Thứ năm, Tháng Một 16, 2025

Doanh nghiệp còn “né” công trình xanh

Cao Ban-

Số lượng công trình xanh tại Việt Nam còn khá khiêm tốn, chưa đến 100 công trình, trong khi trên thế giới có hơn 36.000 dự án thương mại và trên 38.000 dự án nhà ở đạt chuẩn xanh, theo Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC).

Phải tự “mò mẫm”

VGBC cho rằng con số này quá thấp so với hơn 2.100 dự án xanh tại Singapore, hơn 750 công trình tại Úc, và 500 công trình tại Đài Loan. Hiện nay tại TPHCM mới có một vài dự án được công nhận công trình xanh, chẳng hạn như Ehome 5, Diamond Lotus Riverside, The Ascent Thảo Điền. Ở phía Bắc có một số dự án như Ecohome của Capital House, Forest In The Sky.

Tại hội thảo “Phát triển công trình xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu tại Việt Nam” diễn ra cuối tuần rồi tại TPHCM, ông Nguyễn Bá Thành, Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết tính đến tháng 8-2017, trên địa bàn thành phố mới có bảy công trình đạt được chứng chỉ Công trình xanh (chứng chỉ LEED, EDGE, LOTUS). Trong đó, có ba chung cư, hai cao ốc văn phòng, một trường học và một công trình công nghiệp.

Ông Thành cho hay việc xây dựng công trình xanh đang gặp khó ngay cả đối với các công trình đầu tư bằng ngân sách nhà nước khi nhiều chủ đầu tư vẫn chưa áp dụng các biện pháp, công nghệ tiết kiệm năng lượng do chi phí đầu tư ban đầu cao. Việc sử dụng vật liệu xây dựng không nung gặp khó khăn về công nghệ, giải pháp, tiêu chí thi công và nghiệm thu công trình.

Trên thực tế, các công trình xanh mới chỉ được áp dụng tại các dự án cao cấp, nơi khách hàng sẵn sàng chi trả cao hơn. Tuy nhiên, phân khúc nhà giá thấp và trung bình mới là khu vực tốn nhiều năng lượng nhất, trong khi khả năng chi trả của người dân hạn chế hơn. Việc đầu tư công trình xanh đòi hỏi suất đầu tư cao hơn nên trong phân khúc nhà giá thấp, rất ít chủ đầu tư quan tâm tới vấn đề này.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc nghiên cứu và phát triển Capital House, cho rằng khó khăn lớn nhất khi làm công trình xanh là tư duy của cả chủ đầu tư và người mua nhà.

Ông Bách cho biết, nhiều chủ đầu tư vẫn nghĩ rằng công trình xanh là trồng nhiều cây, chi phí đầu tư cao hơn từ 10-30% so với công trình bình thường, việc áp dụng các quy chuẩn xây dựng phức tạp, khó thực hiện trong khi lợi nhuận không cao. Song song đó, người mua nhà chưa thấy được lợi ích, sự tiết kiệm của việc sống và làm việc trong công trình xanh. “Đây là rào cản lớn nhất trong việc phát triển các dự án xanh tại Việt Nam”, ông Bách nói.

Ngoài ra, một số công trình xanh đưa vào sử dụng có hiện tượng rạn, nứt khi sử dụng vật liệu xanh như gạch không nung do không nắm rõ và áp dụng đúng kỹ thuật thực hiện. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp e ngại và cư dân “nghi ngờ” về mức độ hiệu quả của công trình xanh.

“Cho đến thời điểm này, chưa có chính sách khuyến khích đầu tư công trình xanh, cũng chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng tương xứng với tiêu chí xanh phù hợp với điều kiện phát triển thực tiễn tại Việt Nam nên các chủ đầu tư phải tự mò mẫm thực hiện”, ông Bách nói.

