Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

Đón cơ hội kinh doanh từ phố đi bộ

Đào Loan-Vũ Yến

Phố đi bộ trên đường Nguyễn Huệ (quận 1, TPHCM) mở cửa được nửa tháng. Những người kinh doanh dọc tuyến đường này hy vọng sẽ có nhiều đổi thay lớn cho họ trong thời gian tới.

Nhiều người quan tâm

Trong hai tuần trở lại đây, cứ khoảng gần 19 giờ mỗi ngày là các cửa hàng dọc phố đi bộ trên đường Nguyễn Huệ bắt đầu nhộn nhịp. Khách bộ hành có thể tìm thấy nơi đây nhiều dịch vụ, từ cửa hàng tiện lợi, quán ăn, cà phê, thời trang, máy ảnh, đến cả phòng tranh, nhà sách. Ngoài ra, các cửa hàng cũng cung cấp cho khách các loại nước uống. Theo ghi nhận của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, số lượng khách ra vào và mua sắm ở cửa hàng tiện lợi, quán ăn, quán cà phê nhiều hơn những điểm kinh doanh các loại hình khác.

Phố đi bộ hoạt động, du khách là “tây” hay “ta” đều có đủ, từ trẻ nhỏ đến người già. Và ở đây, hai ngày cuối tuần luôn đông khách hơn những buổi tối ngày thường. Một số đại diện doanh nghiệp ở khu vực này cho biết, phố đi bộ đã giúp tăng doanh thu khoảng 20-30% so với trước đây.

Nhiều người kinh doanh ở đường Nguyễn Huệ cho rằng doanh số bán hàng có tăng khi phố đi bộ trên đường này hoạt động.  Ảnh: Đào Loan
Nhiều người kinh doanh ở đường Nguyễn Huệ cho rằng doanh số bán hàng có tăng khi phố đi bộ trên đường này hoạt động. Ảnh: Đào Loan

Bà Hồng Thảo, người quản lý quán cà phê-thức ăn Time Coffee & Foods, số 47 đường Nguyễn Huệ nói rằng từ khi phố đi bộ chính thức đi vào hoạt động, lượng khách hàng đông hơn, doanh thu những ngày cuối tuần tăng gấp đôi. “Doanh thu chưa phải là cao nhưng bước đầu như thế đã là tín hiệu đáng mừng, tăng hơn so với thời kỳ chuyên bán thức ăn”, bà Thảo nói.

Cách đó không xa, hàng Wrap&Roll cũng có nhiều khách ghé vào. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, chủ thương hiệu Wrap&Roll, cho biết trung bình mỗi ngày có khoảng 200 khách, doanh thu tăng 30% so với trước. Khách hàng gồm cả người Việt và người nước ngoài.

Tại nhà sách Fahasa Nguyễn Huệ, bà Phạm Thị Hóa, Trưởng phòng kinh doanh của Công ty cổ phần Phát hành sách Fahasa cho biết hai tuần gần đây, doanh thu cũng tăng gấp rưỡi so với ngày bình thường. “Hiện chưa thể nói gì nhiều nhưng hiện nay so với các nhà sách khác thì Fahasa Nguyễn Huệ là địa điểm kinh doanh thu hút khách hàng ở khu vực quận 1”, bà Hóa nói.

Theo thông tin từ Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), hai cửa hàng Satrafoods và Satra Bakery & Coffee của công ty này cũng đã tăng khoảng 30-40% so với trước. Những mặt hàng tiêu dùng nhanh như nước giải khát, bánh kẹo được mua nhiều hơn.

Bà N., chủ một địa điểm giữ xe tại đường này cũng chia sẻ, ngay sau khi phố đi bộ hoàn thành, nhờ việc người dân tới tham quan, ngắm cảnh nên hoạt động giữ xe cũng khấm khá hơn. Lúc cao điểm có tới khoảng 300 chiếc xe khách gửi để đi dạo phố.

