Thứ ba, Tháng Một 14, 2025

Đọc đúng nhãn thực phẩm nhập khẩu

(SGTT) - Ngày nay, có khá nhiều người tiêu dùng lựa chọn sử dụng các loại thực phẩm đóng hộp nhập khẩu nhưng lại không hiểu rõ nội dung ghi trên nhãn mác, thường bằng tiếng nước ngoài.

Thông thường, các loại thực phẩm ngoại nhập luôn có nhãn mác tiếng Việt của đơn vị nhập khẩu để chú giải cho phần nhãn mác nguyên bản bằng tiếng nước ngoài. Tuy vậy, phần nhãn tiếng Việt thường ngắn gọn và sơ sài hơn do kích cỡ nhãn nhìn chung là quá nhỏ. Người tiêu dùng thường gặp phải tình cảnh dùng thực phẩm mà không nắm chắc về những thông tin quan trọng của sản phẩm, dẫn đến những sự phiền toái khi muốn xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Người giỏi ngoại ngữ đến độ thạo cả thuật ngữ ngành dinh dưỡng hay chịu khó mày mò tìm hiểu tường tận thông tin trên nhãn hàng tất nhiên vẫn là số ít. Đa số người dùng luôn khó chịu với những cái nhãn dài ngoằng những con số và thành phần, có cái hiểu, có cái không.

Dựa trên hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng được chứng nhận (dietitian)(*) người Mỹ, Esther Ellis, được đăng tải trên blog Eat Right, Sài Gòn Tiếp thị xin giới thiệu những thông tin quan trọng người dùng cần biết khi xem nhãn hàng thực phẩm bằng tiếng Anh.

Bảng thành phần dinh dưỡng (Nutrition Facts) là gì?

Hình minh họa một nhãn thực phẩm cho sản phẩm pho mát Mỹ. Ảnh: exercises4weightloss.com

Bảng thành phần dinh dưỡng là để giúp người dùng xác định đúng lượng calo (chất béo, đường, đạm...) và các vi chất dinh dưỡng trong một khẩu phần thực phẩm. Bảng thành phần có thể phân chia thành những dải màu để tiện phân biệt và theo dõi từng nội dung.

Tuy thường tuân theo bố cục chung, các loại sản phẩm khác nhau có thể sẽ có nhãn thực phẩm khác biệt nhau đôi chút.

Sau đây chúng ta đi vào từng chi tiết trong ví dụ minh họa là nhãn thực phẩm của một sản phẩm pho mát của Mỹ.

Khẩu phần và giá trị calo: Ngay dưới dòng “Nutrition Facts” thường sẽ là hướng dẫn chung về khẩu phần (Serving Size), trong đó nêu số lượng khẩu phần chứa trong bao bì và khối lượng của mỗi khẩu phần. Khối lượng này được tính bằng nhiều đơn vị, phổ biến nhất là tính theo chén (cup) hoặc đơn vị ounce. Sau đơn vị chén, sẽ có phần mở ngoặc đơn để chú thích khối lượng của một chén theo gram hoặc ml. Với các sản phẩm đến từ Anh hay Mỹ, thông thường một chén bằng 228g.

Tiếp theo đó là hàng chữ nêu tổng số calo trong một khẩu phần ăn, có thể kèm theo chú thích về lượng calo đến từ chất béo.

Do đó, cần chú ý đến khẩu phần và nhất là có bao nhiêu khẩu phần trong một hộp, gói thực phẩm. Ví dụ trên nhãn ghi trong bao bì có chứa hai khẩu phần, nếu bạn ăn hết toàn bộ gói trong một lần dùng thì có nghĩa là bạn đã hấp thụ gấp đôi số lượng calo và phần trăm giá trị dinh dưỡng hằng ngày nêu trong bảng giá trị dinh dưỡng.

Thành phần dinh dưỡng: Tiếp theo đó là liệt kê thành phần dưỡng chất cùng tỷ lệ trên khối lượng. Các loại chất dinh dưỡng thường gặp trong bảng thành phần gồm: Chất béo bão hòa (saturated fat), chất béo chuyển hóa (trans fat) cholesterol, natri (sodium), chất bột (carbonhydrate), chất xơ thực phẩm (dietary fiber), đường (sugar), đạm (protein) và khoáng chất (vitamin, canxi, sắt…).

Những con số phần trăm theo thành phần thể hiện tỷ lệ giá trị dinh dưỡng hằng ngày (DV – Daily Value) của thành phần đó trong một khẩu phần trên tổng giá trị dinh dưỡng của thực đơn một ngày (cần xem phần chú thích để nắm rõ, thường là 2.000 calo). Tổng giá trị dinh dưỡng này được coi là 100%, hay 100DV.

Bạn có thể cần nhiều hơn hoặc ít hơn 100DV một ngày, do đó để tính toán thực đơn cho chuẩn thì bạn cũng cần xem mình cần bao nhiêu khẩu phần (serving size) của mỗi loại thực phẩm.

Phần chú giải: Các nhãn hàng thực phẩm đều sẽ có phần chú thích nằm dưới cùng. Phần chú thích cho biết giá trị dinh dưỡng trong bảng thành phần dinh dưỡng đang tính theo thực đơn là bao nhiêu calo/ngày (thường gặp nhất là 2.000 calo). Với những thực phẩm có kích thước lớn, phần này còn nêu rõ khối lượng tối đa (đối với chất cần hạn chế) và tối thiểu (với các chất nên bổ sung) của thành phần các dưỡng chất có trong thực phẩm, bằng đơn vị thông dụng (gram). Các bao bì thực phẩm cỡ nhỏ thường không có phần thông tin thêm này.

Từ thông tin trên nhãn, người dùng có thể dễ dàng hiểu rõ và qua đó tự tính toán lượng thức ăn nên nạp vào trong cơ thể trong một ngày. Từ đó có thể đảm bảo chế độ ăn lành mạnh và đúng mục đích, tránh những sai lầm trong ăn uống. Lấy ví dụ, giá trị dinh dưỡng hằng ngày (DV) của chất béo trong một khẩu phần thực phẩm A là 20%, toàn bộ gói thực phẩm A chứa hai khẩu phần. Vậy, bạn chỉ nên ăn nửa gói mỗi bữa, để dành 80% DV còn lại cho chất béo đến từ những thực phẩm khác. Nếu bạn ăn hết cả gói thực phẩm A, bạn đã tiêu thụ đến 40% DV và buộc phải cắt giảm chất béo ở các bữa còn lại để không bị thừa chất béo.

 (*) Có hai từ tiếng Anh thường được dịch sang tiếng Việt là “chuyên gia dinh dưỡng” là nutritionist và dietitian. Từ “nutritionist” có vùng nghĩa khá rộng và không phải lúc nào cũng ám chỉ tính chất chuyên môn. Ở một số quốc gia, trong đó có Mỹ, một người có thể đăng đàn tự nhận mình là “nutritionist” dù chưa hề có bằng cấp, chứng chỉ chứng minh chuyên môn trong ngành dinh dưỡng. Ngược lại, một người để được gọi là “dietitian” thường cần phải có bằng đại học, chứng nhận ngành nghề và đôi khi là giấy phép công nhận danh hiệu của ngành.

Vũ Hoàng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối