Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Đọc hiểu hàng nhập khẩu qua tem dán

(SGTT) - Khi mua các loại trái cây và rau củ, nhất là các thực phẩm nhập khẩu, người mua thường thấy những chiếc tem nhỏ đề bốn mã số dán trên các sản phẩm. Các mã số này không chỉ giúp các nhân viên siêu thị dễ dàng tra cứu, tính tiền hàng hóa mà còn giúp người mua biết được thực phẩm có nguồn gốc ra sao và được trồng như thế nào.

Nếu bạn đã từng mua hàng ở các cửa hàng tự thanh toán, bạn sẽ phải bấm các mã gồm bốn chữ số vào máy tính trước khi cân ký thực phẩm đã chọn. Hoặc khi chọn một loại rau không phổ biến, bạn có thể phải đợi nhân viên thu ngân tra mã để tính tiền. Vậy những mã số trên trái cây và rau quả có ý nghĩa như thế nào?

Mã Price Look up

Các mã số này được gọi là mã tra cứu giá hoặc mã PLU. Mã PLU do Hiệp hội Quốc tế về tiêu chuẩn sản phẩm (IFPS) công bố và kiểm soát. Đây là tổ chức toàn cầu phân phối mã số cho tất cả sản phẩm trái cây lưu thông trên toàn thế giới. Bạn có thể tìm thấy danh sách của mỗi mã PLU trên trang web https://www.ifpsglobal.com/Identification/PLU-Codes/PLU-codes-Search.

Hiện nay có hơn 1.400 loại sản phẩm đã được gắn mã PLU trên toàn thế giới. Các mặt hàng này bao gồm trái cây, rau, trái cây khô, thảo mộc và các loại hạt. Mặc dù tất cả các sản phẩm đều có mã PLU, nhưng việc sử dụng mã này trên thực tế là tự nguyện, không có cơ quan nào quy định về điều này và cũng không có luật nào bắt buộc các công ty sản xuất phải sử dụng. Tuy nhiên, hầu hết các cửa hàng tạp hóa, siêu thị… đều sử dụng mã PLU để có thể quản lý hàng tồn kho và giá cả một cách dễ dàng.

Cách đọc hiểu

Mã PLU giúp người mua xác định nguồn gốc của sản phẩm mà mình đang mua. Tất cả các mã PLU đều nằm trong khoảng từ 3000 đến 4999. Trong đó, mã số gồm năm số, bắt đầu bằng số “9” cho biết đó là sản phẩm hữu cơ. Thường giá bán của những loại trái cây có mã này sẽ cao hơn so với các loại còn lại. Cũng với mã số gồm năm số, nếu số bắt đầu là số “8” có nghĩa đây là thực phẩm biến đổi gen (GMO).

Nếu mã số trên tem có bốn số và bắt đầu bằng số “3” hoặc số “4”, người mua có thể nhận biết đây ký hiệu của hoa quả trồng bằng công nghệ thông thường. Phương pháp này có sử dụng các loại thuốc trừ sâu nhưng phải theo liều lượng quy chuẩn để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Ngoài ra, một số tem dán trên trái cây và rau quả còn cung cấp cho người mua thêm thông tin về sản phẩm, ví dụ như mã vạch, xuất xứ…

Lưu ý khi mua thực phẩm nhập khẩu

Tại Việt Nam, loại rau quả nhập khẩu phổ biến được người tiêu dùng ưa chuộng là các loại trái cây như táo, lê… Khi mua các loại trái cây này, người mua nên ưu tiên chọn các sản phẩm có tem dán bắt đầu bằng số “9”, số “3” hoặc số “4” để bảo đảm an toàn cho sức khỏe. Riêng với các thực phẩm biến đổi gen (GMO), người dùng cần thận trọng hơn khi chọn lựa chúng, bởi tác động của loại thực phẩm này đến sức khỏe con người vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

Ngoài ra, cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) yêu cầu rõ đối với những chất được phép sử dụng làm chất kết dính trên thực phẩm là phải an toàn cho sức khỏe người sử dụng. Tuy nhiên, người dùng cần chú ý rửa kỹ các loại hoa quả và rau củ để loại bỏ các tem dán trước khi ăn.

Để bảo vệ sức khỏe, FDA khuyến nghị mỗi người nên thực hiện bảy bước làm sạch và bảo quản thực phẩm như sau:

  1. Rửa tay bằng nước ấm và xà bông trong 20 giây, trước và sau khi chế biến sản phẩm tươi.
  2. Cắt bỏ phần rau quả bị hư hoặc thâm tím.
  3. Rửa sạch dao trước khi xắt rau củ.
  4. Rửa rau củ dưới vòi nước đang chảy.
  5. Sử dụng bàn chải mềm để làm sạch bề mặt rau củ như dưa leo, cà chua…
  6. Loại bỏ các lá ngoài cùng của các loại rau có búp như rau diếp, bắp cải.
  7. Người tiêu dùng nên lưu trữ thực phẩm dễ bị hư trong tủ lạnh hoặc ở nơi có nhiệt độ dưới 400 độ C.

Tâm Anh tổng hợp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối