Thứ năm, Tháng Một 23, 2025

Doanh nghiệp nhỏ thờ ơ dịch vụ đám mây

Vân Ly -

Thị trường cung cấp dịch vụ điện toán đám mây hiện đã có nhiều nhà cung ứng trong và ngoài nước tham gia. Tuy vậy, về phía người sử dụng, không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn thờ ơ với dịch vụ này, mặc dù đây là xu hướng điện toán của thế giới với các tiện ích như giúp tiết kiệm chi phí, gia tăng độ linh hoạt trong hoạt động quản lý, điều hành và kinh doanh.

Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký Hội Tin học TPHCM (HCA), cho biết việc tập trung dữ liệu thông qua dịch vụ điện toán đám mây là cách thức giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật-công nghệ trong nội bộ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn e ngại về tính an toàn của dịch vụ, nếu xảy ra sự cố bị tấn công hoặc đột nhập hệ thống thông tin, toàn bộ dữ liệu của họ sẽ bị kẻ xấu chiếm dụng.

Còn e ngại

dientoandammayĐiện toán đám mây lưu trữ và xử lý toàn bộ thông tin trong đám mây Internet. Mọi công nghệ, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng cũng như chi phí triển khai trong đám mây sẽ do nhà cung cấp xây dựng và duy trì.

Chị Phương Ánh, giám đốc một công ty du lịch tại Hà Nội, cho biết hơn một năm nay đã mua các gói phần mềm kế toán được cung cấp qua đám mây thay vì mua phần mềm để cài đặt cho hệ thống máy tính trong doanh nghiệp như trước nay. Sự tiện ích của phần mềm đám mây là khi các nhân viên kế toán đi công tác bên ngoài hoặc ở nhà cũng có thể truy cập vào phần mềm (qua hệ thống Internet) để xử lý công việc. Bên cạnh đó, phí dịch vụ được trả theo nhu cầu sử dụng, tương tự như cách sử dụng điện, nước, Internet, nên giúp công ty của chị tiết kiệm được một khoản không nhỏ so với việc trả phí bản quyền phần mềm theo từng năm trước đó.

Thế nhưng, số lượng các công ty nhỏ và vừa quan tâm đến dịch vụ điện toán đám mây như công ty của chị Phương Ánh không nhiều. Tại buổi lễ công bố Ngày hội Cloud 8 ở TPHCM vào tuần qua, ông Vũ Anh Tuấn nói rằng cuộc khảo sát nhanh về thực trạng và nhu cầu sử dụng dịch vụ điện toán đám mây của HCA cho thấy khoảng 20% số người tiêu dùng là cá nhân và doanh nghiệp chưa sử dụng dịch vụ này bao giờ. Bên cạnh đó, chỉ 38% số doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát cho biết quan tâm đến tính bảo mật, tiện ích… của các trung tâm điện toán đám mây và hạ tầng mạng.

Ở góc nhìn của một chuyên gia công nghệ, ông Trương Gia Bình, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, cho rằng cần phải có thời gian để người tiêu dùng hiểu về dịch vụ này. Khi người tiêu dùng cá nhân và doanh nghiệp có sự nhận biết về dịch vụ, đồng thời nhà cung cấp tạo cho khách hàng sự an tâm về chất lượng và tính bảo mật thì lượng người sử dụng sẽ tăng lên.

[box] Khác với mô hình điện toán truyền thống, điện toán đám mây lưu trữ và xử lý toàn bộ thông tin trong đám mây Internet. Mọi công nghệ, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng cũng như chi phí triển khai trong đám mây sẽ do nhà cung cấp xây dựng và duy trì. Do đó, thay vì phải đầu tư nhiều kinh phí cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT lúc ban đầu, các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sẽ chỉ phải trả số tiền vừa đủ theo nhu cầu sử dụng của mình.

Mô hình này được đánh giá có tính tiện ích như sử dụng hợp lý nguồn vốn, điều hòa chi tiêu theo thực tế sử dụng, tận dụng được sức mạnh của Internet và các siêu máy tính, giảm bớt trách nhiệm về quản lý hệ thống CNTT nội bộ.[/box]

Nhà cung cấp tìm cơ hội

Hiện tại, có khá nhiều nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây ở thị trường Việt Nam. Thay vì bán trực tiếp các sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT) như phần cứng, phần mềm, nội dung số… thì với mô hình điện toán đám mây, họ sẽ cung cấp sản phẩm dưới dạng cho thuê dịch vụ.

Trước đây, một doanh nghiệp phải tự đầu tư và vận hành một trung tâm dữ liệu với nhiều máy chủ (để lưu trữ dữ liệu cho việc vận hành hệ thống CNTT của doanh nghiệp), thì hiện nay có thể thuê và sử dụng toàn bộ dịch vụ trung tâm dữ liệu của các nhà cung ứng như VNPT, FPT, CMC. Một cách thức khác là doanh nghiệp gửi các máy chủ của mình đến các trung tâm dữ liệu của các nhà cung ứng chuyên nghiệp và trả phí cho việc lưu trữ, bảo quản, bảo trì, vận hành… Nhiều công ty phần mềm trong nước như Misa, Fast, Bkav… hiện cũng đã  cung cấp phần mềm dưới dạng điện toán đám mây để bắt kịp xu hướng đang diễn ra trên thế giới.

“Sân chơi” điện toán đám mây ở Việt Nam còn có sự góp mặt của không ít thương hiệu quốc tế như IBM, Google, Symantec, Oracle và Microsoft, tạo nên một sức ép không nhỏ cho các nhà cung ứng nội địa. Sự khó khăn của thị trường cũng dẫn đến những cuộc hợp tác giữa các công ty công nghệ trong và ngoài nước nhằm cùng nhau tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Internet Initiative Japan của Nhật Bản đã chọn FPT Telecom để cung cấp dịch vụ HI GIO Cloud tại Việt Nam từ tháng 4 vừa qua. Dịch vụ này cho phép khởi tạo máy chủ ảo, thiết lập tường lửa, cân bằng việc truyền tải dữ liệu trong hệ thống một cách nhanh chóng. Một máy chủ ảo có thể được khởi tạo trong vòng năm phút, thay vì mất khoảng 6-8 tuần cho việc đặt mua phần mềm và triển khai hệ thống máy chủ vật lý, giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư ban đầu cho hệ thống CNTT của mình 40-60%.

Trước đó, vào đầu năm nay, FPT đã ký kết biên bản hợp tác với Microsoft về triển khai công nghệ đám mây Office 365 của hãng nhằm phục vụ việc quản lý toàn bộ hệ thống và dữ liệu của khách hàng doanh nghiệp; đồng thời, triển khai One Drive for Business và Skype for Business để tối ưu hóa hiệu suất vận hành hệ thống CNTT của các doanh nghiệp.

Sau FPT, vào tháng 3 vừa qua, một công ty công nghệ trong nước khác là Digiworld đã trở thành nhà phân phối dịch vụ phần mềm điện toán đám mây cho doanh nghiệp thông qua việc hợp tác với Info Fabrica của Singapore. Digiworld sẽ phân phối các sản phẩm đám mây của Info Fabrica đến nhóm khách hàng doanh nghiệp, công ty cũng sẽ tư vấn các phương thức, xây dựng và triển khai các chiến lược, nhận diện các rủi ro và khiếm khuyết trong việc chuyển đổi các phần mềm ứng dụng hiện tại lên môi trường mới.

Trước mối lo ngại về bảo mật thông tin, các chuyên gia công nghệ cho rằng doanh nghiệp cần có sự khảo sát và nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi lựa chọn nhà cung ứng. Cần chọn những đơn vị có uy tín, có kinh nghiệm và yêu cầu nhà cung ứng chứng minh về năng lực bảo mật dữ liệu, đề phòng các cuộc tấn công mạng. Nếu cần thiết, có thể yêu cầu đơn vị tư vấn cung cấp thông tin về dịch vụ của nhiều nhà cung ứng khác nhau để lựa chọn một đơn vị có giải pháp tối ưu và phù hợp với nhu cầu của bản thân doanh nghiệp nhất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối