Các cuộc phỏng vấn xin việc thường khó khăn, đặc biệt là với những người chưa có kinh nghiệm. Hiểu được tâm lý và “đọc vị” ngôn ngữ hình thể của người phỏng vấn sẽ giúp người ứng viên thể hiện mình một cách tự tin, củng cố thêm khả năng xin việc thành công.
Trong một cuộc phỏng vấn, bạn đang cố gắng thiết lập mối quan hệ với một người hoàn toàn xa lạ trong khi người đó đang quan sát dò xét bạn. Không chỉ vậy, bạn còn phải thuyết phục người đó rằng bạn đang trình bày một cách trung thực về những giá trị của bản thân.
Người phỏng vấn nghĩ gì
Thực tế là bạn sẽ không thể đoán được gì từ những phản hồi của người phỏng vấn, trừ phi bạn đi tham dự những buổi phỏng vấn thử. Tất nhiên, phỏng vấn thử vẫn khác xa phỏng vấn thật vì người phỏng vấn thử là người phục vụ bạn, giúp bạn và quan tâm đến việc xây dựng khả năng cho bạn. Người phỏng vấn thật đương nhiên không có những suy nghĩ kiểu như vậy. Họ không cố gắng giúp bạn hay đứng về phía bạn. Họ đang xem xét và so sánh bạn với các ứng cử viên khác. Bạn không biết mình đang trả lời tốt hay không tốt, và chỉ có cách đợi cho đến khi nhận được thư mời làm việc hoặc thông báo từ chối.
Trong một cuộc phỏng vấn, ưu thế thuộc về nhà tuyển dụng, họ có một nhóm người đang tranh giành sự chú ý về phía mình và có thể đặt hàng tá câu hỏi dẫn dắt để thử ứng viên. Nếu muốn lấy lại được một chút lợi thế, bạn cần phải có được cảm giác tương đối rõ là mình đang thể hiện tốt hay không. Việc đọc ngôn ngữ cơ thể của người đang phỏng vấn có thể giúp bạn biết người phỏng vấn đang cảm thấy gì để lấy lại bình tĩnh và điều chỉnh thông điệp để có thể gây ấn tượng tốt hơn.
Theo quy luật 7-38-55 trong giao tiếp do Giáo sư ngôn ngữ Albert Mehrabian thuộc trường Đại học California Los Angeles (UCLA) giới thiệu, ngôn ngữ cơ thể quyết định đến 55% ý nghĩa của thông điệp, giọng điệu chiếm tỷ lệ 38% và các từ ngữ nói ra chỉ chiếm 7%. May mắn thay, ngôn ngữ cơ thể và giọng điệu của con người thường có quy luật, đặc biệt là dưới áp lực công việc và thời gian chặt chẽ như một buổi phỏng vấn.
Ngôn ngữ hình thể phong phú
Đầu tiên, nếu bàn chân của người phỏng vấn nhích hoặc xoay ra phía cửa, đó là một dấu hiệu cho thấy họ muốn rời đi, hoặc ít nhất là không muốn ngồi ở đó. Nếu chân của họ duỗi dài về phía bạn, họ cảm thấy thoải mái với vị trí ngồi và mọi thứ vẫn còn ổn. Ngược lại, nếu họ đột ngột rút chân về sát người hoặc co chân dưới ghế, đó là dấu hiệu của việc họ không thoải mái và muốn rút lui.
Nếu người phỏng vấn bắt chước hành vi của bạn một cách vô thức, đó là một dấu hiệu rõ ràng về sự hứng thú và chú tâm. Bạn có thể kiểm tra bằng cách hơi dừng lại sau khi người đó hỏi bạn, thử thay đổi một chút tư thế và vị trí ngồi và xem họ có vô thức làm những điều này hay không.
Khi người phỏng vấn tò mò và quan tâm và muốn nghe nhiều hơn từ bạn thì đầu họ sẽ hơi nghiêng và hướng tai về phía bạn một cách vô thức. Tương tự, nếu họ cúi người về phía trước, hướng về phía bạn, điều đó cho thấy họ cảm thấy thoải mái và hứng thú với những điều họ đang nghe. Nếu người phỏng vấn hành động ngược lại, rất có thể họ đang vô tình hoặc cố ý thể hiện họ đang mất hứng thú với những gì bạn nói.
Một cái nhún vai có nghĩa là người đó đang không chắc chắn. Khi người phỏng vấn mô tả công ty, hoặc trả lời một câu hỏi của bạn mà lại nhún vai, đó có thể là dấu hiệu cho thấy thái độ không được tự tin lắm về câu trả lời của mình.
Tinh tế với ánh mắt
Ánh mắt là ngôn ngữ chính của cơ thể, con người thường chỉ tập trung nhìn vào những thứ họ thích. Khi người phỏng vấn không duy trì giao tiếp bằng mắt với bạn, họ có thể không quan tâm đến những gì bạn đang nói, hoặc họ có thể cảm thấy không thoải mái khi ngồi cùng bạn. Quy tắc của người ứng viên là phải duy trì giao tiếp bằng mắt trong khi họ đang nói nhưng bí quyết ở đây là không nên duy trì liên tục. Ví dụ, thỉnh thoảng nên liếc đi chỗ khác một chút để cho người khác thấy bạn đang suy nghĩ và kéo lại sự chú ý của họ. Khi trình bày một ý tưởng bạn có thể dùng động tác tay để minh họa thêm.
Những việc làm như vậy tạo ra quãng nghỉ để giữ cho cuộc trò chuyện thú vị và tự nhiên, tránh việc phải trừng trừng nhìn vào nhau từ đầu đến cuối. Những hành động nhỏ như vậy thể hiện bạn cảm thấy thoải mái với những gì bạn đang làm và cũng sẽ giúp người phỏng vấn cảm thấy thoải mái.
Một điều cần lưu ý là người phỏng vấn đôi khi cũng có thể bị căng thẳng, bối rối, dù việc này ít khi xảy ra. Thường khi con người căng thẳng, họ thường có những biểu hiện rất kỳ lạ, ví dụ như gãi mặt hoặc ậm ừ một vài lần. Đó là những cơ hội hiếm có và quý báu, hãy thể hiện thái độ thân thiện hơn nữa để làm cho họ cảm thấy thoải mái. Thái độ của người phỏng vấn sẽ thay đổi vì ai cũng muốn người khác ứng xử tốt với mình trong lúc gặp thế bí.
Vũ Hoàng