Thành công của Lâm Đồng trong việc khai thác du lịch canh nông mở ra hướng đi cho những địa phương khác, thậm chí cả với đô thị lớn bậc nhất cả nước – TPHCM.
- Trải nghiệm ‘xanh’ tại 4 điểm du lịch canh nông ở Đà Lạt
- Lâm Đồng: ‘Gỡ khó’ để phát triển du lịch canh nông
Du lịch canh nông là tam nông (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) gắn với hoạt động du lịch. Theo truyền thống, nông nghiệp là nơi sản xuất ra lương thực, thực phẩm phục vụ xã hội, nó được coi là sân sau. Những năm gần đây, ngẫu nhiên khi một số du khách đến một vùng xa lạ tò mò muốn xem người dân ở đây sống ra sao và làm ăn như thế nào giúp hình thành một xu hướng mới.
Ban đầu, các hoạt động chỉ là phần nằm ngoài của một tour du lịch được thiết kế sẵn. Người hướng dẫn viên tranh thủ thời gian đưa du khách đi cho biết thế nào là trồng lúa nước, con trâu, cái liềm, kẹo dừa được làm ra sao. Các nhà tổ chức du lịch đã nhanh nhạy nhận thấy nhu cầu và nghiên cứu cho ra đời loại hình du lịch mới làm phong phú thêm các sản phẩm được coi là truyền thống như du lịch đô thị, du lịch biển đảo, du lịch tâm linh, du lịch di sản, du lịch sức khỏe, du lịch mạo hiểm…
Do điều kiện kinh tế – xã hội, một vài quốc gia, vùng miền sở hữu ngay từ đầu loại du lịch canh nông như ở Mông Cổ với cái tên là du lịch du mục hay ở Nội Mông (Trung Quốc) với du lịch thảo nguyên. Rất nhiều quốc gia trước đó không quan tâm đến chuyện này, nay đã chú ý và bắt đầu thử nghiệm thành công như ở Singapore, Dubai. Trong các tour du lịch đến Singapore có tour du lịch nông nghiệp sinh thái, du khách được thăm các nhà kính cao tầng trồng rau, cây trái và các trang trại với công nhân nông nghiệp ở Green Punggol, tương tự ở Dubai có tour du lịch tới vùng trồng lúa mì, lúa nước trên sa mạc Sharjah.
Năm 2015, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch canh nông và trở thành địa phương đầu tiên của cả nước thí điểm mô hình kết hợp du lịch với sản xuất nông nghiệp. Sau bảy năm, trải qua nhiều khó khăn và cả thất bại, đến nay Lâm Đồng đã thành công với mô hình “Du lịch canh nông”.
Ông Trần Văn Hiệp Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho hay “Bình quân 1 héc ta du lịch canh nông thu về khoảng 2 tỉ đồng, một số nơi đã đạt đến hơn 6 tỉ đồng”. Con số 2 tỉ đồng, 6 tỉ đồng thực sự ấn tượng. Mô hình này hiện nay đã bắt đầu xuất hiện rải rác đây đó trong cả nước. Ngoài Lâm Đồng, mô hình này xuất hiện ở Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái và một vài tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Bến Tre, Tiền Giang…
Đến với du lịch canh nông, khách du lịch được tham gia ở nhiều hình thức và cấp độ khác nhau. Mức thấp nhất là xem, khách xem hiện vật, quan sát quá trình sản xuất (du khách là người ngoài cuộc) và hưởng thụ sản phẩm còn nóng hổi như kẹo dừa, tươi sống như dâu tây ngay tại nơi sản xuất. Ở cấp độ này thường được gọi là “cưỡi ngựa xem hoa” trong thời gian ngắn, chẳng hạn như xem làm hồng gió treo, làm kẹo dừa, bánh tráng. Hướng dẫn viên và người dân địa phương giới thiệu quy trình, dụng cụ cho khách và cuối cùng là khách ăn thử.
Mức độ cao hơn là du khách trải nghiệm thực tế ở một vài công đoạn mà người ta gọi là “nhập vai”. Họ cùng tham gia sản xuất, cùng với nông dân thu hoạch hoa tươi trong nhà kính ở Đà Lạt, cùng trồng rau ở làng rau Trà Quế, Hội An, cùng hái lá thuốc với người Dao ở Lào Cai, cùng thu hoạch tôm trên vịnh Hạ Long và cuối cùng, họ thụ hưởng chính những gì mà họ làm ra. Du khách thấy thú vị khi được ngâm mình trong các bồn thuốc nóng hổi mà tự tay họ hái, rửa và nấu.
Mức độ cao nhất là ba cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” trong thời gian vài ba ngày. Khi đó, du khách trở thành một thành viên của cộng đồng, được sinh sống, trải nghiệm trong môi trường thường nhật mà cộng đồng ấy trải qua, kể cả việc cưỡi trâu, hái măng. Nếu may mắn đúng dịp, khách còn được tham gia các đám cưới (có khi cả đám ma), các lễ hội địa phương, và đến làm lễ ở các đình, chùa. Tùy từng địa điểm và trình độ tổ chức mà mỗi nơi có một cấp độ khác nhau, hiện nay các tour du lịch canh nông chỉ mới dừng ở mức 1 và 2, chỉ có Lâm Đồng là được đến mức 3 – mức mà du khách, nhất là khách nước ngoài thích thú nhất. Họ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn, ở dài ngày hơn cho các trải nghiệm thực tế.
Lâu nay, khách du lịch, nhất là khách từ nước ngoài đến TPHCM thường than thở sản phẩm du lịch đơn điệu, tour một ngày thường là từ khu phố Tây Bùi Viện sau đó đi đến Dinh Thống Nhất, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Bến cảng Nhà Rồng và kết thúc là địa đạo Củ Chi. Sau đó một ngày cho tour miền Tây, rồi họ xách ba lô ra miền Trung, ngược miền Bắc. Trong bối cảnh như thế, du lịch nông nghiệp sinh thái ở TPHCM có thể xem là sản phẩm mới để kéo dài thời gian du lịch và gia tăng số tiền chi cho chuyến đi. Khi mà UBND TPHCM chủ trương tạm hoãn việc các huyện lên quận và thành phố để tìm ra hướng đi mới thích hợp, việc mở ra các homestay kết hợp với du lịch canh nông là một trong những phương án khả thi.
Trước đây, một vị lãnh đạo của TPHCM tính toán trên máy tính và cho rằng “1 héc ta đất nông nghiệp chỉ thu được có 55 triệu đồng sau 1 năm canh tác” cho nên phải chuyển sang đất công nghiệp, nhưng cách tính cơ học đó không ổn vì còn khoảng 800.000 người làm nông nghiệp đi đâu, làm gì để sống, và những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở các huyện ngoại thành sẽ như thế nào. Với mô hình du lịch canh nông chất lượng cao kết hợp với homestay thì sẽ giải quyết được các nút thắt về kinh tế, văn hóa và xã hội.
Một làng nông nghiệp sinh thái ở Hóc Môn sẽ chứa được bên trong hình ảnh 18 thôn vườn trầu, đình chùa miếu mạo, nhà rường, nhà vuông, nhà chữ Đinh Nam bộ, lò gốm, cải lương, đờn ca tài tử, và tất nhiên cả bánh tráng phơi sương, cá lóc bọc đất sét, canh chua… – những thứ mà khách nước ngoài đi tìm bấy lâu, chứ không phải đường cao tốc, nhà chọc trời. Một héc ta đất du lịch canh nông mang lại 6 tỉ đồng/năm ở Lâm đồng cho thấy hiệu quả của mô hình này mang lại. Chính vì vậy mà mô hình du lịch canh nông là một hướng đi hợp lý cho TPHCM và có thể thành công ở Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ nếu muốn.
TS. Nguyễn Minh Hòa
Theo KTSG Online