Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Doanh nghiệp và người lao động: Lợi ích song hành

CHÍNH PHONG -

Việt Nam đã ký 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với 55 nước và đang xúc tiến ký tiếp các hiệp định khác. Hội nhập sâu mang đến cho Việt Nam không ít cơ hội nhưng cũng đầy thách thức...

Trong số các hiệp định đã ký thì TPP và FTA với EU là khó nhất. Ngay cả phía EU cũng có nhận xét này khi ông Gustav Dahlin, Bí thư Đại sứ quán Thụy Điển nói trong một hội thảo: “FTA với Việt Nam là FTA phức tạp nhất mà EU ký với một nước đang phát triển. FTA này tiến bộ hơn FTA ký với Singapore và sẽ là hình mẫu cho các FTA về sau với các nước Đông Nam Á khác”.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

IMG_3626Năng suất lao động cao góp phần tạo hiệu quả cạnh tranh tốt. Ảnh: T.Thu

Khi Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, GDP của Việt Nam ước tính có thể tăng thêm 15%, giá trị xuất khẩu sang EU có thể tăng 35%. Cơ hội đến nhiều với các doanh nghiệp xuất khẩu nhưng họ sẽ bỏ lỡ nếu không tuân thủ luật chơi khắt khe từ những người châu Âu, không chỉ về chất lượng hàng hóa mà cả về cách thức sản xuất.

“Chúng ta cần đảm bảo rằng không thể đánh đổi gia tăng thương mại bằng những hậu quả về tác động môi trường hoặc vi phạm quyền của người lao động. Người tiêu dùng ngày càng ý thức rõ hơn về việc cách mà các sản phẩm họ mua được sản xuất trong điều kiện môi trường và lao động như thế nào. Nhận thức cao của người tiêu dùng sẽ tạo ra áp lực đối với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng”, bà Camilla Mellander, Đại sứ Thụy Điển cảnh báo trong hội thảo với chủ đề “Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam: Nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc cải thiện quan hệ lao động” tổ chức tại TPHCM ngày 12-4 vừa qua.

Như vậy có nghĩa là dù một doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng nhưng nếu sa thải nhân công bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, sử dụng lao động trẻ em… thì hàng hóa của họ không xuất khẩu sang EU được. Điều này đã được thể hiện qua khái niệm “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” (Corporate Social Responsibility – CSR). Theo Hội đồng thương mại thế giới về phát triển bền vững (WBCSD) thì “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là sự cam kết liên tục của doanh nghiệp thông qua hoạt động kinh doanh bằng cách cư xử có đạo đức và đóng góp vào sự phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống của lực lượng lao động và gia đình họ cũng như cộng đồng địa phương và toàn xã hội”.

Với các doanh nghiệp Việt Nam, CSR vẫn còn là khái niệm khá mới nên họ đang gặp khó khăn trong việc triển khai và tuân thủ.

CSR không phải là gánh nặng

Ngành may mặc là ngành cần đi đầu trong việc tuân thủ CSR. Thứ nhất, vì đây là ngành xuất khẩu mũi nhọn, thiếu tuân thủ sẽ mất bạn hàng. Thứ hai, chính ngành này cũng còn nhiều tiêu cực trong việc đối xử với người lao động, tỷ lệ công nhân nghỉ việc cao nhất, tỷ lệ đình công chiếm đến trên 70% số vụ đình công ở Việt Nam, theo số liệu từ chương trình Better Work Việt Nam.

Better Work là chương trình hợp tác đặc biệt giữa Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Công ty Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới hiện hoạt động tại tám nước, trong đó có Việt Nam. Better Work tư vấn, đào tạo và đánh giá về tuân thủ các tiêu chuẩn lao động cho 373 nhà máy may mặc tại Việt Nam theo các tiêu chuẩn quốc gia (hợp đồng, thời gian làm việc, lương và phúc lợi, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp) và quốc tế (phân biệt đối xử, lạm dụng lao động trẻ em, cưỡng bức lao động, tự do hiệp hội và thương lượng tập thể).

Bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc chương trình Better Work tại Việt Nam, cho biết chương trình không chỉ giúp cải thiện cuộc sống của công nhân mà còn tác động tốt đến sự tăng trưởng của doanh nghiệp. 62% doanh nghiệp sau khi tham gia chương trình đào tạo, tư vấn, đánh giá của Better Work cho biết năng suất tăng, 65% cho biết tổng doanh thu tăng, 75% cho biết số lượng đặt hàng từ những khách hàng chính tăng. Từ kết quả làm việc của Better Work, rõ ràng trách nhiệm xã hội không phải là gánh nặng với doanh nghiệp, lo cho người lao động là lo cho sự phát triển bền vững của chính doanh nghiệp.

Chu trình ngược, hiệu quả cao

Các nhà quản trị thường quan niệm rằng một nhà máy với các công nhân hạnh phúc sẽ tạo ra năng suất lao động cao. Ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại May Sài Gòn, cho biết công ty của ông đang thành công trong việc áp dụng chu trình ngược lại.

Theo ông Giang, trong thời buổi cạnh tranh gay gắt hiện nay, tốc độ thực hiện đơn hàng là điều quan trọng nhất, đặc biệt là với ngành hàng dễ biến đổi thị hiếu như may mặc. Ông giả sử, nếu lô hàng cho Giáng sinh mà không lên kệ các siêu thị kịp thời gian thì nhãn hàng khác sẽ nhảy vào chiếm chỗ. Sau đó thì không ai đặt hàng cho mình sản xuất nữa. Muốn vậy thì phải có năng suất lao động cao, việc này sẽ tạo ra hiệu quả cạnh tranh. Khi có hiệu quả cạnh tranh thì công ty sẽ chào được giá tốt nhất với khách hàng, công ty sẽ có công việc thường xuyên hơn và có tiền để trả lương, phúc lợi cao cho công nhân; từ đó làm công nhân hạnh phúc và công ty sẽ tiếp tục phát triển bền vững. “Do đó, tất cả những gì May Sài Gòn đang làm, từ đổi mới sáng tạo dây chuyền, liên tục đào tạo nâng cao kiến thức cho người quản lý, tạo ra môi trường làm việc an toàn, tăng phúc lợi cho người lao động… đều để phục vụ cho việc tăng năng suất lao động”, ông Giang cho biết. Rõ ràng, năng suất lao động của người lao động Việt Nam thấp nhất khu vực, việc này là lỗi của các nhà quản trị chứ không phải lỗi của người lao động.

May Sài Gòn cho cán bộ quản trị học rất nhiều khóa về quản trị nhân lực như Sơ đồ Ishikawa, Tháp nhu cầu Maslow, Quản lý theo tình huống, Thuyết bốn động lực… nhưng theo ông Giang, cách tốt nhất với một doanh nghiệp là tạo ra cơ chế đối tác win-win với người lao động, luôn lắng nghe và đối thoại với người lao động để giải quyết vấn đề.

Bà Nguyễn Hồng Hà cũng lưu ý ba điểm chính trong việc tuân thủ CSR của các doanh nghiệp: chủ động tìm hiểu các luật lao động quốc tế, tăng cường đối thoại với người lao động, liên kết và chia sẻ bài học kinh nghiệm với các doanh nghiệp khác để tạo ra sức mạnh chung.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối