TRUNG CHÁNH -
Trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh gạo trắng thông dụng gặp không ít khó khăn, một số doanh nghiệp đã rẽ hướng, tìm lối đi khác.
Hướng đến cám gạo
Ông Phạm Minh Thiện, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cỏ May Essential, cho biết hiện công ty đã bắt tay nghiên cứu việc sản xuất tinh dầu từ cám gạo. Đây là dự án nằm trong kế hoạch đầu tư giai đoạn sắp tới của Cỏ May Essential. Ông cho rằng dự án có được thuận lợi vì đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất nước, cung cấp hàng triệu tấn cám nguyên liệu mỗi năm.
Còn theo TS. Nguyễn Anh Thoại, cán bộ nghiên cứu khoa học của Cỏ May Essential, thành phần cám gạo chiếm khoảng 8% trọng lượng hạt lúa và hàm lượng dầu có trong cám ước chiếm khoảng 15%, trong đó chất Gamma Oryzanol (một chất chống ô xy hóa, giúp ngăn ngừa quá trình lão hóa) chiếm 2% và vitamin E chiếm 0,1-0,14%..., được sử dụng rất phổ biến trong các ngành công nghiệp thực phẩm và hóa mỹ phẩm.
Xét về giá trị kinh tế, cám gạo sau khi được chiết xuất lấy tinh dầu, bao gồm cả tận dụng xác cám, có thể cho doanh thu cao gấp 4-5 lần so với bán thô như hiện nay. Cụ thể, theo ước tính của ông Thiện, mỗi tấn cám thô hiện có giá ngoài thị trường khoảng 5,5 triệu đồng, nhưng sau khi chiết xuất lấy dầu có thể đạt doanh thu lên đến khoảng 27 triệu đồng.
Làm gạo “organic”
Trong khi đó, thời gian gần đây, có không ít doanh nghiệp đã đầu tư mạnh vào việc sản xuất gạo “organic” (gạo được sản xuất bằng phương thức canh tác hữu cơ, không sử dụng phân bón), cũng như một số loại gạo khác mà qua nghiên cứu thấy tốt cho sức khỏe người sử dụng.
Ông Võ Minh Khải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Sản xuất Viễn Phú, cho biết trong mười năm qua xu hướng tiêu dùng đã có sự thay đổi rất lớn, trong đó ngày càng chú trọng hơn đến vấn đề an toàn sức khỏe, tức ngoài việc cung cấp năng lượng thì thực phẩm đó phải hỗ trợ tốt cho sức khỏe. “Do đó, doanh nghiệp tôi phát triển gạo organic”, ông nói.
[box] Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bảy tháng đầu năm 2015, xuất khẩu gạo cả nước đạt hơn 3,7 triệu tấn, trị giá FOB đạt 1,59 tỉ đô la Mỹ, giảm 3,1% về khối lượng và 8,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.[/box]
Cũng theo ông Khải, đối với các loại gạo theo tiêu chuẩn GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) như GlobalGAP, EuroGAP hay VietGAP... thì trong quá trình canh tác vẫn có sử dụng phân bón hóa học nên chỉ nằm trong giới hạn đạt tiêu chuẩn an toàn chứ không đạt tiêu chuẩn sạch. “Riêng đối với tiêu chuẩn “organic” thì gạo được sản xuất trên nền tảng sinh thái”, ông cho biết.
Theo ông Khải, sau hơn bốn năm đầu tư, hiện nông trại Greenfarm của Viễn Phú mỗi năm sản xuất được khoảng 1.000 tấn gạo organic và được tiêu thụ khá tốt ở các thị trường như Anh, Nga, Singapore… “Chúng tôi đang đàm phán thêm một số thị trường khác nữa, và thật sự cũng chưa đáp ứng được hết nhu cầu của thị trường”, ông nói.
Còn tại Công ty TNHH ADC, trong bốn năm trở lại đây công ty này đã đầu tư mạnh vào việc sản xuất gạo đen, gạo an toàn và đặc sản. Lý giải nguyên nhân, ông Phan Quốc Hùng, Giám đốc marketing của ADC, nói rằng công ty tìm thêm hướng ra mới, bởi nếu đầu tư vào phân khúc gạo trắng thông dụng hoặc gạo thơm thì sẽ bị cạnh tranh với sở trường của Thái Lan, thậm chí với một số doanh nghiệp lớn ở trong nước.
Ngoài ra, theo ông Hùng, đi vào phân khúc này là nhằm đáp ứng nhu cầu từ ăn ngon chuyển sang ăn có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng – phân khúc thị trường đang có xu hướng tăng mạnh hiện nay.
Trên thực tế, kết quả phân tích gạo đen được ADC công bố, cho thấy thành phần canxi đạt 137,7 mg/kg, trong khi gạo trắng Jasmine 85 chỉ đạt 50,04 mg/kg; thành phần đồng đạt 3 mg/kg còn gạo trắng Jasmine 85 chỉ đạt 2,9 mg/kg; thành phần lipid của gạo đen là 3,28 mg/kg, còn của gạo trắng Jasmine là 0,9 mg/kg. Ngoài ra, các chỉ số phân tích khác như lysine, natri, kẽm, magiê, vitamin… của gạo đen đều cao hơn hẳn so với gạo trắng Jasmine 85.
Nói về hiệu quả kinh tế, ông Hùng của ADC không tiết lộ cụ thể, nhưng khẳng định: “Sản xuất gạo ở phân khúc này thoải mái (lợi nhuận) hơn rất nhiều so với các loại gạo trắng thông dụng đang có mặt trên thị trường hiện nay”.
Ngoài những loại sản phẩm nêu trên, hiện một số doanh nghiệp đã nghiên cứu và chuẩn bị đầu tư mạnh vào sản xuất những sản phẩm hỗ trợ cho sức khỏe con người thông qua tận dụng những nguồn nguyên liệu sẵn có trong nông nghiệp, chẳng hạn như sử dụng mè để sản xuất thuốc mè đen, ép lấy dầu hay bào chế thuốc từ gừng giúp tiêu đờm, chặn nôn, giúp tiêu hóa tốt…