Thứ tư, Tháng mười một 27, 2024

Đo nhà, đếm bậc cầu thang

Bảo Quyên

Không đơn thuần là lối dẫn lên những tầng trên, cầu thang còn góp phần tạo nét thẩm mỹ, điểm tô cho sự duyên dáng của ngôi nhà. Với sự nổi bật từ chi tiết, cầu thang dễ dàng trở thành điểm nhấn cho không gian nội thất.

Điểm nhấn cho ngôi nhà

Trong thiết kế cầu thang, các thông số luôn giữ một vai trò quan trọng – tạo điểm nhấn riêng phù hợp với từng ngôi nhà. Để có được cầu thang ưng ý, yếu tố đầu tiên cần quan tâm chính là khoảng cách từ sàn hoàn thiện tầng dưới đến sàn hoàn thiện tầng trên. Khi đã xác định được chiều cao, người thiết kế phải tính xem sẽ có bao nhiêu bậc thang để lấp đầy chiều cao đó, điều này đồng nghĩa với việc đưa ra kích cỡ phù hợp cho bậc cầu thang, làm sao để vừa đảm bảo an toàn nhưng lại vừa tiết kiệm.

Một lưu ý khác, với nhiều gia đình gầm cầu thang luôn được tận dụng như một nhà kho hoặc nơi chứa hàng hóa. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng không ít người đã không tính toán kỹ dẫn đến khoảng cách thang và sàn bị thu ngắn nên khó tận dụng được phần gầm. Trong trường hợp này, có thể chỉnh sửa bằng cách khoét nền nhà sâu xuống vài bậc, hoặc đặt các chức năng ít dùng như bể nước, máy bơm... vào chỗ trống để khắc phục lỗi.

Cầu thang tay vịn gỗ kết hợp bậc đá.
Cầu thang tay vịn gỗ kết hợp bậc đá.

“Làm cầu thang đòi hỏi người thiết kế phải đo đạc thật kỹ lưỡng để có được một sản phẩm đẹp mắt. Cầu thang có rất nhiều loại, tùy yêu cầu của gia chủ với sở thích hiện đại hay cổ điển, cao cấp hoặc bình dân mà đưa mẫu cho công ty thiết kế với mức giá dao động từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng/mét vuông”, nhân viên kinh doanh Công ty Villafences trên đường Thành Thái, quận 10, TPHCM cho biết.

Có hai cách bố trí cầu thang được nhiều gia đình sử dụng là giữa nhà và cuối nhà. Trong đó, xu hướng thiết kế chọn không gian giữa nhà được quan tâm nhiều hơn bởi tính năng ngăn chia không gian phòng, đặc biệt là những ngôi nhà phố.

Với những không gian rộng rãi có lầu được thiết kế theo kiểu chia tầng, nên chọn kiểu cầu thang hình chữ Y có bậc đá, tay vịn gỗ, dưới thành làm bằng kính hoặc những con tiện gỗ khắc… để vừa tạo điểm thu hút, vừa giúp căn nhà trông cân đối và sang trọng hơn. Còn với những căn nhà có diện tích vừa phải, chủ nhà nên chọn kiểu cầu thang chữ L, có chiếu nghỉ giữa các tầng để tạo cảm giác thoải mái khi di chuyển. Riêng những căn hộ có kích thước nhỏ nên chọn cầu thang có thiết kế đơn giản, độ dốc tương đối cao để tiết kiệm diện tích, kèm theo một tấm gương lớn gắn trên tường để tạo cảm giác rộng rãi cần thiết.

Khi thiết kế cầu thang cho nhà hẹp, nên tính đến ba phương án an toàn, thẩm mỹ, và tiết kiệm không gian. Với những căn nhà phố diện tích 35-40 m2, chủ nhà cần bố trí hợp lý để đảm bảo sự thông thoáng cho các không gian khác. Những mẫu cầu thang có kiểu dáng gọn nhẹ đáp ứng đầy đủ công năng sử dụng, vừa tiết kiệm lại vừa hiện đại luôn là lựa chọn ưu tiên, như thép kết hợp mặt bậc gỗ, kim loại mỏng…

TV4

TV7

cauthang_3

[box type="bio"] Địa chỉ tham khảo tại TPHCM

* Công ty Villafences, 134/1 Thành Thái, quận 10.

