Vantaa Energy, một trong những công ty năng lượng lớn tại Phần Lan, muốn đầu tư một dự án đốt rác thành điện có vốn 200-300 triệu euro tại tỉnh Quảng Nam.
Thông tin này được ông Lê Quốc Việt, một doanh nhân tại Quảng Nam, cũng là người kết nối Vantaa Energy với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, chia sẻ với TBKTSG Online.
Theo ông Việt, Vantaa Energy sẽ đầu tư một dự án tương tự mà công ty đã thực hiện tại Phần Lan và đã đi vào hoạt động từ năm 2014. Vantaa Energy mong muốn tìm đối tác Việt Nam để có thể hợp tác, triển khai dự án.
“Tôi đang hỗ trợ cho công ty Phần Lan này làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam”, ông Việt nói và cho biết thêm ông cũng đang tìm kiếm vài doanh nghiệp lớn trong nước để có thể hợp tác triển khai dự án này, với mong muốn góp phần giải quyết vấn đề rác thải tại Quảng Nam.
Theo tìm hiểu, nhà máy chuyển chất thải thành năng lượng của Vantaa Energy mỗi năm đốt 374.000 tấn chất thải không thể tái sử dụng, được thu gom ở hai vùng Helsinki và Rosk’n Roll Oy (Phần Lan). Ngoài ra, nhà máy cũng đáp ứng khoảng 30% nhu cầu điện hàng năm của thành phố Vantaa (một trong các thành phố lớn của Phần Lan).
Nhà máy đã giảm 40% việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch của toàn công ty và giảm 30% lượng khí thải carbon ở thành phố Vantaa.
Theo công ty, chất thải được đốt bằng công nghệ nung ghi (grate firing technology - công nghệ đốt chất thải được sử dụng rộng rãi trên thế giới), sử dụng khí tự nhiên làm nhiên liệu.
Được biết, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trung bình tính vào thời điểm năm 2019 tại Quảng Nam là gần 1.000 tấn/ngày đêm, theo Đề án quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được UBND tỉnh phê duyệt.
Rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chủ yếu được xử lý bằng hình thức chôn lấp tập trung tại ba bãi chôn lấp xử lý liên huyện.
Theo đề án, hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp quảng bá tràn lan về công nghệ, thiết bị, khó kiểm soát về chất lượng và khả năng đáp ứng phù hợp với thực tế của tỉnh. Hầu hết công nghệ xử lý chất thải rắn nhập khẩu không phù hợp với thực tế chất thải rắn tại Việt Nam (chưa được phân loại tại nguồn, nhiệt trị của chất thải rắn sinh hoạt thấp, độ ẩm của không khí cao,...), trong khi đó các thiết bị, công nghệ xử lý chất thải rắn chế tạo trong nước chưa hoàn thiện, hay gặp sự cố (như lò đốt rác thải của thành phố Hội An).
Việc đầu tư khu xử lý chất thải rắn có công nghệ tiên tiến hiện đại (như đốt rác phát điện) thì đòi hỏi chi phí đầu tư, vận hành xử lý rất cao. Đã có rất nhiều đơn vị đến làm việc và đề xuất dự án nhưng vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư nào phù hợp vì công nghệ chưa được công nhận, giá thành yêu cầu quá cao, chưa thực hiện tại các tỉnh, thành khác, yêu cầu công suất xử lý phải lớn (hơn 300 tấn/ngày tương đương quy mô từ xử lý cho 4-5 huyện).
Nhân Tâm
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online