Bà Vũ Thị Kim Thoa, Trưởng đoàn tư vấn Chương trình Năng lượng sạch USAID Việt Nam, giải thích rằng công trình xanh “phải xanh từ trong lõi ra, xanh từ móng xanh lên”. Nghĩa là công trình ấy phải được sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, từ gạch, kính, xi măng… sao cho tốn ít nhiên liệu nhất. Hệ thống kỹ thuật trong công trình phải giảm thiểu năng lượng sử dụng, và chính năng lượng ấy cũng phải xanh, sạch. Tuy nhiên, thị trường lại chưa có đầy đủ các nguyên liệu xanh, chi phí cho các nguyên liệu này cũng cao hơn nên công trình xanh khó đi vào thực tiễn,

 cong-trinh-xanhViệc đầu tư công trình xanh đòi hỏi suất đầu tư cao hơn nên trong phân khúc nhà giá thấp, rất ít chủ đầu tư quan tâm tới vấn đề này. Ảnh: Cao Ban

Tranh cãi mức phí phụ trội

Ông Bách của Capital House cho biết, trái ngược với suy nghĩ của nhiều chủ đầu tư, chi phí đầu tư tăng thêm đối với công trình xanh chỉ từ 1-5%. Trong khi, dự án xanh của Capital House bán rất tốt, thời gian hoàn vốn nhanh.

Tuy nhiên, một doanh nghiệp khác sau khi đã làm công trình xanh thì tiết lộ chi phí đầu tư ban đầu cho một công trình xanh cao hơn khoảng 10% so với công trình bình thường mặc dù khoản chênh lệch này sẽ bù đắp cho chi phí vận hành của toà nhà. Đây là khoản chi phí doanh nghiệp phải bỏ thêm, trong khi giá bán căn hộ không tăng.

Bà Đỗ Ngọc Diệp, chuyên gia công trình xanh của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), cho hay Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới (WBCSD) đã khảo sát tại 69 quốc gia về chi phí của công trình xanh. Hiệp hội này đưa ra con số 17% chênh lệch so với công trình bình thường.

Trong khi đó, theo khảo sát được thực hiện bởi Hiệp hội Công trình xanh Hoa Kỳ USBC thì mức phí phụ trội này chỉ chiếm 2% tổng chi phí xây dựng. Khảo sát ở một số công trình điển hình tại Malaysia cũng cho con số chi phí phụ trội không vượt quá 5%.

“Tình trạng ‘loạn’ thông tin về chi phí xây dựng của công trình xanh hiện tại làm chậm tiến trình phát triển công trình xanh tại Việt Nam”, bà Diệp nhận xét.

Theo bà Diệp, trong 10 năm trở lại đây, tăng trưởng xây dựng bình quân đạt 12% và tốc độ đô thị hoá đạt 3,4%/năm, dự kiến đạt ngưỡng 50% vào năm 2025. Cũng trong thời gian này, mức năng lượng tiêu thụ đã tăng với tốc độ nhanh hơn tăng GDP, bình quân 14%/năm. Trong đó, các công trình xây dựng tại Việt Nam đang sử dụng khoảng 36% tổng năng lượng tiêu thụ của cả nước, trung bình 33% điện và góp 25% vào tổng lượng phát thải khí nhà kính.

Bà Diệp cho hay, giá trị thị trường xây dựng được dự báo đạt mức 14 tỉ đô la Mỹ vào năm 2021. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế và xây dựng nhanh như vậy, Việt Nam sẽ còn chịu nhiều tổn thất về sinh thái và kinh tế hơn nữa nếu không gấp rút giải quyết vấn đề hiệu quả năng lượng công trình.

Bà Vũ Thị Kim Thoa của USAID cho biết, công trình xanh có thể tiết kiệm 50% tiêu thụ năng lượng so với thiết kế ban đầu mà không làm tăng chi phí. Chi phí bảo trì ít hơn 13%, lượng phát thải nhà kính ít hơn 26%... Điều này làm tăng giá trị tài sản khi công trình mang tính bền vững.

Trên cơ sở này, ông Nguyễn Bá Thành của Sở Xây dựng TPHCM cho biết, thành phố đang phối hợp với IFC tham mưu xây dựng cơ chế ưu đãi công trình xanh tại TPHCM như rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, ưu đãi về sử dụng đất, chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc.

Bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết bộ đang xây dựng tiêu chí đánh giá để làm cơ sở phát triển công trình xanh. Các nội dung của công trình xanh là kiến trúc xanh thích ứng với biến đổi khí hậu, lựa chọn quy mô hợp lý và tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng gió, năng lượng mặt trời hoặc sử dụng vật liệu thân thiện môi trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối