(SGTTO) - Rác thải điện tử là toàn bộ các thiết bị điện tử gia dụng đã qua sử dụng và pin, có chứa rất nhiều thành phần độc hại như chì, thuỷ ngân… dễ hoà vào trong đất và ngấm sâu xuống nguồn nước ngầm gây hại cho con người và môi trường sống.
Tại Việt Nam, rác thải điện tử đang là mối đe doạ khi các loại rác này không được xử lý đúng cách và được bày bán công khai (vựa ve chai, ngoài đường…) mà nhiều người không ý thức được tác hại của nó.
Thời gian gần đây, có rất nhiều những hoạt động sống xanh, trong đó chương trình “Đổi rác điện tử lấy cây” do Việt Nam Tái Chế phối hợp cùng Thaiha Books và dự án Tiếp Bước Tương Lai tổ chức vào ngày 15-6, tại đường sách TPHCM, đường Nguyễn Văn Bình, quận 1 là một trong những chương trình nhằm hưởng ứng tháng Môi trường thế giới. Đồng thời tư vấn thêm thông tin, nâng cao ý thức cho người dân thành phố về thu gom và xử lý rác thải điện tử đúng cách.
Tại đây, những người tham gia chương trình mang đến một thiết bị lớn như tivi, màn hình, máy vi tính… hoặc 10 thiết bị nhỏ (điện thoại, máy ảnh, ipod…) hay 20 viên pin để đổi lấy một cây sen đá được trồng trong chậu làm từ bã mía.
Chỉ chưa đầy ba tiếng đồng hồ, chương trình đã tiếp nhận hàng trăm kilogram rác thải điện tử.
Hai bạn nữ mang rác điện tử đến chương trình "Đổi rác điện tử lấy cây"...
... sau đó, sản phẩm họ mang về là những chậu sen đá. Chị Lâm Ngọc Quý, nhà ở quận 11, TPHCM, cho biết mục đích chính hôm nay của gia đình chị không phải đi chơi, mà là tạo điều kiện cho hai con chủ động mang rác đến, qua đó, giáo dục thêm cho các bé cách bảo vệ môi trường sống. Chị Quý mong rằng, thời gian tới, cần có thêm nhiều chương trình thiết thực, ý nghĩa như thế này.
Ngoài ra, chương trình còn có các hoạt động khác như trả lời câu hỏi để nhận ống hút tre, tặng sách cho trẻ em nếu hoàn thành tô màu tranh vẽ thiết bị điện tử...
Đại diện Ban tổ chức chương trình cho biết, sau khi thu hồi, rác thải điện tử sẽ được vận chuyển về các nhà máy, tại đây, các phần sắt, nhựa của thiết bị được tách ra chuyển cho các đơn vị xử lý, còn phần chứa hóa chất nguy hại sẽ được đưa vào hệ thống xử lý chuyên biệt.
Ngô Kiếm