* Công ty Nội Thất Kiến Mộc, 52/14 đường số 4, quận Thủ Đức hoặc 113 đường HT16, phường Hiệp Thành, quận 12.[/box]

Trang trí cho sinh động

Trong kiến trúc nhà ở hiện đại, cầu thang thường được kết hợp cùng giếng trời với mục đích tạo thêm sự thông thoáng, sáng sủa – thông suốt giữa các không gian. Với cầu thang ở giữa nhà, có thể điểm tô thêm bằng cách tạo bồn hoa giả, treo tranh hoặc sử dụng đèn mắt ếch để tạo ấn tượng. Bên cạnh việc sử dụng gầm cầu thang làm nhà vệ sinh, nơi chứa đồ, đặt giá sách, kệ ti vi… chủ nhà cũng dễ dàng biến “điểm chết” này thành một điểm nhấn thú vị hoặc tạo “nguồn thở” mới chỉ với khu vườn khô đầy sỏi trắng kết hợp cùng hoa lá, chim muông, khoảng xanh, hồ cá…

Màu sắc, kích thước của tranh, ảnh là một trong những yếu tố quyết định tính hiệu quả trang trí cho không gian cầu thang. Bên cạnh các gam màu trơn thông thường, có thể sử dụng chất liệu gỗ hoặc đá ốp hoa văn để trang trí cho mặt áp tường của cầu thang; kết hợp cây xanh ở chiếu nghỉ hoặc dọc theo bậc cầu thang nhằm tạo thêm không gian tươi vui cho ngôi nhà, giúp mọi thành viên trong gia đình cảm nhận được sự trong lành và gần gũi với thiên nhiên. Ngoài ra, còn có thể treo những bức ảnh kỷ niệm, tác phẩm nghệ thuật hay bố trí những con vật bằng sành, sứ, gỗ… để tôn lên nét duyên dáng cho những đường cong, gấp khúc của cầu thang.

[box] Một vài lưu ý

* Cầu thang tầng trệt không nên bố trí theo hướng trực diện ra phía cửa vì điều này gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ đồng thời làm thiếu đi sự riêng tư, và tạo cảm giác khó chịu.

* Nếu lựa chọn cầu thang inox, kính… những loại có phản xạ ánh sáng, nên chọn loại có phản chiếu rõ để làm rộng hơn cho không gian và nên bố trí cầu thang ở vùng thấp. Còn đối vơi những sản phẩm bằng chất liệu màu tối nên bố trí ở những tầng lầu, điều này giúp cân bằng không gian.

* Khi bố trí cầu thang nên để lại một khoảng nhỏ nhất định, lùi lại để người sử dụng có thể định hướng, vì đây là nơi gặp nhau của các hướng đi trong cùng một không gian.[/box]

Bên cạnh việc bài trí đồ vật, sự xuất hiện của thảm trải dọc theo lối đi cầu thang sẽ góp phần làm tăng tính mềm mại, giúp định hình được phong cách trang trí rõ ràng hơn. Việc sử dụng đèn chiếu sáng cũng là một cách làm đẹp cho cầu thang, ánh sáng sẽ giúp không gian, nội thất thêm phần nổi bật. Chỉ với vài chiếc đèn có màu sắc dịu nhẹ kết hợp cùng hệ thống đèn chính là đã tạo ra một cầu thang lung linh, duyên dáng.

Với những cầu thang có chiều rộng bị hẹp, bên cạnh màu sơn gia chủ cũng có thể sử dụng giấy dán tường với những hoa văn lạ mắt để tăng hiệu quả thị giác, kết hợp những tấm gương lớn có hình dạng độc đáo, cầu kỳ để vừa trang trí, vừa tạo thêm độ thoáng cho cầu thang.

Làm đẹp cầu thang, tạo nét mới cho không gian là nhu cầu thiết yếu, tuy nhiên cần lưu ý lựa chọn những đồ vật có kích thước phù hợp với không gian, sắp xếp ở những vị trí ổn định, cân xứng nhằm tránh va chạm, đổ vỡ và nhất là không nên quá lạm dụng dẫn đến bị rối mắt.

Tùy theo sở thích mà gia chủ trang trí cho không gian cầu thang, trong đó tập trung chủ yếu ở mặt tường lối dẫn lên cầu thang, từ tranh ảnh cho đến các vật dụng đảm bảo vừa đẹp mắt, vừa mang lại sự may mắn. Ngoài ra, sau khi đã có được một mẫu cầu thang đẹp, trong quá trính sử dụng các gia đình nên lưu ý làm vệ sinh, lau chùi thường xuyên để có được một chiếc cầu thang bền đẹp cùng năm tháng.

[box] Kích cỡ cầu thang hợp lý

- Chiều rộng: Trong kiến trúc nhà ở dân dụng hiện nay, cầu thang thường có độ rộng phổ biến là 90-120 cm.

- Độ dốc: Độ dốc được quyết định bởi tỷ lệ chiều cao và chiều rộng của bậc thang, được tính bằng công thức 2h + b = 60 cm (trong đó h là chiều cao bậc thang; b là chiều rộng bậc thang). Nhà ở phổ biến hiện nay bậc thang thường có chiều cao khoảng 15-18 cm, chiều rộng tương ứng 24-30 cm. Tuy nhiên, tùy theo diện tích nhà rộng hay hẹp mà thiết kế chiều cao và chiều rộng tương xứng để mang đến một sự cân bằng. Ở một số trường hợp gia chủ cũng có thể tăng chiều cao bậc lên nhưng không nên vượt quá 22 cm.

- Kích thước của chiếu nghỉ: Chiều rộng của chiếu nghỉ không được nhỏ hơn chiều rộng của thân thang, đảm bảo sự hợp lý, thuận tiện cho việc đi lại. Tùy theo diện tích từng ngôi nhà mà số lượng bậc thang sẽ khác nhau song phải luôn đảm bảo cảm giác yên tâm, thoải mái khi lên xuống.

- Chiều cao của lan can: Có liên quan mật thiết với độ dốc của cầu thang, thông thường chiều cao của lan can tính từ trung tâm của mặt bậc thang đến mặt trên của tay vịn là 90 cm. Nếu cầu thang có độ dốc vừa phải thì nên “đẩy” chiều cao của lan can lên, điều này sẽ tạo một thế cân bằng khi đi lại.[/box]

[box type="download"]Các loại vật liệu làm cầu thang

Cầu thang bậc gỗ kết hợp cùng tay vịn inox tạo nét hiện đại cho không gian.
Cầu thang bậc gỗ kết hợp cùng tay vịn inox tạo nét hiện đại cho không gian.

Để có được một cầu thang đẹp và tốt, vật liệu được lựa chọn luôn đòi hỏi sự phối hợp có tính toán, gia giảm với không gian xung quanh. Do đó, trước khi lựa chọn cầu thang người tiêu dùng nên đưa ra cái nhìn tổng quát, toàn diện về không gian và phong cách nội thất để có được quyết định ưng ý.

- Gỗ: vật liệu mang lại phong cách cổ điển hòa lẫn sự sang trọng cho ngôi nhà. Hoặc nếu muốn tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo điểm sáng cho cầu thang, có thể nhắm đến một số loại vật liệu thay thế như nhựa có vân giả gỗ, hay tấm trải vân gỗ…

- Gạch, đá, gốm: vật liệu bền chắc, ổn định, thi công cắt ghép dễ dàng. Ngoài ra, đây còn là những loại vật liệu có khả năng chịu va chạm tốt, mài mòn cao. Với dạng cầu thang công trình có tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài thì đây là lựa chọn phù hợp. Không chỉ vậy, đá ốp lát cầu thang còn dễ dàng trong việc phối hợp với các chất liệu khác như sắt uốn, tay vịn gỗ hoặc inox, lan can kính hoặc gỗ...

- Sắt, thép hoặc đồng: đây là các loại vật liệu mà sản phẩm làm ra mang yếu tố kỹ thuật hiện đại, trong đó họa tiết uốn theo hoa văn cầu kỳ luôn phù hợp với kiểu nhà cổ điển Tây phương. Với cầu thang sắt thì sử dụng cho các không gian phụ, thang thoát hiểm hay thang nhà xưởng… kết hợp cùng các chi tiết hoa văn tạo ra điểm nhấn vững chắc cho lan can.

- Kính: vật liệu chủ yếu được thiết kế lan can, trong đó kính cường lực được sử dụng khá phổ biến trong những công trình nhà ở lẫn công cộng – tạo nét sáng sủa và hiện đại khi kết hợp với phụ kiện thép hoặc inox… “Hiện nay cầu thang gỗ cũng có rất nhiều loại, với nhiều kiểu trang trí, thiết kế khác nhau, đơn giản cũng có mà cầu kỳ cũng có với các sản phẩm hình trôn ốc hoặc bầu dục… Cầu thang gỗ thường có trọng lượng nhẹ hơn một số vật liệu khác, giá tuy có hơi cao nhưng chắc chắn, an toàn và có độ bền cao”, ông Lê Anh Giang, chủ xưởng sản xuất của Công ty Nội thất Kiến Mộc trên đường số 4, quận Thủ Đức, TPHCM chia sẻ.[/box]

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối