(SGTTO) - Chiều 7-8, hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch đã được Tổng cục Du lịch phối hợp các sở banh ngành liên quan tổ chức. Hội nghị tập trung bàn các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của lãnh đạo Tổng cục Du lịch, có sự tham dự của đại diện sở quản lý du lịch ở các địa phương, Cục Hàng không Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiệp hội du lịch các địa phương, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, các doanh nghiệp vận tải, hàng không.
Tại hội nghị, Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết ngành du lịch đang trên đà hồi phục với tín hiệu khá lạc quan sau ba tháng “đóng băng” vì dịch bệnh Covid-19, nay lại gặp vô vàn khó khăn khi đợt dịch lần 2 bùng phát. Tâm lý e ngại khiến nhiều khách du lịch hủy tour đến khu vực có dịch và cả khu vực chưa có dịch.
Bên cạnh một số khách đồng ý hoãn, điều chỉnh thời gian đi du lịch, nhiều khách hàng khi hủy tour yêu cầu hoàn lại tiền 100%. Đa số ý kiến các doanh nghiệp tại hội nghị mong muốn trong thời điểm hiện nay, khách hàng cần bình tĩnh, cảm thông để doanh nghiệp có thời gian tìm ra phương án tốt nhất bảo vệ quyền lợi khách hàng và giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp lữ hành mong muốn các đối tác hàng không, lưu trú, dịch vụ điểm đến điều chỉnh chính sách để có thể hoàn lại kinh phí (theo tỉ lệ hợp lý) hoặc gia hạn bảo lưu ít nhất một năm đối với các khoản đặt cọc vé máy bay, dịch vụ...
Về lĩnh vực hàng không, các hãng hàng không được đề nghị xem xét hoàn trả phí đặt vé máy bay cho du khách theo tỉ lệ hợp lý, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành giải quyết hoãn, hủy tour của khách. Về phần các doanh nghiệp du lịch sẽ tiếp tục tìm biện pháp chuyển đổi các chương trình tour du khách đã đặt sang các phiếu mua hàng, các tour linh hoạt.
Về giải pháp lâu dài, phía Tổng cục Du lịch cho rằng các địa phương, doanh nghiệp cần tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh, chủ động triển khai các hoạt động du lịch an toàn, đảm bảo an toàn cho khách du lịch, vừa chống dịch vừa thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, các đơn vị cần xúc tiến quảng bá du lịch an toàn theo hình thức mới, áp dụng công nghệ số, nghiên cứu sản phẩm du lịch an toàn, phù hợp với tình hình.
Thông qua hội nghị trực tuyến này, Tổng cục Du lịch sẽ tổng hợp kiến nghị của các doanh nghiệp lữ hành, hiệp hội du lịch để báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch.
Theo thống kê từ Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), đến nay đã có hàng chục ngàn khách du lịch hoãn, hủy tour. Chẳng hạn, tại Hà Nội, một số công ty lữ hành như Vietrantour có khoảng 3.500 khách hủy tour, thiệt hại khoảng 21 tỉ đồng. Công ty Flamingo Redtours có 9.000 khách hủy tour, thiệt hại khoảng 40 tỉ đồng. Tại TPHCM, có trên 35.000 chương trình du lịch của các doanh nghiệp du lịch lớn bị huỷ. Số lượng phòng bị hủy tại Đà Lạt lên đến 16.000 phòng và còn có khả năng tăng thêm. Dự kiến trong tháng 8-2020, tỉ lệ hủy phòng ở các địa phương sẽ lên hơn 90%.
Mỹ Xuân