Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

Doanh nghiệp gạo lo mất thị trường Trung Quốc

Trung Chánh

Thông tin Thái Lan đã ký kết Bản ghi nhớ với Trung Quốc để xuất khẩu hai triệu tấn gạo sang quốc gia này trong năm 2015 là tín hiệu gây bất lợi đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam, bởi đây là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong vài năm trở lại đây.

Đổi gạo lấy đường sắt

Theo trang thông tin chuyên nghiên cứu và phân tích thị trường lúa gạo thế giới oryza.com, bản ghi nhớ trên được ký ngày 19-12 vừa qua, trong khuôn khổ cuộc họp thượng đỉnh Tiểu vùng MeKong diễn ra tại Bangkok (Thái Lan).
Tại đây, hai nước cũng đã ký một bản ghi nhớ với nội dung sẽ giao cho Trung Quốc thực hiện xây dựng đường sắt cao tốc dài 867 km tại Thái Lan.

Cũng theo oryza.com, trước đó vào tháng 11-2014, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan đã đề cập đến việc nước này sẽ ký thỏa thuận liên chính phủ (G2G) với Trung Quốc để xuất khẩu hai triệu tấn gạo sang quốc gia này trong năm 2015.

Trong vài năm qua, Trung Quốc là thị trường lớn nhập khẩu gạo từ Việt Nam.
Trong vài năm qua, Trung Quốc là thị trường lớn nhập khẩu gạo từ Việt Nam.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị xung quanh vấn đề trên, ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia nghiên cứu và phân tích thị trường lúa gạo Việt Nam, tỏ ra hoài nghi về việc Thái Lan sẽ bán hai triệu tấn gạo cho Trung Quốc trong năm tới, bởi muốn bán gạo sang quốc gia này, Thái Lan phải chấp nhận hạ giá gạo xuống ngang bằng với mức giá của Việt Nam mới có thể tạo ra sự cạnh tranh.

Trong khi đó, thực tế dù Thái Lan đang nỗ lực giảm giá bán để giải phóng tồn kho gạo khổng lồ nhưng mức giá vẫn luôn cao hơn so với giá của Việt Nam. Hiện nay, gạo Thái Lan loại 5% tấm có mức giá khoảng 425-435 đô la Mỹ/tấn so với mức 385-395 đô la Mỹ/tấn của Việt Nam.

Một dẫn chứng khác được ông Bích nêu ra để minh chứng cho sự hoài nghi của mình, đó là trong năm 2013 cũng từng có thông tin Thái Lan và Trung Quốc đạt được thỏa thuận “đổi gạo lấy đường sắt”. Theo đó, Trung Quốc chấp nhận mua gạo của Thái Lan, đổi lại quốc gia này đồng ý để Trung Quốc thực hiện dự án đường sắt cao tốc. “Nhưng cuối cùng Thái Lan cũng có bán được tấn gạo nào sang Trung Quốc đâu”, ông Bích đặt vấn đề.

Tuy nhiên, ông Bích cũng lưu ý, giả sử Thái Lan và Trung Quốc thật sự đã đạt được thỏa thuận trên, thì đây sẽ đe dọa rất lớn đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm tới. Trong nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc luôn là nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 40% trên tổng lượng gạo xuất khẩu hàng năm của Việt Nam.

Trong khi đó, theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2015, Trung Quốc sẽ kiểm soát chặt hơn việc nhập khẩu gạo tiểu ngạch qua biên giới, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tiêu thụ gạo của Việt Nam và dự báo xuất khẩu sang quốc gia này trong năm tới sẽ sụt giảm mạnh hơn so với năm 2014.

Tiêu thụ nội địa trầm lắng

Trong khi tình hình lúa gạo xuất khẩu ghi nhận những dấu hiệu không thể gọi là vui thì diễn biến thị trường lúa, gạo nội địa những ngày cuối năm 2014 đầu năm 2015 tiếp tục trầm lắng, giao dịch mua bán rất chậm.

Ông Từ Bảo Duy, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Hứa Ngọc Lợi (Sóc Trăng), cho biết hiện gạo 5% tấm được ông giao cho các doanh nghiệp xuất khẩu tại Cần Thơ với giá 7.550 đồng/kg, ổn định so với mức giá của tuần rồi. Trong khi đó, gạo thành phẩm (gạo trắng) của giống lúa thơm nhẹ OM 4900 được các doanh nghiệp xuất khẩu mua vào với giá 9.000 đồng/kg, giảm nhẹ khoảng 100 đồng/kg so với mức giá của tuần rồi.

Dù giá gạo gần đây không biến động nhiều, nhưng theo ông Duy, sức tiêu thụ gạo vẫn ở mức rất thấp bởi nhu cầu thu mua của các doanh nghiệp xuất khẩu hầu như không có. “Tuy nhiên, giá lúa vẫn giữ ổn định ở mức khá cao, khoảng 5.300 đồng/kg đối với các giống lúa tươi hạt dài (OM), ẩm độ khoảng 18%”, ông cho biết.

Lý giải nguyên nhân khiến giá lúa vẫn giữ ở mức khá cao, theo một số doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo tại ĐBSCL, do hiện tại lượng lúa hàng hóa trên đồng gần như đã cạn. Trên thực tế, thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cũng cho biết hiện chỉ còn khoảng 100.000 ha lúa thu đông chưa thu hoạch.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối