Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024

Doanh nghiệp chưa muốn áp dụng

Lấy lý do nhu cầu thấp và đối tác chưa chấp nhận nâng giá mua, nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra vẫn chưa muốn áp dụng tỷ lệ mạ băng, hàm ẩm đối với cá tra phile xuất khẩu theo Nghị định 36 về sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra, vốn chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là có hiệu lực.

Quy định mới cần có lộ trình

Tại buổi làm việc vừa diễn ra ở Cần Thơ giữa các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra với Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VN Pangasius) về tỷ lệ mạ băng, hàm ẩm quy định trong Nghị định 36, nhiều doanh nghiệp cho biết họ chưa muốn kiểm soát tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm vì nhu cầu thị trường nhập khẩu còn ít và đối tác chưa chấp nhận nâng giá mua lên.

Ông Nguyễn Văn Ký, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish), cho rằng với quy định tỷ lệ mạ băng không vượt quá 10% và hàm ẩm không vượt 83% của Nghị định 36 thì khả năng thị trường nhập khẩu chấp nhận là rất thấp, bởi để làm ra sản phẩm đạt tỷ lệ này thì doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải chào giá cao hơn so với hiện tại.

Công nhân kiểm tra cá tra phile đã được mạ băng tại một nhà máy chế biến ở ĐBSCL.
Công nhân kiểm tra cá tra phile đã được mạ băng tại một nhà máy chế biến ở ĐBSCL.

Theo ông Ký, có tháng Agifish xuất khẩu 100 container cá tra phile, nhưng chỉ có hai container đạt tiêu chuẩn của Nghị định 36. Đối với thị trường Mỹ, lâu nay cá tra phile của Việt Nam đã định hình được mức giá bán bình quân 2,7 đô la Mỹ/kg với hàm ẩm xoay quanh mức 85%. Đây chính là sản phẩm phù hợp nhất đối với thị trường này.

Trong khi đó, ông Ngô Quang Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông, cho rằng nếu đề ra quy định tỷ lệ hàm ẩm 83% và bắt thị trường nhập khẩu phải theo một cách cứng nhắc thì sản phẩm sẽ không được chấp nhận. “Vì vậy, cùng lắm chúng tôi chỉ cầm cự được 1-2 tháng rồi phải đóng cửa”, ông nói.

Ông Trường đề xuất, việc áp dụng tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm theo quy định mới cần phải có lộ trình. Cụ thể, năm đầu tiên (2015) thử áp dụng đối với thị trường châu Âu và Mỹ với hàm ẩm ở mức 85%, đến cuối năm sẽ tổng kết lại, nếu thị trường chấp nhận thì năm tiếp theo hàm ẩm sẽ giảm về 84%.

Ông Võ Đông Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex), cho biết lâu nay công ty này vẫn bán sản phẩm vào các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu với hàm ẩm từ 83% trở xuống. Nhưng mỗi thị trường này chỉ chiếm khoảng 10% tổng sản lượng xuất khẩu của Caseamex.

Tuy nhiên, ông Võ Hùng Dũng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VN Pangasius, cho biết Nghị định 36 đã ban hành nên dù sớm hay muộn doanh nghiệp cũng phải thực hiện. “Chúng tôi sẽ tập hợp tất cả ý kiến của doanh nghiệp và trình lên Chính phủ để có hướng tháo gỡ kịp thời”, ông chia sẻ.

[box type="bio"] Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lũy kế giá trị xuất khẩu cá tra từ đầu năm 2014 đến ngày 15-10-2014 của các doanh nghiệp trong nước đạt trên 1,35 tỉ đô la Mỹ, tăng 0,2% so với cùng kỳ. Dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt khoảng 1,75 tỉ đô la Mỹ, tương đương năm 2013.[/box]

Giá cá tra có thể giảm mạnh

Theo báo cáo tổng hợp của VN Pangasius, sau khi giảm mạnh xuống mức giá 20.000-21.000 đồng/kg trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8, giá cá tra nguyên liệu đã dần tăng trở lại và đạt mức khoảng 23.000-24.000 đồng/kg kể từ tháng 10 đến những ngày đầu tháng 11-2014, cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 250-500 đồng/kg. Tuy vậy, theo nhận định của một số người trong cuộc, từ nay đến đầu năm 2015, cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL sẽ có đợt giảm giá mạnh do doanh nghiệp lúng túng trong việc ký hợp đồng xuất khẩu theo tiêu chuẩn tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm mới.

Ông Dũng cho biết tính đến hết ngày 8-11-2014 vẫn chưa có hợp đồng xuất khẩu theo tiêu chuẩn mới nào được doanh nghiệp ký kết trong số gần 290.000 tấn sản phẩm được doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu qua VN Pangasius.

Trên thực tế, theo ông Đức, chỉ còn chưa tới hai tháng nữa sẽ áp dụng tỷ lệ mạ băng, hàm ẩm mới theo Nghị định 36, nhưng không doanh nghiệp nào dám sản xuất sản phẩm với tỷ lệ như vậy. “Chưa có hợp đồng mới thì chắc chắn không ai dám sản xuất”, ông khẳng định.

Bên cạnh đó, một lý do khác có thể dẫn đến tình trạng giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh, theo ông Dũng, là tâm lý ồ ạt bán sản phẩm của nông dân bởi giá cá biến động và đầu năm mới thường là thời điểm cá tra giảm giá do thị trường nhập khẩu tạm ngưng mua.

Trung Chánh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối