DIỄM MI -
Khám phá những vùng đất mới để trải nghiệm văn hóa ẩm thực, lối sống luôn là mong ước của rất nhiều người vì không phải ai cũng có đủ thời gian, tiền bạc, sức khỏe. Cũng vì lẽ đó mà những cuốn sách du ký trở nên đắt hàng, nhất là với giới trẻ.
Bạn đọc chụp ảnh với tác giả Đinh Hằng (đeo kính) trong buổi ra mắt sách ngày 10-9. Ảnh: Diễm Mi
Cuối tuần vừa qua, tác giả Đinh Hằng (sinh năm 1987) có buổi ra mắt cuốn sách thứ hai mang tên Chân đi không mỏi – Hành trình Đông Nam Á tại đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1, TPHCM. Sau khi cuốn sách đầu tiên Quá trẻ để chết – Hành trình nước Mỹ ra mắt, người đọc trở nên quan tâm đến nữ phượt thủ này nhiều hơn với câu nói: “Vì cuộc đời là những chuyến đi. Vì tuổi trẻ đâu có bao nhiêu, nên phải đi, và sống, sống cho hết những tháng năm tuổi trẻ rồi sẽ không bao giờ trở lại nữa”.
Trong cuốn sách mới lần này, với 281 trang in đen trắng và 48 trang in màu, Đinh Hằng dẫn dắt người đọc khám phá những vùng đất có quen có lạ của Đông Nam Á. Từ cái nắng rát bỏng da trên đảo Koh Samui (Thái Lan), đến nhìn ngắm đàn cá dưới đáy biển Sipadan (Sabah, Malaysia), hay đón bình minh trên đỉnh Ramelau (Đông Timor), tháp đá ở Indonesia... Những mẩu chuyện vụn với người dân bản xứ, cách ăn gì, chơi gì, đi sao cho tiết kiệm đều được Đinh Hằng chia sẻ trong cuốn sách cũng như trong buổi nói chuyện. Cuốn sách không chỉ giúp tác giả được trải lòng với những gì đã thấy, đã nghe mà còn là cẩm nang cho những người ưa thích du lịch tự túc, hoặc giúp những ai không có cơ hội đi được hình dung phần nào về các vùng đất khác.
Đinh Hằng không phải là người Việt Nam đầu tiên độc hành ở một vùng đất khác và viết lại sách. Trước đó, người đọc chào đón Xách balo lên và đi của nữ tác giả Khánh Huyền, Nước Ý - Câu chuyện tình của tôi của Trương Anh Ngọc, Tôi là một con lừa và Con đường Hồi giáo của Nguyễn Phương Mai... Nếu không muốn chu du ở nước ngoài thì có thể chọn đọc Jonl đi tìm Hùng của Trần Hùng Jonl, một người con sống ở nước ngoài trở về Việt Nam để tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa, lịch sử dân tộc hay Bước chân Việt Nam 4 cực 1 đỉnh của Ngô Huy Hòa.
Đa số các tác giả đều bắt đầu chuyến đi hoặc là không mang tiền, hoặc đem rất ít tiền. Điều này được giải thích giống như một chuyến đi trở về nhà, đi với tâm thức bốn bể là nhà, ở mọi nơi đều có người tốt nếu ta là người tốt. Ngoài ra, việc đi với hầu bao rỗng cũng giúp bạn rèn khả năng thuyết phục, hòa nhập để có nơi ở qua đêm, có cái ăn và lao động để có tiền đi đến một miền đất khác. Nhưng có một lưu ý mà tác giả Đinh Hằng gửi gắm là phải tỉnh táo trong mọi tình huống, đi đến một nơi khác là cơ hội khám phá nhưng cũng là thử thách, sẽ có nhiều chuyện bất ngờ xảy ra nên tâm thế phải bình tĩnh, nhờ đến sự trợ giúp khi cần.
Vì không phải là những cây viết chuyên nghiệp nên cách truyền tải nội dung, văn phong cũng tự nhiên, chân thật như chính con người của tác giả. Đây là một trong những gạch đầu dòng về ưu điểm khiến sách du ký ghi điểm trong lòng đọc giả.