Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Du lịch châu Á trỗi dậy mạnh mẽ

(SGTT) - Sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch của châu Á phục hồi chậm hơn nhiều so với phương Tây. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng lượng khách quốc tế đến châu Á trong năm nay dự kiến sẽ vượt xa các khu vực còn lại trên thế giới.
Việt Nam chào đón gần 10 triệu lượt khách quốc tế trong 7 tháng đầu năm 2024. Ảnh: Đạt Thành

Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới (WTTC) dự báo, trong năm nay, lượng khách thực hiện các chuyến du lịch nước ngoài trên toàn cầu và số tiền chi tiêu của du khách sẽ vượt mức của năm 2019.

Với khu vực châu Á, sau đại dịch Covid-19, lượng khách quốc tế đến phục hồi chậm do nhiều nước trong khu vực duy trì chính sách kiểm soát đại dịch lâu hơn nhiều so với châu Âu và Mỹ.

Tuy nhiên, ngành du lịch ở khu vực này hiện đang trỗi dậy mạnh mẽ. Theo dự báo của WTTC, lượng khách đến các nước châu Á trong năm 2024 sẽ tăng hơn 33% so với năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng này vượt xa các khu vực còn lại trên thế giới.

Hồi đầu tháng 8 này, Michael Glover, giám đốc tài chính của tập đoàn khách sạn InterContinental Hotels Group, cho biết hoạt động kinh doanh đang bùng nổ ở Thái Lan và Việt Nam. Gần đây, Mark Galardo, CEO của hãng hàng không Air Canada tiết lộ, các tuyến bay mới đến Seoul (Hà Quốc) và Osaka (Nhật Bản) đang hoạt động “cực kỳ tốt”.

Khách phương Tây bắt đầu đổ xô đến châu Á vào năm ngoái. Năm 2023, lượng khách Mỹ đến châu Á đã tăng gấp đôi so với năm 2022. Đồng đô la tăng giá mạnh là một phần nguyên nhân. Theo Catherine Heald, đồng sáng lập kiêm CEO của Remote Lands (Mỹ), một công ty du lịch phục vụ khách giàu, ngày càng có nhiều khách hàng đặt tour lặn biển ngoài khơi đảo Komodo của Indonesia, tham quan các ngôi chùa ở Nhật Bản cũng như các chuyến du ngoạn thưởng thực ẩm thực khắp Thái Lan.

Danh sách các điểm đến và hoạt động trải nghiệm cho du khách đang mở rộng ở châu Á. Khách có ngân sách dồi dào có thể trải nghiệm tàu du lịch đường sắt hạng sang Eastern & Oriental Express kết nối Singapore và Malaysia. Tàu du lịch này do Belmond, công ty kinh doanh khách sạn của LVMH, tập đoàn hàng xa xỉ của Pháp điều hành.

Cùng với đó, hệ thống khách sạn cũng đang phát triển mạnh mẽ. Tính đến tháng Sáu, hơn 500.000 phòng khách sạn đang được xây dựng trên khắp khu vực, tăng hơn 4% so với năm ngoái. Bay đến châu Á cũng trở nên dễ dàng hơn khi các hãng hàng không nội địa và phương Tây tăng số lượng chuyến bay đến và đi từ lục địa này. Ví dụ, British Airways (Anh) đang khởi động lại các chuyến bay đến Bangkok (Thái Lan) và Kuala Lumpur (Malaysia).

Tuy nhiên, động lực lớn nhất của du lịch châu Á là du khách trong khu vực. Theo Công ty tư vấn Oxford Economics, người tiêu dùng Trung Quốc đã bắt đầu đi du lịch nước ngoài trở lại. Tuy vẫn còn thấp hơn trước dịch nhưng dự kiến, so với năm ngoái, số lượng chuyến du lịch quốc tế từ nước này sẽ tăng gấp đôi trong năm nay. Phần lớn chuyến các chuyến du lịch nước ngoài của người Trung Quốc diễn ra trong khu vực lân cận. 3 /4 số chuyến bay rời Trung Quốc trong tháng trước là đến Đông Á và Đông Nam Á.

Thị trường Ấn Độ cũng tăng trưởng tốt. Nhờ thu nhập tăng lên, người dân nước này đang đi du lịch nước ngoài nhiều hơn. Tính đến tháng Ba năm nay, du khách đã chi gần 20 tỉ đô la Mỹ cho các chuyến du lịch nước ngoài, gấp hơn ba lần số tiền đã chi vào cùng kỳ cách đây 5 năm.

Khi thu nhập tăng lên, khách Ấn Độ ngày càng chi tiêu nhiều hơn cho các chuyến nghỉ dưỡng ở nước ngoài. WTTC ước tính, đến cuối thập niên này, khách Ấn Độ chỉ đứng sau Mỹ và Trung Quốc về chi tiêu du lịch nước ngoài. Tất cả những điều đó chỉ ra rằng, cơn bùng du lịch ở châu Á chỉ mới bắt đầu.

Báo cáo của WTTC hồi tháng 6 cho biết, ngành du lịch và lữ hành của Việt Nam dự kiến đóng góp kỷ lục 770,8 nghìn tỉ đồng cho nền kinh tế trong năm 2024. Con số này tăng 13% so với mức của năm 2019 và chiếm 7% GDP của Việt Nam. Việc làm trong ngành du lịch và lữ hành được dự đoán tăng 6% trong năm nay, lên 5,96 triệu việc làm, chiếm 11% tổng số việc làm của cả nước.Theo WTTC, du khách nội địa dự kiến ​​chi tiêu kỷ lục 434,7 nghìn tỉ đồng trong năm nay, cao hơn 20% so với năm 2019. Chi tiêu của du khách quốc tế dự kiến đạt mức 264,8 nghìn tỉ đồng, vẫn còn thấp hơn 4,2% so với năm 2019.“Sự phục hồi ấn tượng này cho thấy tiềm năng của ngành du lịch và lữ hành của Việt Nam, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra hàng triệu việc làm trên cả nước”, Julia Simpson, Chủ tịch kiêm CEO WTTC nhận xét.

Theo The Economist
Khánh Lan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối