Chế Cẩm Đình -
Cay Xỏn Phom Vi Hản là thành phố lớn thứ hai đất nước Lào, chỉ sau thủ đô Viêng Chăn, lấy tên một vị lãnh đạo cách mạng. Tên cũ của thành phố là Savannakhet, xuất phát từ Savanh Nakhone, có nghĩa là “thành phố thiên đường”, nằm ngay bên bờ đông của dòng sông Mekong như hầu hết các thành phố lớn khác của nước Lào.
Đôi bờ Mekong
Sớm ban mai, bầu trời trong xanh không một chút gợn mây, tỏa xuống một thứ nắng ruộm vàng như tơ, mà phía bên này dãy Trường Sơn mới có màu nắng ấy, tựa như ở Tây Nguyên bên mình. Phố xá ban mai còn ít người qua lại, chỉ thấy hàng dãy xe hơi đời mới loại bảy chỗ và bán tải đủ hiệu, đủ màu đậu dọc theo các con đường trước các ngôi biệt thự chờ chủ nhân thức dậy. Vài chiếc xám lọ (xe 3 bánh) chở mấy em nhỏ đầu chỏm bận âu phục áo trắng quần xanh mực đến trường tiểu học, các anh chị lớn hơn thì chạy xe máy để đầu trần, vì luật giao thông Lào không bắt buộc đội mũ bảo hiểm giống ở các nước khác.
Người Pháp quy hoạch Savannakhet theo mô hình đô thị ở châu Âu. Phố xá vuông vức như bàn cờ, nhà cửa thấp tầng, chủ yếu là biệt thự mới theo khuôn đất của ngày trước để lại, trong vườn ngập cây xanh nên nội ô ở đây hầu như không trồng bất cứ một hàng cây nào mà cảm giác vẫn rất mát mẻ, dù đang vào mùa khô. Tiếng Pháp vẫn còn được sử dụng nhiều trên các biển hiệu hàng quán, trường học và cả công sở như là một di sản thời thuộc địa để lại. Tiếng Việt cũng có nhưng ít hơn, chủ yếu ở bến xe và chợ, dùng song song với tiếng Lào. Thỉnh thoảng gặp biển hiệu tiếng Hoa ở các hàng ăn hoặc chỗ kinh doanh nữ trang, khiêm tốn hơn so với sự có mặt đông đúc của những cư dân gốc Hoa âm thầm lặng lẽ làm ăn trên xứ người.
Ăn sáng món phở lai hủ tiếu tại quán ăn của một gia đình người Huế khá hợp vị, mười ngàn kíp một tô, tức khoảng hăm bảy ngàn đồng bên mình, cũng rẻ nên khá đông khách, cả Việt lẫn Lào, với một ông Tây, chắc người Pháp. Ra một bưu cục nhỏ ở góc phố Sotthanou mua cái SIM 3G giá năm chục ngàn kíp thay vào điện thoại, thế là gọi điện thoại ầm ầm với Việt Nam ngay, giải quyết được bao nhiêu công việc với đồng nghiệp ở nhà trên mạng.
Vì không có giấy phép liên vận để lái xe sang Thái Lan nên tôi vơ lấy cây gậy “tự sướng” nhảy xe buýt chỉ với 50 baht (chưa đến 38.000 đồng tiền Việt) để qua Mukdahan, thành phố phía đông vùng Isan của Thái Lan ngay bên dòng Mekong. Mười năm trước tôi cũng từng qua đó, bằng bến phà ngay cuối phố Khuanpasa bên này, qua bên kia là đầu đường Pracha Samakkhi của thành phố “hòn ngọc mắt thiên nga” theo tiếng Thái. Tức là hai thành phố cặp sát đôi bờ Mekong như tựa của phần cuối bài viết này. Thì hôm nay cầu Hữu Nghị II đã nối liền hai bên, chỉ mươi phút hành trình với thủ tục xuất nhập cảnh qua hai cửa khẩu hai đầu cầu và chừng nửa giờ là xe buýt trả khách tại bến xe trung tâm Mukdahan. Loay hoay hỏi “khon cáp thào đạy môông lốt pay Sa Vẳn – tức mấy giờ xe này về lại Sa Vẳn?” thì bác trả lời “hai rưỡi!”, trời! Té ra bác là Việt kiều, thấy mình lớ ngớ nên biết chắc là bên Việt Nam qua, mới dặn dò thêm đi đâu thì đi, cứ nói người ta chở về “Sa tha ni lốt – bến xe” là được.
Đường phố thành phố Cay Xỏn Phom Vi Hản buổi sáng.
Ghé quán cà phê kiểu Thái ngay trong bến xe gọi cốc Cappuccino cũng có giá 50 baht nhâm nhi, ngắm người qua lại, thấy cuộc sống nơi đây cũng thanh thản như ở Lào, chứ không khác nhau là mấy. Người mua vé đi Chiềng Mạy, kẻ đứng trước quầy nhà xe đi Bangkok hay Udon, hoặc đi Nakhone đủ cả, không thấy một chút gấp gáp nào hiện lên trên khuôn mặt họ, mà là những ánh nhìn thân thiện đến dễ chịu khi trao đổi cùng nhau.
Đất khách
Rời quán cà phê, bước chân qua dãy xe khách loại mười sáu chỗ, tôi bất chợt lặng người khi nhìn thấy trước táp lô chiếc xe là một nải chuối cau, bên trên là một bó bông vạn thọ vàng với bó nhang đã rút mấy cây, giống hệt các đầu xe ở Việt Nam thường cúng cầu an vào những ngày sóc vọng.
Vào một quầy tạp hóa xin tham khảo mấy món hàng tiêu dùng theo công việc, gặp chị Lệt với chị Polatthai cũng là Việt kiều thế hệ thứ ba. Ông ngoại người Điện Biên, bà ngoại người Sơn La, cả hai qua Lào lập nghiệp từ hồi năm bốn mấy, gặp nhau và nên vợ nên chồng ở Sê Nô rồi qua Thái ngụ cư sinh con đẻ cháu nơi đây. Hỏi thăm con cái các chị còn nói được tiếng Việt không, thì nói ít lắm, phai dần rồi vì không còn ai dạy chữ như lúc chị còn nhỏ. Cũng kể là về Việt Nam được mấy lần, nhưng lâu lắm rồi. “E bây giờ khác lắm em nhỉ!” Rồi các chị hỏi qua đây làm gì, sao đi có một mình. Tôi kể rằng qua đây chơi, vừa tham khảo mẫu mã mấy mặt hàng mà hãng mình làm việc muốn có. Hỏi đường ra siêu thị, chị Lệt nhanh nhảu chạy ra ngoài bắt ngay một xe tuk tuk, như xe xám Lọ bên Lào, kêu chở tôi ra Big C, cũng chỉ tốn 50 baht. Trước khi đi hai chị em chụp cùng nhau tấm hình kỷ niệm, rồi kết nối Facebook với nhau như là người quen tự bao giờ mới gặp lại.
Dạo một vòng quanh siêu thị, chụp mấy chục bức hình các kệ hàng hóa mà không bị ai nhắc nhở. Xong việc đi ra sảnh mua chục bánh khọt ăn thay bữa trưa, rồi bắt tuk tuk đi ra chợ trưa tham quan mấy gian hàng. Dừng lại trước một quầy nông ngư cụ, thích thú ngắm nhìn đủ thứ món hàng gắn liền với nền văn minh nông nghiệp như cuốc, xẻng, mai, thuổng và cả lò đất. Ngư cụ bằng tre không thiếu thứ gì, nào lọp, đú, lờ, hom hoặc nơm cá đều đủ cả, chẳng khác gì Việt Nam. Xin chụp hình, tự giới thiệu là người Việt qua chơi, thì té ra chủ hàng cũng là người Việt, dì Gái quê gốc Hương Trà, Thừa Thiên-Huế, cha mẹ đẻ ở bên này. Lại bắt chuyện như bà con mới gặp, hỏi han đủ điều bên nhà cuộc sống ra sao, dạo này chắc khá hơn trước? Hỏi dì buôn bán làm ăn ở đây có thuận lợi, dì nói xung quanh đây người Việt cả, nên đùm bọc nhau sinh sống. “Đó, trong chợ con nhìn vậy chứ toàn người bên mình không hà, chỉ có hai nhà đằng kia là người Hoa thôi, mà họ cũng tha hương như mình nên cũng xem nhau như là người một nhà, chứ không phân biệt gì”.
Đến chợ Sáng cũng gần đó, vẫn là những hàng quán của đa số bà con Việt kiều mở ra làm ăn buôn bán. Mới thầm nghĩ có lẽ nghề này chỉ cần nhạy bén là được, chứ không phải học hành gì. Bởi lẽ ngày xưa khi qua đây thì bà con cầm chừng cuộc sống qua ngày chờ hết chiến tranh lại về, nào đâu nghĩ đến học hành làm chi, với lại có biết chữ Thái đâu mà học. Chiến tranh kéo dài, hết kháng Pháp rồi đánh Mỹ, bà con ở lâu thành quê quán, lập nghiệp bằng nghề buôn bán là dễ nhất, để lại cho con cháu cũng nghề ấy mà sinh sống lâu dài.
Mukdahan là thành phố loại vừa, chỉ chừng một trăm ngàn dân, ít hơn so với bên Phom Vi Hản, diện tích nội ô nhỏ hơn nhiều. Giao thông bên này đi về bên trái, làm tôi suýt gặp tai nạn khi đi bộ băng qua đường vì cứ nhìn chiều nghịch theo thói quen ở Việt Nam, thì một chiếc bán tải phanh kịt ngay sau lưng. Hoảng hồn nhìn tài xế đang thò đầu ra, tôi nói “xin lỗi, xin lỗi”, sực nhớ đang ở đất Thái nên chắp tay cúi đầu “Khỏ thôt cáp, khon Viet, khon Viet – xin lỗi anh, em là người Việt, người Việt”. Nhận được cái gật đầu mỉm cười thông cảm rất đỗi hiền từ, lại còn vẫy tay “La con, la con cáp – tạm biệt, tạm biệt” rồi lái đi tiếp.
Chốc lát đã qua đầu giờ chiều. Tính xuống bến phà cũ mua ít đồ trang sức bạc cho mấy sắp nhỏ bên nhà, vì bạc Thái bền sáng, như chiếc nhẫn tôi mua hơn mười năm trước đang đeo ngón tay vẫn còn đẹp, nhưng sợ trễ giờ về nên thôi. Vẫy một chiếc tuk tuk dừng lại, kêu chở đi một vòng mấy con phố nữa, rồi chạy ra thẳng cửa khẩu chứ không về lại bến xe, hết trăm tư baht, làm thủ tục xuất cảnh khỏi Thái Lan rồi mua chiếc vé xe buýt thêm 50 baht nữa, một lát thì lên xe tạm biệt Thái Lan. Xe qua cầu biên giới, ngắm mấy hòn cù lao xanh mướt nổi giữa dòng Mekong.
Bạn dọc đường
Chặng xe dù rất ngắn, nhưng tôi cũng kịp làm quen với Som, cô gái người Lào qua Thái có việc. Vì tỉnh liền kề nên người Savannakhet qua Mukdahan chỉ cần sử dụng giấy thông hành thay cho hộ chiếu. Som làm việc cho Liên doanh quốc tế cầu Hữu Nghị II Lào-Thái, phân nhánh Sê Pôn. Cô nói tiếng Anh trôi chảy, chứ không như tôi cứ lúng búng rứt từng từ ê ê a a như gà mắc tóc khi muốn diễn đạt một điều gì. Tôi khen người Lào cũng như người Thái rất tốt, ai cũng hiền lành dễ mến, thì cô nói người Việt ở đây cũng vậy. À, thì ra đất lành làm nên tính cách hiền hòa của con người, chứ không phân nguồn kể gốc. Hẹn Som có dịp thì nên qua Việt Nam chơi cho biết, “Việt Nam cũng đẹp lắm em à!”
Xuống Bến xe Cay Xỏn, ghé hàng ăn gọi tô mì dằn bụng. Chờ bạn qua đón rồi ra cây số mười hai đổ xăng chuẩn bị cho hành trình về lại Việt Nam. Người Lào rất nhanh chóng thích nghi với xu thế kinh doanh kiểu mới, trong tổ hợp cây xăng có đủ thứ dịch vụ, nào cửa hàng tiện lợi, hàng ăn fastfood và cả quán cà phê Amazon thiết kế hiện đại như phương Tây. Vào quán ngồi uống nước, gặp Thoong cũng là Việt kiều, bố mẹ gốc Hà Nội qua Pakse rồi về đây lập nghiệp. Thoong là chủ một quán bar khá lớn ở Sa Vẳn này, đang muốn mở rộng thêm diện tích để đáp ứng đủ chỗ cho khách vào mỗi dịp cuối tuần. Tiếng Việt của Thoong còn khó nghe hơn mấy dì mấy chị bên Thái. Mới hỏi con của anh có nói được tiếng mình không? “In ít thôi anh à, nghe bố nói thì nói theo, chứ mẹ mấy cháu là khon (người) Lào, đâu có dạy được. Vả lại, trẻ con ở đây người ta cho đi học tiếng Hoa ở các trường quốc tế, cùng với Anh ngữ. Còn chữ Thái thì cứ xem ti vi cả ngày là tự nhiên đọc được, khỏi phải học. Nên lớn lên chúng sẽ nói được đủ thứ tiếng cả, đi đâu làm ăn gì cũng giao tiếp được, không đâu bằng ở đây, anh xem có đúng không”, Thoong nói.
Năm giờ chiều tôi rời Phom Vi Hản, xuôi đường 9 về lại Việt Nam chỉ sau một ngày đêm với đôi bờ sông Mekong ăm ắp danh lam thắng cảnh, chùa chiền mà tôi còn chưa đến thăm được. Tám rưỡi tối đến cửa khẩu Lao Bảo, vừa kịp làm thủ tục nhập cảnh về nhà. Ngoái nhìn lại phía tây lần nữa với hoài cảm về một vùng đất đẹp đẽ tôi vừa đi qua. Ở đó còn rất nhiều những dòng máu Việt đang âm thầm chảy trong từng huyết quản mà luôn niệm nhớ về quê hương nguồn cội bên bờ biển Đông.
La con mường Thái, khỏ la pa thết Lào! (Tạm biệt đất Thái – tiếng Thái, tạm biệt xứ Lào – tiếng Lào) Hẹn một ngày tôi sẽ lại lên thăm, sẽ đi Chiềng Mạy, sẽ về Viêng Chăn theo những lời mời thân ái từ bè bạn trên ấy. Ừ, tôi sẽ lên!