Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Đóng cửa 3 sân bay, ngừng ra khơi hàng ngàn tàu thuyền để tránh bão Talim

Các sân bay phía Bắc chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão số 1 (bão Talim) là Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi sẽ tạm dừng tiếp nhận máy bay trong ngày 18-7, theo chỉ đạo của Cảng vụ Hàng không miền Bắc. Trước diễn biến phức tạp của cơn bão, nhiều địa phương đã hướng dẫn cho các tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn, tạm ngừng cấp phép cho tàu thuyền ra khơi…
Địa phương khuyến cáo cho tàu thuyền neo đậu ở nơi an toàn, hạn chế tối đa ảnh hưởng của bão số 1. Ảnh: Baochinhphu.vn

Theo yêu cầu của Cảng vụ Hàng không miền Bắc, sân bay Nội Bài (Hà Nội) dừng tiếp nhận máy bay đi/đến từ 11 giờ đến 20 giờ ngày 18-7, sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) và Cát Bi (Hải Phòng) dừng từ 9 giờ đến 19 giờ ngày 18-7. Lý do là Quảng Ninh và Hải Phòng khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Talim, Hà Nội chịu tác động xa, có mây giông, tầm nhìn giảm.

Các hãng hàng không, đơn vị liên quan được yêu cầu trực 24/24h và điều chỉnh lịch bay phù hợp. Cảng hàng không Vân Đồn, Cát Bi di chuyển máy bay đến sân bay khác hoặc tổ chức chằng néo máy bay đậu tại sân bay.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 1 (tên quốc tế là Talim), hãng hàng không Vietnam Airlines sẽ điều chỉnh kế hoạch khai thác các chuyến bay đến và đi từ Hải Phòng trong ngày 18-7.

Cụ thể, Vietnam Airlines hủy các chuyến bay giữa TPHCM và Hải Phòng gồm VN1184, VN1185, VN1173, VN1174; giữa Đà Nẵng và Hải Phòng gồm VN1672, VN1673. Hãng lùi giờ khởi hành VN1176 TPHCM-Hải Phòng, từ giờ khởi hành cũ là 18 giờ 25 tối ngày 18-7 sang giờ khởi hành mới là 3 giờ 45 sáng ngày 19-7; lùi giờ khởi hành VN1174 TPHCM-Hải Phòng, từ giờ khởi hành cũ là 16 giờ 55 chiều ngày 18-7 sang 19 giờ 50 tối cùng ngày; lùi giờ khởi hành VN1175 Hải Phòng-TPHCM, từ giờ khởi hành cũ là 18 giờ 55 tối ngày 18-7 sang 22 giờ tối cùng ngày.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cũng đẩy sớm thời gian khởi hành chuyến bay VN1179 từ Hải Phòng đi TPHCM, từ kế hoạch ban đầu là bay 6 giờ 35 sáng 18-7 sang bay 23 giờ ngày 17-7.

Đánh giá cơn bão số 1 cũng ảnh hưởng đến sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), tuy nhiên, Vietnam Airlines không có chuyến bay đến sân bay Vân Đồn trong ngày 18-7.

Với các đường bay quốc tế, các chuyến bay VN592, VN593 giữa Hà Nội và Hồng Kông; VN594, VN595 ngày giữa TPHCM và Hồng Kông ngày 17-7 sẽ lùi giờ khởi hành 7 tiếng. Chuyến bay VN430 từ Đà Nẵng đi sân bay Incheon (Seoul, Hàn Quốc) sẽ hạ cánh tại Incheon muộn 45 phút so với kế hoạch, giờ khởi hành từ Đà Nẵng không đổi. Chuyến bay VN318 từ Đà Nẵng đi sân bay Narita (Tokyo, Nhật Bản) sẽ hạ cánh tại Narita muộn 25 phút so với kế hoạch, giờ khởi hành từ Đà Nẵng không đổi. Một số chuyến bay khác cũng có thể bị ảnh hưởng dây chuyền do lịch khai thác thay đổi.

Các hãng hàng không khác cũng đang điều chỉnh kế hoạch bay theo chỉ đạo của nhà chức trách. Do ảnh hưởng của bão có thể kéo dài, các hãng khuyến nghị hành khách đang có kế hoạch đến, đi từ các sân bay trong vùng ảnh hưởng bão thường xuyên cập nhật thời tiết và thông tin từ hãng.

Theo thông tin từ Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), dự kiến tâm bão di chuyển vào vùng thông báo bay Hà Nội (FIR HANOI) vào khoảng 12 giờ tới 14 giờ ngày 18-7, gió gần tâm bão mạnh cấp 8-10, giật cấp 10-12, sau đó tâm bão đổ bộ đất liền từ 13 giờ tới 14 giờ ngày 18-7, gió gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Tới 19 giờ ngày 18-7, bão suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới và tiếp tục suy yếu dần thành vùng áp thấp.

VATM cảnh báo thời tiết nguy hiểm trên đường bay từ đêm 17-7 đến tối 19-7, các phân khu 1, 2 và 3 FIR HANOI có rải rác mây đối lưu gây mưa, dông kèm các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác, đỉnh mây đối lưu cao tới mực bay 490/530.

Các sân bay sau có thể có gió mạnh, gió giật, mưa cường độ vừa đến mạnh và tầm nhìn giảm. Cụ thể, sân bay Vân đồn thời gian ảnh hưởng bắt đầu từ 9 giờ ngày 1 ng bắt đầu từ 10 giờ ngày 18-7 và kết thúc 20 giờ ngày 18-7; sân bay Nội Bài thời gian ảnh hưởng bắt đầu từ 14 giờ ngày 18-7 và kết thúc 23 giờ ngày 18-7.

“Từ giờ tới cuối năm dự báo vẫn còn 8-10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng tới vùng 2 vùng thông báo bay của Việt Nam, do đó công tác theo dõi, dự báo cần được các đơn vị tiếp tục duy trì triển khai một cách tập trung và đồng bộ tránh tâm lý chủ quan lơ là,” lãnh đạo VATM khẳng định.

TTXVN cho biết, mới đây, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội đưa ra khuyến cáo, người dân hạn chế di chuyển ở cầu trên cao để giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của mưa bão; tuân thủ chỉ dẫn của lực lượng làm nhiệm vụ trên đường và các quy định về an toàn giao thông, quan sát biển báo, dừng xe đúng nơi quy định.

Ở Lào Cai, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu địa phương lên kế hoạch sơ tán những hộ gia đình đang sinh sống tại những nơi có nguy cơ xảy ra lở đất, lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn.

Dự báo, khu vực sẽ có mưa to từ chiều nay, đồng thời, kèm theo dông lốc và sét đánh. Trên cơ sở đó, địa phương phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn cho các chủ đập, hồ thủy điện, thủy lợi kiểm tra hồ đập, vận hành hồ chứa, xả lũ theo quy trình; thông tin cho địa phương về tình hình xả lũ để đảm bảo an toàn cho các công trình, khu vực hạ du.

Địa phương cũng kiểm tra, kịp thời xử lý những vết nứt mới, đặc biệt là ở những vị trí xung yếu; cắm biển cảnh báo những vị trí ngầm tràn có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ ống, lũ quét…

Ngoài ra, để chủ động ứng phó với bão, các tỉnh như Quảng Ninh, Thái Bình, Quảng Nam đã chủ động thông tin về diễn biến phức tạp của bão; hướng dẫn cho các phương tiện vào nơi tránh trú an toàn; tạm ngừng cấp phép cho tàu thuyền ra khơi…

Chẳng hạn như ở Quảng Ninh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh đề nghị Sở Giao thông Vận tải, Cảng vụ hàng hải Quảng Ninh, Cảng vụ đường thủy nội địa, UBND các địa phương ven biển xem xét tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi, tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện du lịch biển, lưu trú qua đêm tại các điểm du lịch trên biển.

Tính đến sáng 17-7, toàn tỉnh có trên 6.000 tàu các loại (trong đó có 231 tàu đánh bắt xa bờ) đã vào khu vực neo đậu an toàn. Về nuôi trồng thủy sản, tỉnh có hơn 14.000 lồng hiện đã kiểm soát, đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ.

Cũng theo bản tin này, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình vừa ban hành Công điện khẩn số 3 về việc tạm dừng các hoạt động khai thác, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và các hoạt động khác ở khu vực cửa sông, ven biển, ngoài khơi từ 12 giờ ngày 17-7.

Đường đi của bão Talim, theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, từ gần sáng ngày 18-7, vùng ven biển khu vực từ Quảng Ninh, Hải Phòng có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11; khu vực các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Bình có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Ảnh: nchmf.gov.vn

Đồng thời, trước 18 giờ ngày 17-7, lực lượng chức năng phải hoàn thành việc di dời số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy sản, hải sản và các hộ dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm, các vùng bãi thấp ven sông, cửa sông, số ngư dân trên các phương tiện làm ăn trên sông, trên biển vào nơi an toàn; đóng các cửa khẩu, băng kêt qua đê biển, đê cửa sông.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Bình, từ đêm 17-7 đến ngày 21-7, địa bàn tỉnh sẽ có mưa to đến rất to, lượng phổ biến 150-250mm. Nguy cơ ngập úng đối với lúa mùa mới cấy và ao đầm nuôi trồng thủy sản. Độ rủi ro thiên tai là cấp độ 1.

Còn ở Quảng Nam, theo TTXVN, đến trưa 17-7, toàn bộ 127 tàu thuyền đã vào bờ để tránh bão số 1 và được lực lượng Bộ đội Biên phòng các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định bố trí chỗ neo đậu an toàn. Ngoài ra, Đồn Biên phòng Cửa Đại tiếp tục thông báo liên tiếp về diễn biến của bão số 1, yêu cầu tất cả các phương tiện trong vùng bị ảnh hưởng của bão vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn chậm nhất lúc 17 giờ hôm nay.

Một số tỉnh khác như Nam Định cấm các hoạt động vui chơi trên biển, tắm biển từ 12 giờ ngày 17-7; dự kiến sẽ sơ tán tán hơn 1.200 lao động ngoài các lều chòi nuôi trồng thủy sản, lao động trên các lồng bè vào trong đê, tổ chức sơ tán dân theo các phương án đã xây dựng đối với các tình huống thiên tai trên địa bàn. Ở Hải Phòng, dự kiến đến 21 giờ ngày 17-7, địa phương sẽ cấm biển và đến trưa ngày 18-7, sơ tán gần 9.000 người dân khu vực xung yếu đến nơi an toàn.

T.Đào

Theo Kinh tế Sài Gòn Online 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối