Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Doanh nghiệp du lịch muốn thử nghiệm “hộ chiếu vắc-xin” với thị trường nội địa

(SGTT) - Nếu áp dụng “hộ chiếu vắc-xin”, Việt Nam sẽ có cơ hội sớm đón khách quốc tế, góp phần phục hồi du lịch nhanh hơn hoặc ít nhất là không bị tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Nhật Bản.
Hành khách đợi làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam. Ảnh minh họa: TTXVN

Đã giữa hè 2021 nhưng phần nhiều các công ty du lịch, khách sạn, du thuyền, thậm chí cả hàng không… trong nước vẫn đang “ngủ đông” và “mơ những cơn ác mộng”.

Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2021 đã có khoảng 100 doanh nghiệp du lịch hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế đã rút khỏi thị trường.

Cơn bão mang tên Covid-19 lần thứ 4 có lẽ là cú “nốc ao” khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch như nhiều nhà hàng, khách sạn, du thuyền, các cơ sở dịch vụ lưu trú… vốn đã điêu đứng, giờ chết hẳn.

Trong khi đó, Mỹ và các nước châu Âu năm ngoái và đầu năm nay bị lao đao bởi Covid-19 thì giờ đã dần mở cửa lại nhờ triển khai nhanh chương trình tiêm phòng vắc-xin nhằm đạt miễn dịch cộng đồng. Xem các sân vận động bóng đá của châu Âu đầy ắp khán giả trong mùa Euro 2020 (đá năm 2021) mà phát thèm!

Người dân Israel sử dụng chứng nhận tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Ảnh: nhandan.vn/The Local France

Việt Nam đã và đang chống dịch rất tốt. Tuy nhiên, chỉ có vắc-xin và miễn dịch cộng đồng mới giúp chúng ta trở lại. Cũng chính vì vậy, Chính phủ và cả xã hội đang chạy đua để có nguồn vắc-xin và phổ cập vắc-xin trong toàn dân.

Theo tôi, nhân sự ngành du lịch ở các vị trí tiếp xúc với khách hàng thường xuyên sẽ cần là đối tượng được ưu tiên tiêm vắc-xin Covid-19. Doanh nghiệp du lịch, tùy theo khả năng của mình cũng có thể tham gia đóng góp vào Quỹ vắc-xin của Chính phủ để được ưu tiên tiêm vắc-xin cho nhân sự doanh nghiệp mình. Từ đó tạo sự an toàn khi mở cửa đón khách.

Việt Nam kỳ vọng mở cửa đón khách quốc tế vào tháng 7 tới. Ảnh: thoibaotaichinhvietnam.vn

Vấn đề “hộ chiếu vắc-xin” hiện đã được một số nước châu Âu như Hi Lạp, Đan Mạch, Pháp… triển khai. Các nước châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc cũng đang bắt đầu tiến hành thử nghiệm. Dù còn nhiều băn khoăn nhưng theo tôi, chúng ta nên thử nghiệm “hộ chiếu vắc-xin” trước tiên đối với thị trường du lịch nội địa, cho du khách trong nước được miễn hoặc giảm các biện pháp cách ly, xét nghiệm… đối với người đã tiêm đủ số liều vắc-xin phòng Covid-19, nhất là người từ các vùng chưa phát hiện dịch bệnh nCoV hoặc đã qua thời gian theo quy định của Bộ Y tế công bố không phát sinh ca nhiễm mới.

Hiện nay, nhiều tỉnh thành chỉ mở cửa du lịch phục vụ những du khách nội tỉnh. Trong khi người ngoại tỉnh “kể cả có hộ chiếu vắc-xin” vẫn không được vào hoặc vẫn phải xét nghiệm phức tạp, bị cách ly… do chưa có quy định ưu tiên cho người mang “hộ chiếu vắc-xin”.

Cục Hàng không Việt Nam cũng có kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ cho phép triển khai áp dụng “hộ chiếu vắc-xin” đối với khách nhập cảnh. Ảnh minh họa

Vì thế, thử nghiệm “hộ chiếu vắc-xin” Covid-19 tại thị trường nội địa sẽ dễ thực hiện hơn và dễ điều chỉnh hơn nhiều. Từ thực tế triển khai ở thị trường du lịch nội địa nếu thành công sẽ triển khai “hộ chiếu vắc-xin” đối với thị trường quốc tế để sẵn sàng đón dòng khách có chọn lọc này từ các quốc gia tương đối an toàn.

Điểm đón tại Việt Nam cho khách quốc tế mang “hộ chiếu vắc-xin” có thể ban đầu là Phú Quốc vì tương đối biệt lập. Nếu thành công và an toàn sẽ mở rộng ra các điểm du lịch khác như Hội An, Cam Ranh...

Hình thức tour thử nghiệm đón khách quốc tế mang “hộ chiếu vắc-xin” có thể là tour golf, tour nghỉ dưỡng vì đáp ứng phù hợp với tính chất thoáng, ít tiếp xúc nhiều người nên giảm được nguy cơ lẫn nhiễm với cộng đồng.

Từ đó Việt Nam sẽ có cơ hội đón khách quốc tế, góp phần phục hồi du lịch nhanh hơn hoặc ít nhất là không bị tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Nhật Bản.

Nguyễn Tiến Đạt

CEO của AZA Travel kiêm CEO của Eurobeer

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối