Mạnh Tùng
Hội chợ quốc tế Đồ gỗ và Mỹ nghệ lần thứ 8 (Vifa Expo 2015) do Sở Công Thương phối hợp với Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) tổ chức đã ghi nhận sự xuất hiện của nhiều sản phẩm mới. Cùng với đó, đây là sự chuẩn bị rốt ráo của doanh nghiệp gỗ cho những cơ hội xuất khẩu ngành này trong năm 2015.
Đa dạng sản phẩm, mẫu mã
Diễn ra từ ngày 11 đến 14-3-2015, với 177 doanh nghiệp cùng 900 gian hàng tham gia trưng bày sản phẩm, trong đó, 82% doanh nghiệp Việt Nam và FDI, còn lại là doanh nghiệp nước ngoài đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ, Vifa Expo 2015 được xem là một trong những cơ hội xúc tiến thương mại lớn nhất trong năm của ngành gỗ.
Theo ghi nhận của Sài Gòn Tiếp Thị, trong hai ngày đầu của hội chợ, các doanh nghiệp gỗ tham gia trưng bày đã mang đến nhiều sản phẩm mới với mẫu mã đa dạng, nhằm tìm kiếm đối tác làm ăn lâu dài. Gian hàng của Công ty cổ phần Nội thất ATC (TPHCM) trưng bày sản phẩm bộ sofa mây nhựa ngoài trời gồm hai ghế đơn, một ghế đôi và một bàn, thu hút khá đông khách hàng tham quan. Trong khi đó, Công ty Rosa Planters (doanh nghiệp của Tây Ban Nha có nhà máy ở Bình Dương) trưng bày 10 mẫu sản phẩm bàn ghế ngoài trời làm từ xi măng nhẹ với thiết kế lạ mắt, tự nhiên. Còn với công ty của Nhật Bản là Sato Sangyo (nhà máy cũng ở Bình Dương) thì mang đến hội chợ các sản phẩm nội thất gia đình làm từ chất liệu gỗ ép MDF với ưu điểm nhẹ, bền và giá thấp. Tuy nhiên, sản phẩm của Sato Sangyo chủ yếu được xuất khẩu và chưa bán tại thị trường trong nước.
Bên cạnh các doanh nghiệp trưng bày sản phẩm gỗ, nhiều doanh nghiệp phụ trợ ngành gỗ cũng tranh thủ tiếp thị sản phẩm của mình. Chẳng hạn, Công ty TNHH Nanochem (100% vốn Việt Nam, nhà máy tại Bình Dương) trưng bày sản phẩm sơn nước tĩnh điện, khi sử dụng không cần dung môi, có khả năng chống thấm, thân thiện với môi trường. Trong khi đó, Công ty TNHH Liên doanh Cung Việt (Bình Dương) lại giới thiệu công nghệ uốn cong gỗ solid độc đáo, hữu ích trong những công đoạn khó khi sản xuất đồ nội thất.
Ngoài ra, các doanh nghiệp ngành mỹ nghệ tuy chiếm một lượng nhỏ gian hàng tại hội chợ nhưng cũng đã thu hút được nhiều khách hàng quan tâm vì tính độc đáo, mới lạ của các sản phẩm. Đến từ Đồng Nai, doanh nghiệp tư nhân gỗ mỹ nghệ Thành Nhân trưng bày các sản phẩm máy bay, xe tăng, mô tô, tàu thuyền làm bằng gỗ được chế tác tỉ mỉ, mẫu mã đẹp, với giá bán từ vài trăm ngàn đồng đến hàng triệu đồng mỗi sản phẩm. Theo đại diện doanh nghiệp này, các mặt hàng trên được sản xuất tại một làng nghề ở xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, chủ yếu để xuất khẩu.
Khá hoành tráng là Công ty cổ phần gỗ An Cường với quy mô 15 gian hàng trưng bày 100% các sản phẩm nội thất được làm từ gỗ công nghiệp. Tuy được sản xuất từ gỗ công nghiệp nhưng các sản phẩm của doanh nghiệp này đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã không thua gì các doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất từ gỗ tự nhiên.
Đón đầu thị trường xuất khẩu
Trong khuôn khổ Vifa Expo 2015, HAWA đã tổ chức hội thảo “Xuất khẩu sang thị trường Mỹ – Cơ hội và thách thức”. Tại hội thảo, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch thường trực HAWA, cho hay theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện còn hơn 3.600 doanh nghiệp chế biến gỗ hoạt động tại Việt Nam, trong đó có 420 doanh nghiệp FDI. Còn từ phân tích của HAWA theo số liệu của Hải quan, hiện có khoảng 1.500 doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu gỗ. Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2015 đạt 1,049 tỉ đô la Mỹ. Theo đại diện HAWA, trong bảy năm trở lại đây, giá trị xuất khẩu ngành gỗ tăng trưởng trung bình khoảng 15% mỗi năm nên nhiều khả năng năm 2015 con số này sẽ đạt khoảng 7,2 tỉ đô la Mỹ.
Ông Hạnh cho hay, phần lớn các thị trường xuất khẩu của Việt Nam đều tăng trưởng, đáng chú ý là thị trường Mỹ năm 2014 đạt 2,23 tỉ đô la Mỹ. Hiện Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ hai trong số các nước xuất khẩu sản phẩm gỗ vào thị trường này. Tuy nhiên, ông Hạnh đánh giá, dù tiềm năng xuất khẩu sang Mỹ của ngành gỗ rất lớn nhưng thị trường này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, nhất là trong vấn đề chống bán phá giá, kiểm định nguồn gốc nguyên liệu gỗ hợp pháp và những yêu cầu về chất lượng càng lúc càng khắt khe hơn.
Bên cạnh Mỹ thì Nhật Bản, EU và nhiều nước khác tại châu Á cũng là những thị trường rất tiềm năng của các doanh nghiệp gỗ trong nước. Theo ghi nhận của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị qua trao đổi với doanh nghiệp tại Vifa Expo, phần đông doanh nghiệp đang đẩy mạnh xuất khẩu và tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu mới. Ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long (Bình Dương) chuyên cung cấp đồ gỗ cao cấp xuất khẩu, cho biết hiện doanh nghiệp này đang khai thác cả thị trường các nước ở châu Á và khu vực Trung Đông. So với năm 2013, lượng xuất khẩu năm 2014 của doanh nghiệp này tăng 20%. Hiện tại, vì chưa có hệ thống phân phối trong nước nên Hiệp Long vẫn tiếp tục tập trung cho xuất khẩu.
Cũng nhắm đến thị trường xuất khẩu, Công ty cổ phần gỗ An Cường vừa đầu tư hàng chục triệu đô la Mỹ cho hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại và mở rộng nhà máy sản xuất với diện tích trên 70.000 m2. Tổng giám đốc Công ty An Cường, ông Lê Đức Nghĩa, cho biết năm 2014 doanh thu của công ty đạt 10 triệu đô la Mỹ và dự kiến năm nay con số này sẽ tăng khoảng 45%. “Hiện nay các đơn hàng xuất khẩu của An Cường đã đầy đến hết tháng 9 năm nay”, ông Nghĩa nói.
[box type="bio"] Phát động cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm cho TPHCM
Giải Hoa Sen là cuộc thi thiết kế quà tặng và trang trí mỹ nghệ được HAWA tổ chức hàng năm. Với giải Hoa Sen năm nay, HAWA phối hợp với Sở Du lịch TPHCM tổ chức thi thiết kế sản phẩm lưu niệm đặc trưng cho TPHCM, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm các sản phẩm lưu niệm của du khách trong và ngoài nước. Cuộc thi được phát động cho tất cả các đối tượng trong và ngoài nước, không giới hạn độ tuổi, quốc tịch, số lượng người tham gia, bắt đầu từ tháng 3 và kết thúc, trao giải vào tháng 9-2015.[/box]