[box type="bio"] Giá thuê mặt bằng ăn theo

Đường Nguyễn Huệ thay đổi công năng, nhiều cửa hàng, cửa hiệu mới mở ra, cửa hiệu cũ được sửa chữa, trang trí lại đã làm cho giá thuê mặt bằng tại đây tăng cao và gần như không thể tìm được vị trí mặt tiền.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, một doanh nhân cho biết ngay khi thấy mẩu quảng cáo cho thuê căn nhà mặt tiền diện tích 210 m2 trên đường này với giá 1,41 triệu đồng/m2, ông đã đã liên hệ ngay nhưng căn nhà này đã có người thuê . “Tôi định hỏi xem có thể giảm giá thuê chứ với hơn 280 triệu đồng/tháng cho mặt bằng này cũng khó làm ăn. Nhưng tôi vừa thấy lời rao thì mặt bằng đã có chủ”, ông này nói và cho biết đã hỏi một số vị trí khác ở trong hẻm, từ một số tòa nhà cho thuê lại nhưng giá cũng đến 16 đô la Mỹ/m2/tháng.[/box]

“Làm mới” việc kinh doanh

Nhiều doanh nghiệp đã thay đổi, không chỉ là trang trí cho đẹp hơn mà còn cả cách thức kinh doanh để phù hợp với mô hình của phố đi bộ. Một số quán trước đây chỉ bán thức ăn thì nay mở thêm bán cà phê, thức uống. Các cửa hàng của Satra thì đưa thêm sản phẩm mới, tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, áp dụng ưu đãi dành cho khách hàng để thu hút thêm khách bộ hành. Những cửa hiệu bán hàng thời trang cao cấp Chanel, Cartier ở đầu đường thì mở thêm lối vào để khách có thể vào thẳng từ đường Nguyễn Huệ thay vì phải đi vòng từ cổng của khách sạn Rex…

Ngày 17-5 tới, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist sẽ đưa vào hoạt động Trung tâm thông tin du lịch tại số 102 Nguyễn Huệ. Trung tâm này đã có từ trước nhưng do có phố đi bộ, công ty đã thay đổi toàn bộ thiết kế và mô hình hoạt động của trung tâm rộng 650 m2 này. “Chúng tôi muốn biến nơi đây thành một hội chợ du lịch quốc tế mini với đầy đủ phần giới thiệu du lịch, tư vấn, sự kiện, biểu diễn văn hóa nghệ thuật nhằm kết nối và tạo sức sống tại phố đi bộ để thu hút nhiều khách hơn”, bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc tiếp thị và truyền thông của Saigontourist nói.

Theo bà Trà, sau khi mở cửa, Saigontourist sẽ từng bước hoàn thiện mô hình hoạt động của trung tâm này. Sau khi được UBND TPHCM đồng ý, công ty sẽ hợp tác với một số đoàn, trường nghệ thuật để tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, xiếc, ảo thuật tại đây vào cuối tuần. Ngoài ra, trung tâm cũng sẽ có nơi để trưng bày các nhạc cụ dân tộc cho du khách tìm hiểu về văn hóa dân tộc, có nơi để doanh nghiệp khách sạn, du lịch giới thiệu sự kiện, sản phẩm… “Chúng tôi sẽ tổ chức nhiều sự kiện để mọi người sẽ coi đây là điểm đến thì mới có thể kinh doanh tốt”, bà nói.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Tổng giám đốc Fiditour cho biết hiện khách hàng đã quay lại để mua sản phẩm sau một thời gian vắng vẻ do đóng đường nhưng cần phải tạo thêm một số sự kiện biểu diễn trên đường phố thì mới có thể kéo khách đến đông hơn. Những xe bán hàng rong trên phố cũng phải được sắp xếp lại với điều kiện về vệ sinh, mỹ quan tốt hơn thì sẽ tạo nên nét hấp dẫn và sức hút cho con đường. “Hiện giờ, phố đi bộ đang rất nóng vào ban ngày và vì thế còn vắng vẻ. Nếu chúng ta bắt đầu đầu tư, tạo chương trình, sự kiện phong phú và khi những cây xanh bên đường đủ lớn thì sẽ có nhiều du khách hơn”, ông nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối