúp chú gấu hết nóng, trẻ phải di chuyển mẩu đồ chơi này vào chỗ có bóng râm.