Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Đồng hồ cao cấp lên mạng tìm khách

Chánh Tài -

Cơn bùng nổ buôn bán hàng xa xỉ trực tuyến cuối cùng đã thuyết phục được các hãng đồng hồ cao cấp đầu tư vào thương mại điện tử, theo hãng tin Reuters.

Mảng kinh doanh tiềm năng

Bấy lâu nay, các thương hiệu đồng hồ cao cấp không tin rằng khách hàng sẵn sàng trả từ vài ngàn đến hàng chục ngàn đô la chỉ để mua những chiếc đồng hồ tinh xảo trên các trang thương mai trực tuyến. Giá bán cao ngất ngưởng là một trong những rào cản khiến nhiều hãng đồng hồ không đầu tư mạnh vào các trang thương mại điện tử.

Song giờ đây tình hình đã khác. Công ty tư vấn Bain & Co dự báo doanh thu bán đồng hồ từ các trang web sẽ chiếm 25% tổng doanh thu hàng hóa xa xỉ vào năm 2025, so với mức 9% vào năm ngoái. Để thu hút các khách hàng trẻ, các thương hiệu đồng hồ, từ nhỏ đến lớn, đang gia nhập xu hướng thương mại trực tuyến của thế giới hàng xa xỉ nói chung.

“Chúng tôi nhận ra rằng thế hệ thiên niên kỷ (18-34 tuổi) đang nhanh chóng chuyển sang mua ô tô và đồng hồ qua các kênh trực tuyến”, Jean-Claude Biver, Giám đốc mảng kinh doanh đồng hồ của Tập đoàn LVMH, nói trong cuộc phỏng vấn gần đây ở hội chợ triển lãm đồng hồ thế giới Baselworld tại thành phố Basel, Thụy Sĩ.

Ông Biver cho biết thương hiệu đồng hồ Tag Heuer của LVHM, vốn từ lâu gắn liền các cuộc tài trợ đua xe ô tô, đang có ý định thiết lập các trang web mua sắm đồng hồ riêng của thương hiệu này trong vòng 18 tháng tới,

Tag Heuer đang vận hành các kênh bán hàng trực tuyến ở năm nước gồm Mỹ và Anh và đang là đối tác của công ty thương mại điện lớn thứ hai Trung Quốc JD.com. Các thương hiệu đồng hồ khác của LVHM gồm Hublot và Zenith rồi cũng sẽ bắt chước con đường của Tag Heuer.

Nhiều hãng đồng hồ đã thử bán hàng trên các trang web, thường là thông qua sự hợp tác với các công ty bán lẻ hàng hiệu trực tuyến.

Khách hàng sành công nghệ ở châu Á đã góp phần thúc đẩy các hãng đồng hồ phải tìm cách đầu tư hơn nữa vào mảng kinh doanh trực tuyến. Trung Quốc đã vượt mặt Mỹ vào năm ngoái để vươn lên trở thành nơi có lượng truy cập vào các trang web bán đồng hồ cao cấp với tuần suất cao nhất, theo công ty tư vấn DLG.

Bảo vệ hình ảnh

Nguy cơ mất kiểm soát hình ảnh thương hiệu trên các trang bán lẻ xa xỉ phẩm của bên thứ ba cũng khiến các hãng đồng hồ lo lắng. Các hãng đồng hồ nhận thấy rằng, họ cần kiểm soát hình ảnh trực tuyến của họ giữa lúc các trang web bán đồng hồ của các đại lý không chính thức mọc lên như nấm.

“Chúng tôi muốn giúp người tiêu dùng an tâm trong khi chúng tôi cũng nhận thấy rằng ngày nay, khách hàng có thể mua đồng hồ khi đang ở nhà uống một ly rượu”, Jerome Biard, Giám đốc điều hành của hãng đồng hồ Corum (Thụy Sĩ) nói. Ông cho biết, trang thương mại trực tuyến đầu tiên của Corum sẽ chính thức hoạt động trong khoảng hai tháng tới.

Nhiều hãng đồng hồ khác đang dồn dập rót tiền vào thương mại điện tử khi họ đặt cược vào tiềm năng tăng trưởng của doanh thu bán hàng trực tuyến. Hãng kinh doanh hàng xa xỉ Richemont (Thụy Sĩ), chủ sở hữu của hai thương hiệu đồng hồ Cartier và Baume & Mercier đang ra giá 2,8 tỉ euro để nắm quyền kiểm soát của hãng bán lẻ hàng hiệu trực tuyến Yoox Net-a-Porter (Ý).

“Không còn tâm lý nghi ngại việc mua đồng hồ qua kênh bán hàng trực tuyến nữa”, Anish Bhatt, một tín đồ đồng hồ có 1,7 triệu người theo dõi trên tài khoản Instagram nói. Bhatt đang hợp tác với các thương hiệu đồng hồ như Rolex và Chopard trong các chiến dịch quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội.

Bhatt cho rằng bấy lâu nay, các hãng đồng hồ bị kìm hãm bởi quan điểm sai lầm cho rằng hoạt động buôn bán đồng hồ chỉ có thể diễn ra trong một môi trường sang trọng “với các nhân viên bán hàng mang bao tay lụa, giới thiệu sản phẩm trong khi bạn nhấp sâm-banh”.

Các hãng đồng Thụy Sĩ khác như Oris và Breitling cũng xác nhận rằng họ đang lên kế hoạch mở rộng kinh doanh trực tuyến. Tuy nhiên, nỗ lực xâm nhập vào thế giới thương mại điện tử cũng vấp phải những hạn chế.

Jean-Christophe Babin, Giám đốc điều hành của hãng đồng hồ và nữ trang Bulgari (Ý), cho rằng khách hàng phải ghé một cửa hàng truyền thống để mua đồng hồ nếu họ muốn một số chỉnh sửa cho chiếc đồng hồ mà họ mua. Bulgari đang bán đồng hồ trên nhiều trang thương mại điện tử của hãng này tại Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Anh. Hãng này dự định mở rộng mạng lưới kinh doanh trực tuyến ra toàn bộ châu Âu vào cuối năm nay. Bulgari cho biết mức trần giá bán của các đồng hồ mang các thương hiệu của hãng này sẽ vào khoảng 30.000-40.000 euro/chiếc.

Tuy nhiên, vẫn có những thương hiệu lánh xa thương mại trực tuyến. Hãng xa xỉ phẩm Chanel (Pháp) đã nói “không” với thương mại điện tử cho các sản phẩm áo quần thời thượng các túi xách hay đồng hồ. Còn hãng đồng hồ cao cấp Rolex (Thụy Sĩ) vẫn chưa có kế hoạch thiết lập kênh bán hàng trực tuyến riêng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối