Nguyên Bảo -
Vụ cháy chung cư Carina Plaza (quận 8, TPHCM) ít nhiều tác động đến các đối tượng tham gia thị trường căn hộ. Nhưng liệu rằng giá căn hộ có bị đẩy lên nếu như hệ thống phòng cháy chữa cháy được đầu tư đúng mức?
Giảm nhiệt trong ngắn hạn
Chị T. Thủy sau nhiều năm ở trọ đang có ý định mua căn hộ 50m2 tại một trong các quận ven trung tâm TPHCM. Nhưng sau vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng ở chung cư Carina Plaza, chị đang lưỡng lự với sản phẩm căn hộ. Theo chị Thủy, một là người mua khó lòng kiểm chứng được chất lượng của hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại chính căn hộ mình sinh sống, phần nữa, dư âm của vụ Carina Plaza vẫn còn đó.
Tình trạng khách hàng bị tác động tâm lý đối với hạng mục căn hộ “hậu” Carina Plaza, theo đại diện một đơn vị phân phối bất động sản trên địa bàn TPHCM là có và ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ bán hàng của các nhà phát triển dự án.
Cùng quan điểm trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA), cho rằng sức hấp thụ của thị trường căn hộ đương nhiên bị ảnh hưởng, do chủ yếu từ tâm lý khách hàng, họ sẽ cân nhắc quyết định xuống tiền. Song, điều này chỉ diễn ra trong ngắn hạn, khoảng từ 3-6 tháng vì nhìn chung, ở chung cư là xu hướng tất yếu tại các đô thị lớn trên thế giới và TPHCM cũng không ngoại lệ.
Theo ông Châu, ngay như Singapore, 80% dân số nước này hiện đang ở chung cư nhưng họ vẫn giữ được an toàn, bởi thiết kế hệ thống PCCC trong các căn hộ được đảm bảo về mặt chất lượng. Đồng thời trong quá trình đưa các toà nhà vào vận hành, từ chủ đầu tư, đơn vị quản lý cho đến cư dân đều tuân thủ các quy định về PCCC. Đó là chưa kể việc tập huấn về PCCC cho cư dân cũng được tiến hành thường xuyên nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống khi có sự cố xảy ra.
Đứng ở góc độ nhà phát triển dự án, ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House), bày tỏ sau sự cố Carina Plaza, thị trường căn hộ có bị ảnh hưởng nhưng không nhiều. Vì về lâu dài, với hiện trạng quỹ đất ở khu vực nội thành TPHCM ngày một khan hiếm, không còn nhiều dư địa để phát triển loại hình nhà thấp tầng thì căn hộ sẽ là lựa chọn của đa số người dân thành thị.
“Vấn đề ở đây là phải quản lý chất lượng thiết kế PCCC thật chặt chẽ”, ông Hiếu nói. Đại diện Thuduc House cũng cho biết thêm, công ty không có ý định thay đổi kế hoạch triển khai dự án mới, theo đó, trong tháng 4, Thuduc House dự kiến sẽ khởi công hai khu căn hộ ở phía Đông TPHCM.
Sức hấp thụ của thị trường căn hộ đương nhiên bị ảnh hưởng, do chủ yếu từ tâm lý khách hàng, họ sẽ cân nhắc quyết định xuống tiền. Song, điều này chỉ diễn ra trong ngắn hạn, khoảng từ 3-6 tháng vì nhìn chung, ở chung cư là xu hướng tất yếu tại các đô thị lớn trên thế giới, TPHCM cũng không ngoại lệ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM
Áp lực tăng giá?
Với vụ việc được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng như Carina Plaza, chỉ đứng sau trận hỏa hoạn của Trung tâm thương mại quốc tế (quận 1, TPHCM) cách đây 16 năm, hàng loạt vấn đề liên quan đến hệ thống PCCC tại các công trình cao tầng được đặt ra, từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp bất động sản cho đến người dân.
Ông Châu của HoREA cho rằng, hiện nay, hệ thống pháp luật quy định trách nhiệm của chủ đầu tư về an toàn PCCC tại các công trình cao tầng khá đầy đủ, nhưng việc có thực thi đúng hay không còn phụ thuộc vào cái tâm của nhà phát triển dự án, cụ thể là đầu tư bài bản hệ thống PCCC tại chỗ cũng như chất lượng của các trang thiết bị.
Đại diện HoREA cho rằng, việc tuân thủ về PCCC tại các toà nhà cao tầng, nhất là chung cư đã đến lúc cần phải được quan tâm một cách nghiêm túc. Thực tế, suất đầu tư cho toàn bộ hệ thống PCCC tùy thuộc vào từng toà nhà, hạng chung cư… nhưng chắc chắn không chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành của căn hộ. Hơn nữa, với áp lực cạnh tranh về nguồn cung hiện nay, sẽ không có chuyện chủ đầu tư đẩy giá căn hộ lên nếu hệ thống PCCC được đầu tư đúng mức. Ngược lại, muốn tạo sức hút và lấy được niềm tin của khách hàng, doanh nghiệp phải đặt yếu tố “đảm bảo an toàn PCCC” cho chính “đứa con tinh thần” của họ một khi giới thiệu ra thị trường.
Những người trong ngành cho biết, hệ thống PCCC chỉ là một phần trong hạng mục M&E (điện, nước…), mà hạng mục này chiếm khoảng từ 5-7% chi phí xây dựng công trình (từ 20 tầng trở xuống) nên chi phí đầu tư cho PCCC không đáng kể. Song, cũng chính vì lẽ đó mà những đối tượng liên quan (chủ đầu tư, nhà thầu, người mua căn hộ) thường “ngó lơ” phần thiết kế PCCC.
HoREA cho rằng, TPHCM đang ngày càng xuất hiện nhiều công trình cao tầng, để tránh sự cố đau lòng như Carina Plaza, tại các toà nhà phải tự trang bị phương tiện PCCC và phải có tầng thoát hiểm để các phương tiện cứu nạn, cứu hộ dễ tiếp cận, thêm nữa, phải có đội bảo vệ chuyên nghiệp, được trang bị kỹ năng cứu nạn để hướng dẫn cư dân khi có biến… Song, theo quan điểm của một chuyên gia bất động sản tại TPHCM, nếu đầu tư bài bản, đúng và đủ như thế (kể cả việc mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đối với công trình) thì chủ đầu tư phải chấp nhận giảm lợi nhuận.