(SGTT) - Một số trường hợp bị đột quỵ trong khi đang làm việc hay đang tập luyện thể thao xảy ra trong thời gian gần đây khiến nhiều người dân, đặc biệt là người trẻ tuổi, thấy lo lắng.
Tình trạng người trẻ bị đột quỵ chủ yếu do chịu nhiều áp lực, dẫn đến các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ ngày càng tăng cao, trong khi ý thức theo dõi và chăm sóc sức khỏe vẫn chưa được chú trọng.
Những yếu tố gây đột quỵ
Đối với giới văn phòng, nguyên nhân gây đột quỵ là do thói quen ít vận động gây thừa cân, béo bụng, tăng mỡ nội tạng, tăng mỡ máu; thói quen ăn uống và lối sống không lành mạnh gây ra các bệnh lý mạn tính như thiếu máu, tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, gút… và một nguyên nhân nữa là công việc áp lực, căng thẳng, dễ nóng giận, cáu gắt…
Người tập thể hình (gym), ngoài các nguy cơ như nói trên còn phải đối mặt với các vấn đề khác như tập luyện quá sức gây tăng huyết áp, cơ thể toát mồ hôi nhiều nhưng không uống đủ nước gây cô đặc máu, không có chế độ ăn uống phù hợp khi luyện tập cường độ cao. Do đó người tập thể thao cường độ cao dễ bị đột quỵ hơn nếu như không theo dõi và điều trị các vấn đề sức khỏe đang có hay tầm soát những bệnh lý tim mạch tiềm ẩn, vốn chỉ xuất hiện khi tập luyện gắng sức.
Cách phòng tránh
Để phòng tránh, cần giữ số cân nặng phù hợp với chỉ số cơ thể BMI từ 18,5 – 23,5. Chỉ số BMI còn được gọi là chỉ số khối lượng cơ thể. Dựa vào chỉ số BMI của một người có thể biết được người đó béo, gầy hay có số cân nặng lý tưởng.
Chú ý cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Hãy ăn đa dạng các loại thực phẩm. Ăn nhiều các loại rau quả nhiều màu sắc khác nhau trên 300g mỗi ngày, các loại trái cây khoảng 200g mỗi ngày.
Về chế độ vận động, nên duy trì lối sống năng động, tích cực vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày. Uống đủ nước trước, trong và sau tập thể thao. Không tập luyện ở môi trường quá nóng hoặc quá lạnh.
Đối với những người có bệnh lý mạn tính, chú ý chế độ điều trị và theo dõi sức khỏe.
Lưu ý khi cấp cứu người bị đột quỵ
Trong cấp cứu đột quỵ, thời gian là rất quan trọng. Ngay từ đầu, hãy chọn những bệnh viện có khả năng cấp cứu và điều trị đột quỵ để tránh làm mất thời gian vàng do chuyển đến bệnh viện không có khả năng xử lý đột quỵ và phải chuyển viện tiếp sau đó. Một số bệnh viện thường cấp cứu người đột quỵ như bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM…
Trong khi chờ xe cấp cứu tới, người xung quanh cần lưu ý các hoạt động sau đây:
- Đỡ, dìu và đặt người bệnh ở vị trí ổn định như trên giường, trên sàn.
- Quan sát để đảm bảo môi trường xung quanh người bệnh được an toàn, rộng rãi, có thể thao tác vận chuyển người bệnh dễ dàng…
- Để người bệnh nằm ở tư thế thoải mái, nằm nghiêng, đầu hơi ngửa. Hỗ trợ khi người bệnh nôn trớ nhằm tránh người bệnh hít sặc dịch nôn.
- Kiểm tra bằng tay hoặc lắng nghe người bệnh thở. Nếu người bệnh không thở, phải thực hiện ấn tim ngoài lồng ngực. Nếu người bệnh thở khó, hãy để đầu người bệnh ở tư thế ngửa và nới lỏng cổ áo, cà vạt, hay khăn quàng cổ.
- Nói rõ với nhân viên y tế về tình huống đột quỵ của người bệnh. Báo ngay cho nhân viên y tế nếu người bệnh bị té ngã, bị va đập vào đầu hay chỗ khác nếu có.
Bác sĩ Nguyễn Văn Anh
Cố vấn chuyên môn của Dịch vụ bác sĩ gia đình HomeDoctors