Thứ ba, Tháng Một 28, 2025

Du lịch mạo hiểm, không thể thiếu GPS

CHÍ BẢO - 

Cái chết đáng tiếc của du khách người Anh trong tuần vừa qua đã khiến nhiều người, nhất là những người yêu thích đi phượt, nhìn lại việc trang bị kiến thức về kỹ năng sinh tồn, hành trang, thiết bị cần thiết cho hành trình du lịch mạo hiểm. Trong đó, không ít ý kiến đề cập tới vai trò quan trọng của thiết bị định vị GPS, giúp dân phượt xác định chính xác vị trí đang đứng, cho dù ở đồng bằng hay đồi núi.

Khi nào cần GPS chuyên dụng?

TeQyrm-1Với những chuyến đi phượt theo kiểu trèo đèo, vượt suối, cần mang theo thiết bị GPS để xác định vị trí.

Sau vụ tai nạn xảy ra với du khách người Anh, Aiden Shaw Webb (đã mất trong chuyến leo núi Fansipan), trên mạng xã hội đã có những bàn luận về kỹ năng cũng như các thiết bị cần thiết khi thực hiện những chuyến đi khám phá có tính mạo hiểm. Trong đó, những người từng đi phượt, leo núi… đã nhắc tới chức năng của thiết bị GPS (định vị toàn cầu với tín hiệu vệ tinh).

Anh H.T., một người thường xuyên tham gia các chuyến đi phượt dài ngày và leo núi, cho rằng nếu vị du khách người Anh nói trên mang theo một thiết bị GPS chuyên dụng dành cho dân phượt thì có lẽ sẽ tốt hơn so với việc sử dụng smartphone. Bởi vì ở khu vực đồi núi, tín hiệu mạng di động sẽ không thể phát huy hiệu quả, định vị chính xác như khi dùng thiết bị GPS (Global Positioning System).

Một số thành viên của các nhóm phượt cũng chia sẻ, có thể mang theo smartphone tích hợp GPS, bản đồ số cho những chuyến đi phượt theo kiểu trèo đèo, vượt suối, tuy nhiên vẫn phải mang kèm theo thiết bị GPS để xác định vị trí. Các loại smartphone có tính năng định vị (qua GPS) chỉ có thể dùng khi thực hiện hành trình phượt đơn giản, không thể sử dụng trong các chuyến du lịch mạo hiểm (leo núi, khám phá hang động…).

Việc dân phượt, những người đi xuyên rừng chọn GPS thay vì dùng la bàn định vị bởi vì la bàn có khả năng sẽ chạy loạn lên nếu trong khu vực đang đứng có mỏ sắt hay mỏ kim loại nặng; còn thiết bị GPS dù có bị cản trở tín hiệu bởi cây cối trong rừng hay mây phủ thì vẫn có lúc mây tan hoặc có khoảng trống để dùng GPS tìm ra tọa độ chính xác.

Một điểm quan trọng nhất là khi sử dụng GPS dành cho du lịch mạo hiểm, thời lượng pin sẽ dài hơn so với smartphone. Một chiếc smartphone nếu sử dụng theo cách thức bình thường thì pin cũng chỉ có thể duy trì được khoảng hai ngày; còn nếu như liên tục kết nối tín hiệu 3G/GPRS để định vị sẽ nhanh chóng sụt giảm pin. Trong khi đó, thiết bị GPS cầm tay có thể hoạt động trong vòng 5-7 ngày.

Mục đích nào, dùng GPS nấy

smartphone_as_gps_11-1

Thị trường thiết bị GPS dành cho dân du lịch hiện đang có dấu hiệu “chùng xuống” do phong trào đi phượt, chấm tọa độ (hay còn gọi là đi chấm) không còn sôi động như trước. Đồng thời, đối với việc đi phượt thông thường, không phải leo núi, vượt thác… thì dân phượt lại thích mang theo smartphone tích hợp GPS.

Chủ một trang web trước đây chuyên kinh doanh thiết bị hỗ trợ cho dân phượt, nay chuyển qua kinh doanh mặt hàng khác, nói: “Lúc này, thiết bị GPS cá nhân dành cho dân phượt khó bán, các cửa hàng chuyển qua bán thiết bị GPS dùng trên ô tô, kinh doanh camera hành trình”. Hoặc họ sẽ kinh doanh các thiết bị GPS đa năng, có khả năng sử dụng trên ô tô cũng như mang theo khi đi du lịch dã ngoại, khám phá rừng núi. Thậm chí, có thể sử dụng cho việc định vị người thân (trẻ em, người già…) khi kết hợp sử dụng tín hiệu vệ tinh GPS và sóng di động GSM/GPRS, người chủ trang web này cho biết thêm.

Dân phượt chuyên nghiệp cũng thường phối hợp sử dụng smartphone với các thiết bị GPS chuyên dùng cho tour mạo hiểm. Đối với những chuyến phượt bình thường họ chỉ cần dùng smartphone là đủ. Điều quan trọng cho việc xác định vị trí vẫn là bản đồ số nên chỉ cần trên smartphone có bản đồ số cộng tính năng định vị GPS là có thể dùng khi đi phượt.

Tại một số cửa hàng kinh doanh thiết bị GPS cá nhân, giá bán các thiết bị GPS đa năng hiện nay thấp hơn nhiều so với cách đây 2-3 năm. Một thiết bị GPS đa năng, có khả năng kết hợp định vị bằng tín hiệu vệ tinh GPS cũng như sóng di động GSM/GPRS có giá bán vào khoảng 1,5-2 triệu đồng. Trước đây, các loại GPS cá nhân (còn gọi là GPS cầm tay) bình dân cũng có giá bán từ 3 triệu đồng.

Một số cửa hàng bán xe đạp leo núi ở TPHCM cũng kết hợp kinh doanh các dụng cụ hỗ trợ dân phượt, camera hành trình, thiết bị GPS cầm tay… Tuy nhiên, chủng loại GPS cầm tay ở các cửa hàng này chưa được đa dạng, họ chủ yếu chỉ bán những loại GPS phổ thông, sử dụng kết hợp với sóng di động GSM/GPRS.

Hiện nay, không chỉ dùng thiết bị GPS để định vị cho ô tô, xe máy hoặc người thân; trên thị trường đã xuất hiện các loại GPS “siêu nhỏ” dùng để định vị thú cưng (chim cảnh, thú quý hiếm, chó mèo…). Các thiết bị này thường kết hợp định vị GPS với xác định vị trí thú cưng thông qua tín hiệu di động 3G/GSM.

Thị trường kinh doanh thiết bị GPS cầm tay vẫn đang ở trong thời kỳ trầm lắng và hầu hết các cửa hàng đang bán các sản phẩm nhập về Việt Nam theo hình thức “xách tay”. Phong trào phượt, du lịch mạo hiểm ở Việt Nam vốn chưa đủ mạnh để các công ty chuyên doanh dụng cụ hỗ trợ dân phượt, dân leo núi… nhảy vào mở các cửa hàng kinh doanh các sản phẩm đặc thù này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối