Chính Phong -
Tăng Trác Sơn, một cư dân của Hồng Kông, thức giấc lúc 8 giờ sáng. Vệ sinh cá nhân, ủi áo sơ mi, đánh giày, vuốt keo tóc, lấy miếng dán chuyên dụng để làm sạch những sợi lông bám trên chiếc áo vest…, tất cả được Tăng làm rất gọn gàng trong vòng 20 phút.
Tiếp đó, Tăng xách cặp táp xuống nhà, băng ngang đường Hải Phòng xuống ga tàu điện ngầm Tiêm Sa Chủy (Tsim Sha Shui). Mất 10 phút, qua hai chặng tàu điện ngầm và tất nhiên cả những đoạn ngắn cuốc bộ khác, là Tăng có mặt ở văn phòng làm việc ở khu Loan Tử (Wan Chai) chuẩn bị cho giờ làm việc bắt đầu vào 9 giờ sáng. Tăng làm việc cho hãng bảo hiểm Met Life.
Tăng là con một, nhưng cậu không sống với cha mẹ, mà muốn ra ngoài tự lập. Thuê một căn hộ nào đó gần trung tâm Hồng Kông thì rất ngốn tiền, Tăng đành thuê một chiếc giường tầng dành cho dân du lịch ba lô (backpacker) với giá 2.400 đô la Hồng Kông hàng tháng (mỗi đô la Hồng Kông bằng gần 3.000 đồng Việt Nam), đây là mức giá thuê rẻ cho dân cư trú dài hạn. Tăng nói mua nhà ở Hồng Kông rất đắt, kể cả ở những quận xa nằm bên khu Tân Giới, giá một căn hộ chung cư rộng 70 m2 có thể lên tới 3 triệu đô la Hồng Kông, tức 9 tỉ đồng Việt Nam.
Một cư dân dài hạn khác như Tăng cũng ở khu giường tầng này khá lâu là Kim Ki Duk, lập trình viên trẻ lớn lên từ một vùng nông thôn Hàn Quốc đến Hồng Kông làm việc cho một hãng nước ngoài. Nhìn chiều cao quá khổ của Kim lom khom trong nhà khá mắc cười. Căn nhà chung cư trên lầu 5 rộng 80 m2 được người chủ ngăn làm 6 phòng, mỗi phòng chừng 12 m2, ở giữa là đường đi và khu nước uống. Trong mỗi phòng 12 m2 có 3 chiếc giường tầng dùng cho 6 người và một toilet chiều ngang 0,6 m, chiều dài 1,2 m, tức là không đầy 1 m2, ấy vậy mà người ta bố trí đủ hết, từ bàn cầu, chậu rửa, vòi nóng lạnh, gương lược, mắc treo quần áo. Ở Hồng Kông, đặc biệt là khu Tiêm Sa Chủy sầm uất, tấc đất ngang với tấc vàng.
Dân du lịch ba lô Hồng Kông không thể không biết hai khu trú chân nổi bật ở khu Tiêm Sa Chủy đã xuất hiện nhiều trên phim ảnh, một là Chungking Mansion trên đường Nathan và hai là Hai Phong Mansion trên đường Hải Phòng. Nhận xét trên các trang chuyên về du lịch, Chungking Mansion là nỗi khiếp đảm với nhiều du khách, đó là lý do tôi chọn Hai Phong Mansion. Mặt khác, từ thầm kín còn có một sự tự hào vu vơ, khi mà giữa đất Hồng Kông có con đường tên Hải Phòng và con đường tên Hà Nội gần đó. Thời gian ở đó làm bạn với Tăng và Kim cũng dễ chịu.
Đối diện Hai Phong Mansion là ga điện ngầm Tiêm Sa Chủy giờ nào trong ngày cũng đông. Liền phía trên ga tàu điện này là công viên Cửu Long rộng hơn 13 ha rất xanh mát với cây cối chim muông. Khu đất vàng này mà cho xây cao ốc thì ra hàng triệu mét vuông sàn. Nhưng ở nơi có mật độ dân số cao hàng đầu thế giới này, giữa các tòa nhà chọc trời vẫn có những “van xả” như vậy, nó là thứ ta quen gọi là “chất lượng sống”.
Phải nói khu vực lõi Hồng Kông, gồm 5 quận thuộc bán đảo Cửu Long và 3 quận thuộc đảo Hồng Kông nằm hai bên bờ cảng Victoria, đi đâu cũng thấy người với người. Nếu ai có thú bát phố ngắm người thì không giới thiệu nào tốt hơn xứ cảng thơm này. Ngoài một số chỗ “phải đi” như đỉnh Victoria để ngắm toàn cảnh thành phố, bảo tàng tượng sáp Madame Tussauds, tượng Phật lớn trên đỉnh Ngong Ping, trường đua ngựa Happy Valley hay công viên Disneyland…, muốn thấy Hồng Kông chân thực thì xuống phố lang thang.
Có thể bắt đầu lên chiếc thang cuốn từ khu Trung Hoàn (Central) nằm bên đảo Hồng Kông. Tổ hợp thang cuốn dài nhất thế giới có chiều dài hơn 800 m, chiều cao từ chân lên đỉnh thang là 135 m, khánh thành vào năm 1993. Vì đảo Hồng Kông dốc từ bờ cảng Victoria lên núi Thái Bình nên các khu dân cư bám vào các con đường xoáy ốc lên lưng chừng núi Thái Bình phát triển. Chiếc thang cuốn ra đời nhằm giải quyết nhu cầu đi lại bằng chân, bên cạnh các phương tiện khác như xe buýt, taxi. Một sáng kiến tuyệt vời.
Thang cuốn chỉ có một làn, từ 6 giờ sáng đến 10 giờ sáng là giờ thang cuốn xuống phục vụ nhu cầu đổ về trung tâm đi làm đi học. Từ 10 giờ sáng đến 12 giờ đêm, thang đổi chiều cuốn lên, làm nhẹ bớt những đôi chân leo dốc. Từ thang cuốn có thể ngắm sinh hoạt thường ngày của các quán ăn, tiệm làm tóc, làm móng. Dừng tại các chiếu nghỉ thang cuốn có thể thấy xe cộ phố xá tấp nập bên dưới. Thích thì từ thang cuốn có thể tách hẳn ra một góc dưới chân một chung cư nào đó, cách biệt với phố xá, hoàn toàn tĩnh lặng để hưởng cái thú tự kỷ: “Ờ, mà sao các cầu thang bộ nối các khu phố giống như trong phim TVB vậy”. Nó đấy chứ đâu!
Mỏi chân, có thể lên xe điện hai tầng leng keng nối Kennedy Town cực tây với Châu Khải Quan (Shau Kei Wan) cực đông đảo Hồng Kông, chạy qua những khu Thượng Hoàn (Sheung Wan), Trung Hoàn, Loan Tử, Vịnh đắp cao (Causeway Bay) có mật độ cao ốc thương mại và các khu mua sắm lớn hàng đầu thế giới.
Các tuyến xe điện này đã có 112 tuổi đời, chọn đúng tuyến từ Kennedy Town tới Châu Khải Quan dài 13 km chỉ mất 2,3 đô la Hồng Kông, nghĩa là 7.000 đồng tiền Việt, có thể hào hứng ngồi ngắm cảnh náo nhiệt phố phường trong 80 phút. Người ta nói đường chân trời của đảo Hồng Kông nếu từ bán đảo Cửu Long nhìn sang là đẹp nhất thế giới. Nhưng ngồi trên chiếc xe điện này ngắm đường chân trời ngay trong lòng phố xá cũng thật ngoạn mục. Ngay cả những tòa chung cư cũ cũng có sự duyên dáng riêng của nó, bên cạnh những cao ốc hiện đại mới xây dựng sau này.
Tuyến tàu sẽ dừng cho bạn xuống bất kỳ chỗ nào trên hàng chục điểm đỗ của nó, để xuống khu vườn hoa Chater Garden ngước nhìn tòa tháp Bank of China như lưỡi kiếm vươn lên trời. Để xuống khu quảng trường Statue Square trước mặt tòa nhà Ngân hàng HSBC, nơi họp cả ngày vào các Chủ nhật của các cô giúp việc hầu như trên toàn cõi Hồng Kông. Hay để xuống tổ hợp mua hàng hiệu giảm giá Lee Gardens ở khu Causeway Bay.
Nhưng dù là đâu thì hãy nhìn xuống chân người Hồng Kông, họ có một điểm giống nhau là không đi giày cao gót, cũng không đi dép lê, mà toàn giày đế bằng. Các cửa hiệu cao cấp cũng rất ít bán giày cao gót. Thảng hoặc trên phố bắt gặp có người đi giày gót cao chỉ 7 cm thôi thì cũng yên tâm đó là phụ nữ từ đại lục qua. Nói như Tăng, người chấp nhận cư trú dài hạn trong khu nhà dành cho khách du lịch ba lô, “người Hồng Kông sống trên đôi chân của mình”. Sống trên đôi chân mà mang giày cao gót, rõ ràng là không ổn chút nào.