Thứ tư, Tháng mười một 27, 2024

Doanh nghiệp nhỏ với hoài không tới

Trung Chánh

Thông qua các giải pháp khoa học công nghệ mới, doanh nghiệp có thể cho ra những sản phẩm phù hợp hơn với yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Đây là hướng đi tất yếu mang tính quyết định đến sự sống còn của doanh nghiệp nhưng việc chọn giải pháp nào lại là điều không dễ.

Nghiên cứu quá lâu, mua cho nhanh

Phát biểu tại hội thảo “Giải pháp tăng hàm lượng đổi mới sáng tạo trong tái cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL” được tổ chức hồi giữa tuần này ở An Giang, ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng trong vài năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng GDP cả nước đã chậm hơn so với giai đoạn trước, chỉ đạt quanh mức 5-6%/năm. “Điều này chứng tỏ sự ì ạch của kinh tế và muốn phát triển tiếp, bắt buộc phải thay đổi”, ông Tạc nhận định.

Theo ông Tạc, sự gặp gỡ giữa các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và nhà quản lý sẽ là tiền đề thúc đẩy phát triển đổi mới, tạo ra sản phẩm ngày càng chất lượng hơn. Nếu các giải pháp khoa học công nghệ đáp ứng được một cách nhanh chóng, kịp thời cho yêu cầu đổi mới mà cụ thể là đổi mới sản phẩm của doanh nghiệp thì đây sẽ là lực đẩy đưa kinh tế phát triển mạnh mẽ trở lại.

Để dán nhãn sản phẩm, doanh nghiệp phải sử dụng công nhân thực hiện các thao tác thủ công.
Để dán nhãn sản phẩm, doanh nghiệp phải sử dụng công nhân thực hiện các thao tác thủ công.

Tuy nhiên, với thực tế của nền khoa học công nghệ còn tương đối lạc hậu so với các nước, việc nghiên cứu cho ra đời một giải pháp công nghệ mới phải mất một khoản thời gian rất dài. Nói về điều này, bà Trương Thị Cẩm Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long (Bến Tre), cho biết sau hơn 10 năm nghiên cứu về quy trình lên men nước dừa, thiết kế mẫu mã, đóng gói... tốn kém không ít thời gian và tiền bạc thì sản phẩm mặt nạ dừa mới chính thức được sản xuất thành công và bán ra thị trường vào năm 2012.

Tương tự, theo một đại diện của Tập đoàn Sao Mai An Giang, đơn vị này phải mất đến bảy năm để nghiên cứu, tìm kiếm công nghệ sản xuất dầu cá từ mỡ cá tra. Nhưng rồi đến năm 2010, Sao Mai An Giang phải quyết định ký hợp đồng trị giá 15 triệu đô la Mỹ với Tập đoàn Desmet Balesstra (Bỉ) để nhập khẩu máy móc và thiết bị công nghệ của họ phục vụ cho việc sản xuất và đưa sản phẩm dầu cá ra thị trường như ngày hôm nay. Việc Sao Mai An Giang đã chuyển từ nghiên cứu sang nhập hoàn toàn công nghệ của nước ngoài được lý giải một cách đơn giản là để phục vụ cho việc sản xuất một cách kịp thời, nhanh chóng.

Rất cần nhưng... khó lắm!

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị về câu chuyện như của Sao Mai An Giang, ông Nguyễn Thanh Minh, trợ lý tổng giám đốc Công ty Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery), cho rằng dù mỗi doanh nghiệp có một đặc thù riêng nhưng nếu phải bỏ ra một khoản thời gian quá lâu để có được công nghệ mới phục vụ phát triển sản phẩm của mình, trong khi ở các nước tiên tiến đã có thì tất nhiên sẽ chọn mua dây chuyền máy móc, thiết bị của nước ngoài sử dụng ngay.

Bà Lê Hà Mộng Ngọc, Giám đốc Công ty Công nghệ sinh học Nấm Việt (TPHCM), cho biết do nhu cầu mở rộng xuất khẩu nấm mèo sấy sang một số thị trường lớn nên một công nghệ sấy mới đạt tiêu chuẩn luôn là niềm trăn trở của bà. Tuy nhiên, ngay cả ông Trương Xuân Quả (An Giang) – người được mệnh danh là “vua lò sấy Năm Nhã” – một đơn vị chuyên cung cấp thiết bị sấy trong và ngoài nước – cũng chỉ có thể nói: “Chúng tôi có thể đáp ứng, nhưng phải có thời gian nghiên cứu”.

Tương tự, vốn là một đơn vị chuyên sản xuất chả hoa, phải sử dụng hàng chục ngàn trứng vịt muối mỗi ngày, ông Nguyễn Trường Chinh, Giám đốc doanh nghiệp chả hoa Năm Thụy (Trà Vinh), luôn mong muốn có một dây chuyền tách và loại bỏ lòng trắng trứng vịt muối vì đặc thù sản xuất loại sản phẩm này của đơn vị là chỉ sử dụng lòng đỏ. Tuy nhiên, trong câu chuyện này, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), nói: “Dù đã nhiều lần anh Chinh trăn trở, đề xuất chúng tôi hỗ trợ việc này, nhưng thú thật đến nay tôi vẫn còn nợ”.

Không chỉ cần dây chuyền máy móc sấy nấm mèo, tách lòng trắng trứng vịt muối, mà doanh nghiệp còn cần cả dây chuyền tách vỏ hạt sen... Thế nhưng, theo một số nhà khoa học, việc nghiên cứu, thiết kế công nghệ chỉ để phục vụ cho một vài trường hợp cá biệt cũng là một lực cản khiến họ “ngại” nghiên cứu vì tốn thời gian, kinh phí, trong khi khả năng thương mại lại thấp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối