Trung Chánh
Trước sức ép cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp lớn của nước ngoài, cộng với việc Việt Nam đang từng bước mở cửa thị trường, các doanh nghiệp tại ĐBSCL đã ngồi lại với nhau để tìm cách ứng phó.
Từ những vụ thâu tóm
Hàng ngàn mặt hàng nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á sẽ có thuế suất 0% kể từ đầu năm 2015 theo cam kết của Việt Nam khi thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2015-2018. Điều này có nghĩa hàng hóa nhập khẩu sẽ có giá rẻ hơn, cạnh tranh hơn.
Để tận dụng cơ hội, nhiều tên tuổi lớn của nước ngoài đã và đang tìm cơ hội tham gia vào thị trường có khoảng 90 triệu dân này. Theo thông tin từ tờ Jakarta Post, Công ty thực phẩm PT. Tiga Pilar Sejahtera (AISA) của Indonesia lên kế hoạch chi 40 triệu đô la Mỹ để mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong năm nay. AISA không tiết lộ danh tính của công ty sẽ mua lại mà chỉ đánh tiếng đó là một hãng sản xuất bánh quy.
Trước đó, tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan đã tham gia vào chuỗi cửa hàng tiện lợi FamilyMart của Phú Thái (Việt Nam) và quyết định đổi tên thành B’smart. Không dừng lại ở đó, hồi tháng 8 năm ngoái, BJC đã đạt được những bước tiến quan trọng trong đàm phán mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam với giá tương đương 879 triệu đô la Mỹ. Tại thời điểm đó, Metro Cash & Carry Việt Nam đã công bố mảng bán sỉ hàng hóa tại Việt Nam sẽ được chuyển giao cho BJC của Thái Lan. Thế nhưng, thương vụ này không suôn sẻ khi ngày 8-1-2015 vừa qua, cổ đông của BJC đã bỏ phiếu bác bỏ giao dịch với giá 879 triệu đô la Mỹ do lo ngại rủi ro về tài chính và kiện tụng.
Mặc dù thương vụ trên chưa thành, nhưng rõ ràng Việt Nam đang là thị trường được ưu tiên của nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong khu vực. Bằng chứng là mới đây nhất, Power Buy thuộc tập đoàn Central Group của Thái Lan đã mua lại 49% cổ phần của chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim.
Với lợi thế là các chuỗi cửa hàng phân phối rộng khắp cả nước, cộng với sản phẩm nhập khẩu có chất lượng cao, nhất là được sự hậu thuẫn của thuế suất nhập khẩu, các nhà đầu tư nước ngoài đang có lợi thế hơn trong cuộc cạnh tranh tìm khách hàng. Điều này đang khiến nhiều doanh nghiệp trong nước lo lắng.
Xu hướng liên kết
Tại hội nghị bàn về kế hoạch hợp tác giữa doanh nghiệp được tổ chức tại tỉnh Bến Tre tuần rồi, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết những thương vụ mua bán, sáp nhập gần đây sẽ là mối đe dọa lớn cho doanh nghiệp trong nước, nhất là khi có thông tin cho rằng khoảng 52% doanh nghiệp Thái Lan muốn đổ tiền đầu tư vào Việt Nam vì thị trường Thái đã bão hòa. Chính vì vậy, việc chuẩn bị một kế hoạch ứng phó là hết sức cần thiết. “Doanh nghiệp phải có kế hoạch chuẩn bị ngay, nếu không nguy cơ bị thua ngay trên sân nhà là rất lớn”, bà Hạnh phát biểu.
Ông Võ Thành Hạo, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết đa số doanh nghiệp của Bến Tre nói riêng và của ĐBSCL nói chung có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu khi gia nhập sân chơi chung ASEAN. Do vậy, việc hợp tác, liên kết để chất lượng sản phẩm được nâng lên là cần thiết, và đây sẽ là điều quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp. “Bây giờ, doanh nghiệp làm ăn lẻ còn không đủ sức cạnh tranh ở trong nước, nói chi bơi ra biển lớn”, ông Hạo thừa nhận.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị bên lề hội nghị, một số doanh nghiệp cùng nhận định, việc liên kết để hình thành một lực lượng có năng lực thật sự để cùng nhau xúc tiến thương mại để tăng khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp các nước khác là việc phải làm.
Ông Đàm Văn Hưng, Giám đốc doanh nghiệp Hương Miền Tây (Bến Tre), cho biết bên cạnh gia tăng xúc tiến, đưa hàng Việt Nam chất lượng cao về nông thôn, việc hình thành lực lượng doanh nghiệp dẫn đầu là hết sức cần thiết. “Đây là lực lượng có ưu thế về cơ sở hạ tầng, có hệ thống phân phối hiện đại và có tầm ảnh hưởng lớn, nên khả năng cạnh tranh được với đối thủ là các doanh nghiệp lớn của nước ngoài đã, đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam cũng tốt hơn”, ông Hưng nhận định.