Thứ bảy, Tháng Một 25, 2025

Đọc kỹ quy định để không bị phạt

VÂN LY - 

Điện thoại mẹ bồng con, thiết bị kích sóng di động, tai nghe không dây, thiết bị giám sát trẻ nhỏ... là những thiết bị điện tử đang được dùng phổ biến tại các gia đình. Song, trong các thiết bị đó hiện có khá nhiều sản phẩm thuộc diện bị cấm sử dụng do gây can nhiễu cho mạng viễn thông và những mạng dùng riêng khác. Do đó, nếu các gia đình vô tình sử dụng những thiết bị này, có thể sẽ bị xử phạt.

Vi phạm mà không biết

DSCF1954800

Sinh sống tại một khu dân cư dày đặc với nhiều nhà cao tầng nên sóng điện thoại di động ở nhà chị Thúy (khu Thành Công, Hà Nội) rất yếu. Thấy thiết bị kích sóng di động được bán trên thị trường, chị mua về sử dụng. Nhưng gần đây chị đã bị các cơ quan chức năng xử phạt hành chính do sử dụng thiết bị này gây can nhiễu đến mạng di động.

Còn chị Thanh sống ở khu đô thị Ciputra Hà Nội cho biết chị có người nhà mang về cho điện thoại mẹ bồng con dùng phổ biến ở Mỹ. Khi sử dụng, chị đã bị phạt hành chính do điện thoại không phù hợp tại Việt Nam vì gây nhiễu sóng di động.

Theo Cục Tần số vô tuyến điện (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông), trong những năm gần đây, tình trạng vi phạm trong quản lý tần số vô tuyến điện ngày càng gia tăng, nhiều nhất là vi phạm trong việc sử dụng điện thoại không dây kéo dài DECT 6.0 không đạt chuẩn và sử dụng trạm kích sóng di động trái phép gây can nhiễu mạng di động.

Số liệu từ Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, năm năm qua tại 25 tỉnh, thành phố trên cả nước xảy ra nhiều vụ can nhiễu (làm mất sóng hoặc ảnh hưởng) mạng di động 3G, do người dân sử dụng thiết bị phát sóng chuẩn DECT 6.0 gây ra (như các loại điện thoại không dây, thiết bị giám sát em bé, tai nghe không dây...). Tính đến cuối năm 2015, cục đã kiểm tra và xử lý gần 3.500 thiết bị phát sóng chuẩn DECT 6.0 gây nhiễu cho trên 1.200 trạm phát sóng di động tại nhiều tỉnh, thành, trong đó phần lớn người dân không biết mình vi phạm. Cơ quan quản lý tần số cũng xử lý 1.078 điện thoại không dây DECT 6.0 gây nhiễu cho mạng 3G.

Vừa qua, ngày 26-1, Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Sơn Nhất đã yêu cầu hành khách làm thủ tục tái xuất 7 điện thoại không dây loại mẹ bồng con chuẩn DECT 6.0 – loại điện thoại không được sử dụng tại Việt Nam vì hoạt động trong dải tần số không phù hợp với quy hoạch tần số vô tuyến điện của Việt Nam, khi sử dụng sẽ gây can nhiễu cho mạng di động 3G. Đây là chủng loại thiết bị vô tuyến điện nhập khẩu có điều kiện.

Năm 2015, số lượng thiết bị kích sóng gây can nhiễu cũng tăng lên đột biến, các cơ quan quản lý tần số đã phát hiện 173 vụ. Trong khi số vụ bị phát hiện năm 2013 là 38, năm 2014 là 9. Các thiết bị kích sóng di động (hay còn gọi là trạm lặp) gây nhiễu hầu hết là không hợp chuẩn, hợp quy và không đảm bảo chất lượng phát xạ, được các tổ chức, cá nhân tự ý mua về sử dụng để cải thiện vùng phủ sóng di động trong nhà, trụ sở công ty.

[box] Nhằm khắc phục tình hình thiết bị kích sóng di động được các gia đình sử dụng cho khu vực sóng yếu gây can nhiễu làm ảnh hưởng đến sóng di động và để tiện quản lý, hạn chế ảnh hưởng, ông Tống Viết Trung, Phó tổng giám đốc Viettel, đã đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cần bổ sung quy định cấp giấy phép cho các đơn vị, cá nhân dùng thiết bị này. Bởi khi thiết bị được đưa vào diện cấp phép thì người dùng chỉ có thể sử dụng những thiết bị đạt chuẩn, không gây can nhiễu ảnh hưởng đến sóng di động của các nhà mạng.[/box]

Có thể bị phạt tù

Để ngăn ngừa việc sử dụng tần số và thiết bị phát sóng sai quy định về băng tần hoạt động, tiêu chuẩn chất lượng gây nhiễu có hại, tăng cường công tác phối hợp kiểm soát đảm bảo an toàn, an ninh. Tại hội nghị tổng kết năm năm thực thi Luật Viễn thông và Luật Tần số vô tuyến điện được tổ chức vào ngày 18-3, ông Khúc Đăng Tuấn, Trưởng tiểu ban phối hợp xử lý can nhiễu của Ủy ban Tần số vô tuyến điện quốc gia, cho rằng Bộ Thông tin và Truyền thông cần tăng cường tổ chức tuyên truyền phổ biến quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện cho người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường quản lý, kiểm tra chất lượng thiết bị vô tuyến trong quá trình sản xuất trong nước, nhập khẩu và sử dụng.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp với Bộ Công an, Tổng cục Hải quan và các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc nhập khẩu thiết bị phát sóng vô tuyến điện.

Được biết, để tăng nhận biết cho người dân về các thiết bị điện tử, vô tuyến cấm sử dụng tại Việt Nam, Cục Tần số vô tuyến điện đã đăng tải khuyến cáo về việc sử dụng thiết bị kích sóng di động và danh sách các thiết bị phát sóng vô tuyến điện nghiêm cấm sử dụng tại Việt Nam. Các thông tin này có trên trang web www.rfd.gov.vn.

Trong khi hiện còn nhiều người dân, cơ quan vô tình vi phạm về tần số vô tuyến điện mà không hay biết thì theo quy định của pháp luật sẽ áp dụng từ 1-7 tới, việc vi phạm trong lĩnh vực này có thể bị phạt tù tới năm năm.

Theo Bộ luật Hình sự sửa đổi đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 27-11-2015 tại kỳ họp thứ 10, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016, trong các tội danh mới được bổ sung vào bộ luật này có hai tội danh về lĩnh vực tần số vô tuyến điện, quy định người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm, chứ không chỉ bị xử phạt hành chính như trước.

Theo đó, bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: có tổ chức, hoặc gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên, hoặc tái phạm nguy hiểm. Còn mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm được áp dụng cho những đối tượng sử dụng tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh vào mục đích khác; hoặc người nào cố ý gây nhiễu có hại, cản trở hoạt động bình thường của hệ thống thông tin vô tuyến điện nếu gây thiệt hại từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối