Ngày 24/11 vừa qua, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Câu lạc bộ Saigon Times cùng sự hỗ trợ của Công ty Cổ phần Vinamit đã tổ chức buổi tọa đàm “Vượt qua stress theo quan niệm Đông y và Tây y”, với thành phần tham dự chủ yếu là các doanh nhân.
Bác sĩ Lê Hùng, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Y học Dân tộc TPHCM, đã vạch ra cho những người chủ doanh nghiệp thấy rõ diện mạo của stress và làm sao để giải thoát khỏi hệ quả xấu của nó. Các doanh nhân tham dự cũng đóng góp những ý kiến và trải nghiệm trên nhiều góc độ phong phú.
Căn bệnh bị coi nhẹ
Sau gần 40 năm khám và chữa bệnh, BS. Lê Hùng đã gặp nhiều doanh nhân, những người chủ doanh nghiệp luôn đối mặt với stress (căng thẳng, mệt mỏi). Nhiều khi tình trạng xấu vượt quá sức chịu đựng nhưng họ luôn trốn tránh và không thừa nhận mình bị stress. Đến khi tìm đến bác sĩ thì nhiều người đã ở bờ vực của sự sụp đổ tinh thần.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, vào năm 2017, tại Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến liên quan tới stress. Trong số này có đến 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Trong giới doanh nhân, nhiều người mặc dù mệt mỏi, căng thẳng, mất ngủ kéo dài… nhưng khi gặp gỡ bạn bè, đối tác, người quen đều thể hiện mình rất khỏe. Nói cách khác, nhiều người chọn… chạy trốn stress, không chấp nhận sự thật rằng mình đang bị ngày càng lún sâu vào bệnh tật.
BS. Lê Hùng cho biết nhiều người nghĩ mình chỉ bị mỏi mệt cơ thể, không phải mắc bệnh liên quan tới stress nên không quá quan trọng, không đáng quan tâm. Nhiều người còn lo ngại nếu mình bị bệnh sẽ ảnh hưởng tới các mối quan hệ xã hội xung quanh. Vì vậy, họ chọn cách giấu bệnh, không đi khám chữa, dẫn tới tỷ lệ đi khám các bệnh stress rất thấp.
Stress - tốt và xấu
Stress là tác nhân gây sự căng thẳng về thể xác và tinh thần, bao gồm tất cả các áp lực về cuộc sống. Stress có hai mặt, tốt và xấu, tùy thuộc vào mức độ của tình trạng căng thẳng.
Stress tốt có nghĩa là khi cơ thể khỏe mạnh, tinh thần lạc quan, người mắc stress chỉ xem stress như một chướng ngại vật cản trở trong một thời gian ngắn, cơ thể chống đỡ được và là thử thách cần phải vượt qua. Như vậy, stress là động lực để phấn đấu, để thử sức. BS. Lê Hùng cho rằng stress là một hiện tượng luôn đồng hành và tác động đến chúng ta hàng ngày, buộc cá nhân và tập thể phải thích nghi, chống đỡ, vượt qua stress để tìm đến thành công.
Ngược lại, khi stress đến một cách dữ dội và cơ thể yếu đuối, không thể chống đỡ lại được, stress sẽ gây ra tình trạng bệnh tật, suy kiệt, trầm cảm, dẫn đến ý nghĩ và hành động tự hại, tự tử.
Khi bị stress, vùng dưới đồi não và tuyến thượng thận tiết ra hóc môn để giải phóng năng lượng của cơ thể và chuẩn bị cho một tình huống "chiến đấu hay trốn chạy". Lúc đó, tim đập nhanh, phổi thở nhanh nông bằng ngực, mắt mở to hơn, đồng tử mở rộng hơn, tuyến lệ bị ức chế, tập trung vào đối tượng gây stress, toát mồ hôi, tăng cung lượng tim, máu dồn lên não, ăn không ngon, ngủ không yên.
Có nhiều nguyên nhân gây ra stress, từ môi trường sống cho đến các vấn đề tình cảm và cuộc sống cá nhân. Biểu hiện của stress là những rối loạn về hành vi, cảm xúc. Người bị stress thường hay khó chịu, bực bội, lo lắng, bứt rứt, căng thẳng, dễ tức giận, buồn bã, hay khóc vô cớ. Nửa đêm thức dậy tim đập hồi hộp, bứt rứt khó ngủ, đắng họng, miệng khô, chán nản, thờ ơ trước các cuộc vui, có khuynh hướng thu mình lại, không muốn tiếp xúc nhiều người. Ngoài ra, người bị stress cũng không tập trung công việc, vội vàng, hấp tấp, luôn chỉ trích người khác, hay quên, ăn quá nhiều, và đặc biệt có ý định muốn chết thoáng qua.
Stress gây đau đầu, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, quặn bụng, đi cầu nhiều lần, ra nhiều mồ hôi, hoa mắt chóng mặt, suy nhược cơ quan sinh dục, rối loạn cương ảo, xuất tinh sớm. Nếu bệnh nhân không hòa giải được bệnh tật sẽ bị trầm cảm, lâu dần sẽ mất trí nhớ, nhiều người bị chứng ngưng thở, ngáy to… Nhiều người bị mãn dục, mãn kinh, lão hóa sớm. Số bệnh nhân còn mắc bệnh tuyến giáp như suy giáp, cường giáp, ung thư tuyến giáp, vô sinh. Cao hơn, stress có thể gây đột biến tế bào và gây ra bệnh ung thư.
Học cách buông bỏ
Để vượt qua stress, BS. Lê Hùng nhấn mạnh hai quan điểm “sống chậm” và “biết đủ là đủ” để an vui, hạnh phúc. Với quan điểm này, các chủ doanh nghiệp tham dự buổi tọa đàm đều cho rằng, hai vấn đề với doanh nhân là một thách thức, bởi “thương trường là chiến trường”. Mặc dù, mệt mỏi, căng thẳng, ăn không ngon, ngủ không được… nhưng công việc của doanh nhân không thể dừng lại, phải lao vào làm việc, kinh doanh!
Tuy nhiên, BS. Lê Hùng cho rằng, doanh nhân hãy lập kế hoạch, chương trình, công việc hàng tuần, hàng tháng, hàng năm; trong đó dành 70-80% thời lượng cho công việc và dành 20-30% khoảng lặng cho mình, phải học buông bỏ để giảm căng thẳng, giảm áp lực để tồn tại. Một doanh nhân thành đạt phải làm chủ được stress, phải hiểu cơ thể mình và mạnh dạn giao việc, cắt bớt công việc cho người khác, buông bỏ để an vui. Ngoài ra còn cần dành thời gian cho mình và gia đình, vui chơi, giải trí. Như vậy, doanh nhân sẽ có thời gian chiêm nghiệm lại công việc và sinh hoạt của mình, trở lại thương trường sẽ giàu năng lượng và nhanh nhạy hơn.
Doanh nhân Lê Bá Thông, Tổng giám đốc Công ty TTT, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tỉnh thức TPHCM, đã chia sẻ một số kinh nghiệm của mình về thiền định để vượt qua stress mỗi ngày. Ông Lê Bá Thông cho rằng, mỗi người chúng ta hãy dành thời gian để thiền định, các bạn sẽ tìm ra được câu giải đáp cho cuộc đời mình, bình an đi tiếp trên con đường mình đang đi, yêu thương chính bản thân mình và tất cả mọi người xung quanh.
Anh Minh