Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024

Đối với các ngân hàng Mỹ, mạng xã hội đang trở thành mối đe dọa

Các ngân hàng ở Mỹ đang ngày càng lo ngại các rủi ro từ các nền tảng mạng xã hội mà lâu nay họ vốn xem là công cụ tiếp thị quan trọng. Cách đây hai tháng, ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ nhanh chóng, một phần là do các tin đồn bất lợi lan như cháy rừng trên các mạng xã hội, khiến khách hàng lo lắng và đổ xô rút tiền khỏi ngân hàng này. Giờ đây, các hàng hàng đang tăng cường triển khai các quy trình quản lý rủi ro, giám sát và hành động khẩn cấp xung quanh các thông tin liên quan đến họ trên mạng xã hội.
Những bài đăng bày tỏ lo ngại về sức khỏe tài chính của SVB trên Twitter được cho là nguyên dân khiến khách hàng hoảng sợ và ồ ạt rút tiền, khiến ngân hàng này sụp đổ nhanh chóng. Ảnh: WSJ

Hãng tin Reuters dẫn lời các nhà phân tích và lãnh đạo ngành ngân hàng cho biết trong thời gian gần đây, hội đồng quản trị của ngành ngân hàng ở Mỹ vạch ra các chương trình và kế hoạch để chống lại các mối đe dọa trực tuyến bao gồm những tin đồn xung quanh tình hình hoạt động của họ. Họ lo ngại các tin đồn như vậy có thể khiến khách hàng rút tiền hàng loạt hoặc gây áp lực lên giá cổ phiếu do bị những người đầu cơ bán khống.

Họ xem xét lại vai trò của mạng xã hội như một rủi ro tiềm tàng hơn là công cụ tiếp thị. Cách nhìn của họ với truyền thông xã hội thay đổi sau khi các dòng tweet trên Twitter bày tỏ hoài nghi về tình hình tài chính của SVB, khiến các khách hàng rút trung bình 1 triệu đô la mỗi giây trước khi SVB sụp đổ vào ngày 10-3.

“Rủi ro từ truyền thông xã hội chủ yếu là uy tín, nhưng giờ đây, rủi ro còn bao gồm rút tiền ồ ạt, một vấn đề đe dọa sự sống còn của các ngân hàng”, Sumeet Chabria, người sáng lập ThoughtLinks, một công ty tư vấn ngân hàng, nhận định.

Greg Becker, cựu CEO của SVB, đổ lỗi các tin đồn trên mạng xã hội là yếu tố “chưa từng có” dẫn đến sự sụp đổ của ngân hàng này. Trong cuộc điều trần trước Ủy ban Ngân hàng thượng Mỹ hôm 15-5, ông cho biết khách hàng tiền đã rút 42 tỉ đô la từ SVB trong vòng 10 giờ sau khi các tin đồn bất lợi đó xuất hiện.

Cú sụp đổ nhanh chóng của SVB khiến thị trường choáng váng. Hôm 8-3, SVB thông báo đã bán bớt trái phiếu chính phủ Mỹ và đang tìm cách huy động thêm vốn để củng cố dòng tiền. Tuy nhiên, những lo ngại về sức khỏe tài chính của SVB vẫn dâng cao. Nhiều khách hàng đã đăng bài bày tỏ lo ngại trên Twitter và nhanh chóng rút tiền từ SVB thông qua ứng dụng di động hoặc ngân hàng trực tuyến.

Michael Roffler, cựu CEO của ngân hàng First Republic Bank, cũng đổ lỗi cho mạng xã hội cho cú sụp đổ của ngân hàng này vào hai tháng sau đó.

“Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với một số ngân hàng nhỏ đang nỗ lực cập nhật khả năng ứng phó khẩn cấp và rủi ro của họ, cùng với các kế hoạch kinh doanh liên tục để giải quyết mối đe dọa từ mạng xã hội”, Chabria nói.

Lãnh đạo của nhiều ngân hàng khu vực  ở Mỹ đã yêu cầu bổ sung mạng xã hội vào các chương trình quản lý rủi ro, Reuters dẫn lời các nguồn tin giấu tên cho biết.

Một trong các nguồn tin xác nhận bộ phận quản lý rủi ro ở các ngân hàng khu vực đã được yêu cầu vạch ra kế hoạch chi tiết, cho phép họ đo lường rủi ro liên quan đến internet cũng như các bước chuẩn bị và ứng phó với rủi ro đó.

Các ngân hàng cũng đang liên hệ với những khách hàng bày tỏ phàn nàn trên mạng xã hội để nhanh chóng giải quyết các vấn đề của họ.

“Chúng tôi muốn giải quyết rốt ráo vấn đề từ trong trứng nước”, một lãnh đạo ngân hàng nói.

Greg Hertrich, nhà chiến lược của ngân hàng Nomura, cho rằng những gì diễn ra tại SVB cũng có thể lặp lại ở những ngân hàng khác.

“Bất kỳ ngân hàng nào không chú ý đến sự hiện diện của họ trên mạng xã hội và tác động của điều này đối với tiền gửi là tự gây hại cho chính họ, các bên liên quan và quan trọng nhất là những người gửi tiền của họ”, Hertrich nói.

Các ngân hàng nhỏ đang tập trung vào việc xác định khách hàng gửi là ai và tìm kiếm sự hỗ trợ của các khách hàng có ảnh hưởng trong cộng đồng để chống lại mọi thông tin sai lệch, theo Lindsey Johnson, CEO của Hiệp hội ngân hàng tiêu dùng, một tổ chức có các thành viên nắm giữ tổng cộng 15,1 nghìn tỉ đô la tài sản.

Johnson nói: “Nhiều ngân hàng đang chủ động tiếp cận khách hàng để truyền tải đúng thông điệp”. Việc tiếp cận bao gồm “cung cấp các sự thật và hỗ trợ cho người gửi tiền của họ thông qua email, Twitter và mạng xã hội việc làm LinkedIn”, bà cho biết thêm.

Các ngân hàng lớn nhất nhất cũng đang lưu ý đến vấn đề rủi ro từ truyền thông xã hội. Jamie Dimon, CEO của JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất Mỹ, nói rằng tin đồn trên mạng xã hội là một yếu tố dẫn cú sụp đổ của SVB. Trong khi đó, Jane Fraser, CEO củ Citigroup gọi mạng xã hội là “một yếu tố có thể thay đổi hoàn toàn cuộc chơi”.

Các cơ quan quản lý cũng đang giám sát vấn đề này. Cả Công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) lẫn Cụ Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đều nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong làn sóng rút tiền khỏi các ngân hàng khu vực ở Mỹ. Một nguồn tin cho biết Ủy ban Ổn định tài chính, một cơ quan quốc tế có trụ sở tại Thụy Sĩ, cũng đang điều tra vai trò của mạng xã hội trong cơn hỗn loạn của ngành ngân hàng gần đây.

“Ngày nay có rất nhiều công cụ giám sát mạng xã hội nhưng việc sử dụng những công cụ đó thường được giao cho nhóm quản lý tiếp thị hoặc nhà cung cấp bên thứ ba không có đủ nhân sự đầy đủ”, Jim Perry, nhà chiến lược của Market Insights, nói.

Perry cho biết các  ngân hàng bắt đầu hiểu rằng họ cần dành nhiều nguồn nhân lực hơn cho việc giám sát phương tiện truyền thông xã hội. Nhưng điều này vẫn chưa trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều ngân hàng nhỏ.

Chánh Tài

Theo Reuters, Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối